Phân khúc xe cỡ nhỏ, giá rẻ: Kia Morning
Điều này không quá khó hiểu khi nằm trong nhóm này là những mẫu xe có mức giá rẻ cả về chi phí mua ban đầu lẫn vận hành về lâu dài. Những cái tên quen thuộc như Morning, Vios, Mirage, Spark… hay “sang” hơn chút ít là City, Swift, Fiesta, Sunny hay Yaris đều rất “nóng” không chỉ trong nhóm người sử dụng mà cả trên thị trường xe trong nước.
Giá rẻ, tiết kiệm nhiên liệu, bền bỉ, kiểu dáng nhỏ gọn phù hợp giao thông đô thị là những điểm mạnh của Kia Morning.
Trong thời gian gần đây, một phần do tình hình không mấy sáng sủa của nền kinh tế nên nhiều người cũng phải cân nhắc lại ngân sách khi mục đích thực sự sử dụng hàng ngày chỉ là một phương tiện chủ yếu chạy trong thành phố, chở trẻ em đi học… Như thế, những chiếc xe phải dễ vào chỗ đỗ chật hẹp, dễ xoay trở luồn lách trong các con phố nhỏ, tiêu thụ xăng vừa phải và cũng phải tạo cảm giác hưng phấn cho người cầm lái khi bước lên xe. Quan trọng hơn cả, mức giá của chúng phải ở mức hợp lý để thực sự là một phương tiện giao thông thay vì một tài sản như quan niệm thường thấy.
Kia Morning đã dẫn đầu phân khúc này với hàng loạt ưu thế: có mặt trên thị trường Việt Nam từ rất sớm, dễ mua đi bán lại, sửa chữa thay thế phụ tùng. Quan trọng hơn cả, mức giá khởi điểm khá hợp lý (chỉ hơn 380 triệu) đã khuyến khích người mua tiếp cận sản phẩm tốt hơn các đối thủ khác.
Phân khúc xe sedan cỡ nhỏ: KIA Forte/K3
Nếu như phân khúc của Morning hay Fiesta có tiêu chí lựa chọn chính là về giá thành và công năng thì sang tới phân khúc sedan cỡ nhỏ, những nhu cầu về ngoại hình, phong cách và cá tính đã bắt đầu xuất hiện khá rõ nét trong lựa chọn. Những cái tên như Mazda3, K3 (bao gồm cả Forte trước đây), Focus, Cruze… đều hướng tới sự trẻ trung, năng động.
Kia Forte/K3 có khả năng vận hành ổn định, mức giá hợp lý hơn so với các mẫu xe đến từ Nhật Bản
Sự thống trị của K3 được hình thành một phần lớn nhờ nền móng thị trường do Forte/Cerato đặt ra trước đó. Trong năm 2013, cộng đồng đã chứng kiến không ít các trường hợp “lên đời” K3 từ Forte – một tín hiệu đáng mừng cho thấy KIA đã tạo dựng được thương hiệu cho dòng xe cỡ nhỏ này của mình tại Việt Nam. Bản thân Forte đã xây dựng được hình ảnh tốt ở những khía cạnh như tính năng tuỳ chọn phong phú, khả năng vận hành ổn định và đặc biệt là mức giá hợp lý hơn so với các đối thủ đến từ Nhật Bản. Tới cuối 2013, KIA đã thay thế Forte bằng K3 mới. Vẫn duy trì truyền thống chung của mẫu sedan cỡ nhỏ thương hiệu Hàn Quốc nhưng K3 được xem là bước ngoặt lớn về thiết kế (ngoại trừ động cơ) so với Forte đã làm được.
Phân khúc xe sedan cỡ trung: Toyota Camry
Một điều chắc chắn rằng cái tên Camry vẫn có chỗ đứng tuyệt đối trong lòng người tiêu dùng Việt. Tính tiện nghi, thương hiệu tin cậy cả đối với nhà sản xuất và khả năng duy trì giá trị sau thời gian dài sử dụng đã biến Camry trở thành ước mơ của nhiều thế hệ.
Toyota Camry "đóng đinh" trong suy nghĩ của người tiêu dùng Việt, là một mẫu xe bền bỉ và giữ giá.
Riêng trong năm 2012, mẫu xe này đạt thị phần lên tới 60% trong phân khúc sedan cỡ trung tại Việt Nam. Chính vì thế, bất chấp việc trong vài năm trở lại đây, hàng loạt các mẫu xe đối thủ mới xuất hiện một cách mạnh mẽ - kể cả những tên tuổi đến từ châu Âu, Camry vẫn giữ vững ngôi số một.
Phân khúc xe sedan hạng sang: Mercedes-Benz E-Class
Nếu nhắc đến một mẫu xe đại diện cho sự sang trọng và đẳng cấp tại Việt Nam, đó hẳn sẽ là một chiếc “Mẹc”. Trong suốt những năm qua, Mercedes-Benz thông qua hệ thống phân phối của mình tại Việt Nam đã rất thành công trong việc xây dựng thương hiệu đồng thời tạo dựng hệ thống lắp ráp, nhà xưởng dịch vụ và nhiều đảm bảo khác nhằm chiếm lĩnh niềm tin cho khách hàng.
Trong khi đó, những mẫu xe của hãng luôn là chuẩn mực cho tính tiện nghi, cảm giác hưởng thụ tuyệt đối và “chất” của một chiếc xe Đức.
