Bữa cơm luôn là thời điểm khó khăn trong ngày đối với các ông bố, bà mẹ. Những đứa trẻ có thể lười ăn, thậm chí còn ngồi nghịch thức ăn, thậm chí có bé còn không hề động thìa, đũa với những món ăn mà bố, mẹ đã mất bao công sức để chuẩn bị.
Khi đó, mỗi bố mẹ có cách ứng xử khác nhau, không ai giống ai và cũng không có một cách áp dụng tuyệt đối đúng nào đối với mỗi đứa trẻ. Nhưng câu chuyện của bà mẹ Nhật dưới đây kể về cách ứng xử của chồng cô khi con biếng ăn sẽ khiến nhiều ông bố bà mẹ phải suy ngẫm.
Tôi có hai con trai: Taro 3 tuổi rưỡi và Jiro 1 tuổi.
Vì công việc của chồng tôi khá bận và thường không có giờ giấc cố định nên buổi tối thường sẽ chỉ có tôi và hai đứa trẻ ăn cơm cùng nhau. Tôi thường để thằng út ngồi gần mẹ để tiện hơn trong việc cho ăn.
Một hôm, thằng bé Taro bỗng nhiên tức giận trong bữa tối: “Con không muốn ăn cơm. Con sẽ ăn kem!”, thằng bé gào lên rõ to và hầu như không hề đụng đũa vào thức ăn, sau đó bỏ đi.
Một hôm, chồng tôi bỗng nhiên về sớm hơn thường ngày. Cũng như thường ngày, đĩa thức ăn của Taro thậm chí còn không hết 1/5. Taro nói với tôi: “Con no rồi. Con muốn ăn kem”.
Cách ứng xử của chồng đã khiến con tôi thay đổi.
Tôi đã quá quen với nếp sinh hoạt này. Và lúc đó tôi phải đồng ý để thằng bé rời bàn ăn với yêu cầu của nó. Nhưng tôi vẫn cảm thấy bực tức vì Taro đã nghịch thức ăn trước đó, thậm chí thằng bé còn đổ canh vào cơm... và không ăn gì, biến tất cả mọi thứ trở thành mớ hỗn độn.
Tôi đang định chạy ra lấy kem trong tủ lạnh cho thằng bé như mọi khi thì chồng tôi ngăn tôi lại.
“Taro, lại đây ngồi lên lòng bố nào. Bố con mình nói chuyện một chút nhé”, anh ấy nhẹ nhàng với thằng bé.
Taro lúc đó cảm nhận được dường như nó sẽ không có kem ăn và đột nhiên tức giận, gào khóc. Nó lững thững một lúc mới đi được đến phòng khách – lúc đó chồng tôi đã ngồi ở đó. Cuối cùng, thằng bé cũng từ từ đi đến và ngồi xuống bên bố.
“Taro, con luôn luôn tặng mẹ những MÓN QUÀ mà con làm được đúng không?”.
“Vâng, hôm nay con đã hái hoa tặng mẹ. Con đã gói hoa bằng giấy rất đẹp và tặng cho mẹ”, Taro hào hứng trả lời.
“Mẹ đã nói gì?”, chồng tôi lại tiếp tục hỏi.
“Mẹ nói là mẹ rất vui. Mẹ đã cắm hoa vào đó” – Taro vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc lọ.
“Vậy nếu mẹ nói với Taro là mẹ không cần món quà đó mà muốn một thứ khác thì con nghĩ sao?".
Taro bắt đầu xị mặt và nói: “Khônggg”
Nhưng ngay sau đó cậu bé đỏ bừng mặt, cảm thấy bối rối và bắt đầu khóc. Những đứa trẻ luôn nhạy cảm và dễ bị tổn thương khi được nói chuyện như vậy.
Chồng tôi tiếp tục: “Mẹ sẽ rất buồn nếu mẹ làm quà cho con hàng ngày nhưng sau đó con lại nói với mẹ là con không muốn chúng và ném chúng đi. Con có nghĩ là mẹ nghĩ như thế không?".
“Con xin lỗi mẹ”, Taro bắt đầu chảy nước mắt, cảm thấy có lỗi và càng khóc to hơn.
Những bữa ăn đã trở thành "món quà" vui vẻ.
Sự khéo léo của chồng tôi trong việc sử dụng từ “món quà” thực sự đã có tác dụng. Những bữa ăn tiếp theo đã trở nên dễ chịu và diễn ra vui vẻ hơn. Taro không chỉ ăn thức ăn tôi bày trên bàn mà còn dùng thìa vét sạch sẽ gọn gàng không để lại một hạt cơm trong bát.
Mặc dù sau đó, chồng tôi hiếm khi được ngồi ăn tối đúng giờ cùng với vợ và con nhưng tôi luôn cảm thấy biết ơn anh ấy về cách ứng xử với con đầy chân thành của mình. Tất cả chỉ nhờ có 2 từ duy nhất: “MÓN QUÀ” – điều khiến tôi cảm thấy đỡ áp lực và cô đơn hơn.
Và đối với tôi, đó là “MÓN QUÀ” tuyệt vời hơn bao giờ hết!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]