Lời mời trước bữa ăn
Khi con đã biết nói và bắt đầu ngồi dùng bữa cùng cả nhà, mẹ nên dạy con phải có lời mới với người lớn tuổi trước khi ăn cơm như mời ông bà, bố mẹ, anh chị… Đây là phép lịch sự cơ bản và quan trọng nhất trên mâm cơm. Mẹ cần dạy con điều này sớm nhất có thể, để hình thành thói quen ăn uống tốt cho trẻ ngay từ nhỏ
Nhờ người khác lấy hộ thức ăn
Nếu đĩa thức ăn con muốn ăn ở xa tầm với, mẹ hãy dạy bé nên nhờ người ngồi gần lấy giúp thức ăn, thay vì rướn người lên để lấy. Bởi khi rướn người lên có thể ảnh hưởng đến người ngồi bên cạnh, sẽ rất mất lịch sự. Không những vậy, việc cố rướn người lên để lấy thức ăn có thể khiến đồ ăn rơi vãi ra xung quanh, gây mất vệ sinh và khiến người khác khó chịu.
Những hành động không được làm khi ăn
Khi ngồi ăn, mẹ cần “quán triệt” cho bé một số điều tuân thủ để giữ phép lịch sự và không gây khó chịu cho những người xung quanh, giúp cho không khí bữa ăn luôn vui vẻ và ngon miệng. Mẹ cũng nên nhắc nhở con thường xuyên ngay khi bé vi phạm để con không bị quên và tái phạm.
- Không chống tay khi ăn.
- Không chép miệng khi ăn.
- Không vừa ăn và nói khi miệng còn đầy thức ăn.
- Không nhai tóp tép hoặc nuốt thức ăn có tiếng ừng ực.
- Cầm bát lên khi gắp thức ăn vào miệng.
- Không nghịch thiết bị điện tử khi ngồi vào bàn ăn.
- Không dùng đũa khoắng vào bát canh.
- Khi chấm thức ăn không nên nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm.
- Không dùng đầu đũa mình đang ăn để gắp thức ăn cho người khác.
- Sau khi múc canh phải đặt úp thìa xuống, không được để ngửa thìa, hoặc để thìa nổi trên bát canh.
Tư thế ngồi ăn lịch sự
Trẻ nhỏ rất hiếu động nên thường thích ngồi những tư thế mà con cảm thấy thoải mái như gác chân lên ghế, vừa quỳ vừa ăn, ngồi xổm khi ăn. Cha mẹ nên rèn cho con ngồi ngay ngắn, đúng tư thế khi ăn từ nhỏ, bởi những tư thế kể trên rất có hại cho việc tiêu hóa thức ăn. Không những thế, thói quen ngồi ăn xấu khiến con trở nên bất lịch sự khi ăn ở nơi đông người.
Mẹ nên dạy con ngồi ngay ngắn, thẳng lưng và thả lỏng trong khi ăn. Tư thế ngồi đúng giúp thức ăn được tiêu hóa một cách dễ dàng, phòng tránh được các căn bệnh về tiêu hóa như đau dạ dày, viêm đại tràng...
Biết nói “cảm ơn” và không chê đồ ăn
Mẹ cần dạy con biết trân trọng công sức của người đã vất vả nấu ra những món ăn, bằng cách nói cảm ơn và không chê bai đồ ăn. Việc chê đồ ăn không ngon sẽ khiến người nấu cảm thấy không vui, và bữa ăn trở nên nặng nề. Nếu bạn không dạy con điều này từ sớm, thì lớn lên con sẽ tự cho mình quyền chê bai và coi nhẹ công sức lao động của người khác. Điều này không tốt chút nào cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Lời cảm ơn của bé vừa thể hiện sự trân trọng công sức người khác, vừa khiến người nghe cảm thấy hài lòng về bé, bữa cơm gia đình sẽ trở nên vui vẻ, ấm cúng hơn.
Ngoài những phép lịch sự khi ăn uống, mẹ cũng nên dạy con tuân thủ kỷ luật gia đình và dạy bé làm việc nhà. Khi dạy con, bố mẹ cần thật kiên nhẫn và giữ bình tĩnh. Tránh việc cáu gắt, chửi mắng hay dùng đòn roi để dạy con. Nếu cần thiết, hãy dùng những hình phạt khoa học để giúp con nghe lời mà không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của bé.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]