Một chiếc "Mẹc" vẫn luôn là biểu tượng của sự thành đạt, thịnh vượng.
Trong khi đó, dù vẫn ráo riết theo đuổi trên từng hạng mục, BMW Series 5 dường như vẫn “đuối” hơn so với đối thủ. Với thế mạnh về cảm giác lái và kiểu dáng trẻ trung, mẫu xe của BMW thường được giới trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng phải xét tới thực tế là một khi công việc thành đạt, gia đình viên mãn, những chiếc sedan hạng sang như thế này sẽ là thứ được nhiều người hướng tới. Chúng cũng là bạn đồng hành đẳng cấp không thể thiếu đối với những doanh nhân thành đạt, những người tiêu dùng có điều kiện tài chính.
Khi ấy, “Mẹc” thường là thứ họ nghĩ tới đầu tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang ngày càng chuyển động theo những hướng khó ngờ, những doanh nhân trẻ tuổi dám nghĩ, dám làm và thường gặt hái được thành công sớm, BMW đang đứng trước nhiều thuận lợi trong cuộc chơi. Trong khi đó, Mercedes cũng đang chuyển mình theo hướng mới trẻ trung và năng động hơn. Liệu thứ hạng của hai đại gia này trong năm tới có thay đổi?
Phân khúc xe SUV cỡ nhỏ: Mercedes-Benz GLK
Ngoài phân khúc xe sang, Mercedes-Benz còn nắm vị trí tuyệt đối tại phân khúc SUV cỡ nhỏ nhờ sự hiện diện của chiếc GLK. Chiếc SUV của Mercedes có những ưu thế khá giống với đồng đội E-Class. Độ bốc, cảm giác lái tốt và vẻ ngoài mạnh mẽ là những yếu tố giúp GLK vượt lên trên đối thủ.
Độ bốc, cảm giác lái tốt và vẻ ngoài mạnh mẽ là những yếu tố giúp GLK vượt lên trên các đối thủ Audi Q5 và BMW X3.
Tiếp sau hai mẫu xe đến từ Đức, thấp hơn chút ít, chúng ta có Mazda CX-5, Honda CR-V và Ford Escape.
Phân khúc xe SUV cỡ trung: Toyota Land Cruiser Prado
Trong nhiều năm qua, những chiếc xe SUV cỡ trung luôn là lựa chọn được người tiêu dùng Việt Nam tin cậy - đặc biệt là những ai thường xuyên phải bôn ba trên khắp các nẻo đường. Nổi bật lên những cái tên như Land Cruiser Prado hay Pajero, những chiếc SUV đã thể hiện hết mình khả năng chinh phục địa hình trong khi vẫn đảm bảo tính tiện nghi cho người ngồi bên trong. Cùng với sự chuyển mình chung của thị trường xe và sự hiện diện của nhiều gương mặt mới như Pajero Sport hay Fortuner, đây là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng - đặc biệt là các khách hàng khối doanh nghiệp.
Toyota Land Cruiser Prado có khả năng vận hành tốt, êm ái “đi xa không mệt”
Thực tế, cái tên Land Cruiser trong phân khúc xe SUV cũng có sức ảnh hưởng không thua kém “Mẹc” trong nhóm xe sang. Dù đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, mẫu xe này của Toyota vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu – bất chấp sự hiện diện của nhiều gương mặt mới. Khả năng vận hành tốt, êm ái “đi xa không mệt”, bền bỉ là những ưu điểm mà các thành ở Prado. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng máy 2.7L là hơi yếu so với xe.
Phân khúc xe bán tải: Ford Ranger
Từ chỗ chỉ là món "công cụ" của những doanh nghiệp cần khả năng chuyên chở hỗn hợp cả người và hàng hoá trên những địa hình phức tạp, xe bán tải (pick-up) đã tìm được con đường tiến vào thị trường bán lẻ và dân dụng. Hình ảnh những chiếc xe đồ sộ và đầy chất "bụi" trên các tuyến phố đông đúc không còn là điều quá lạ mắt với mọi người. Bên cạnh đó, xe bán tải còn là lựa chọn thú vị cho các cuộc chơi "off-road" với vô vàn các tuyệt chiêu độ, nâng cấp và thay thế phụ tùng thú vị. Dù còn vướng phải nhiều điều mù mờ trong chính sách pháp lý, những chiếc bán tải vẫn ngày càng có sức cuốn hút độc đáo với nhiều nhóm người dùng.
Với sở hữu ngoại hình mạnh mẽ, tiện nghi đầy đủ, thương hiệu đủ tốt, Ranger vẫn cần một phiên bản có động cơ mạnh mẽ hơn.
Nếu như chỉ xếp ở “chiếu dưới” trong cuộc chơi SUV cỡ nhỏ với Escape, Ford lại thống trị trong sân chơi của xe bán tải nhờ mẫu Ranger. Ranger ghi điểm nhờ vẻ ngoài mạnh mẽ, tiện nghi nội thất bên trong tốt. Sự tiện nghi và ngoại hình là điều phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện tại – khi phần lớn người sử dụng bán tải tại Việt Nam chủ yếu vẫn là cho nhu cầu đi phố, chuyên chở nhẹ hoặc các thú vui cá nhân.
Dù vậy, không ít người cũng tỏ ra quan ngại về chất lượng dịch vụ bán hàng cũng như sự thiếu vắng một số mẫu được ưa chuộng (như Wildtrak hay các dòng có công suất cao).
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]