1. Lẩu ốc
Có rất nhiều loại ốc được dùng để ăn kèm trong món lẩu này như ốc bươu, ốc mỡ, chem chép, sò điệp, sò huyết, càng ghẹ... và mọc. Mọc được làm từ thịt ốc bươu bằm nhỏ, trộn đều với giò sống và nấm mèo thái nhuyễn, vo thành từng viên vừa ăn. Nước lẩu ốc có vị chua và hơi cay, nghe đơn giản nhưng gia vị được nêm một cách khéo léo, vừa ăn, không quá chua hay quá cay. Ăn kèm lẩu ốc là các loại rau nhút, cọng bông súng, rau muống, bắp chuối, nấm...
Khi nồi nước lẩu sôi, cho các loại sò, ốc vào nấu chín tới thì vớt ra, không nên để lâu làm mất hết vị ngọt của thịt ốc. Gắp một ít bún cho vào chén, chan nước lẩu vào, thưởng thức với các loại rau và thịt ốc. Món ăn sẽ thêm đậm đà với chén muối tiêu chanh bên cạnh.
2. Lẩu vịt om sấu
Đây là món ăn đặc trưng của miền Bắc với hương vị thơm ngon độc đáo. Vịt và sấu là hai thành phần chính tạo nên món ăn này, ngoài ra còn có khoai môn, rau muống và mì Chũ. Chế biến món ăn này không khó nhưng thể hiện được sự khéo léo của đầu bếp trong quá trình chế biến và nêm nếm thức ăn.
Vịt để nấu món này là vịt cỏ, chọn con mập thịt và hơi già, để khi nấu cho vị ngọt, thịt dai và không bị hôi. Vịt làm sạch, rửa lại với ít rượu trắng để khử mùi. Chặt vịt thành từng khúc vừa ăn, ướp với một ít gia vị rồi để thấm trong khoảng 30 phút.
Đặt nồi lên bếp, khử thơm dầu rồi cho vịt vào xào sơ để thịt vịt săn lại. Sau đó cho nước vào xâm xấp mặt thịt (có nơi sử dụng nước dừa), cho khoai môn, sấu tươi đã cạo vỏ vào rồi đun sôi. Hạ nhỏ lửa để thịt chín mềm. Khi ăn, dằm sấu ra, nêm lại gia vị vừa ăn, có vị đậm đà chua nhẹ là được. Ăn kèm món này không thể thiếu rau muống và mì Chũ.
3. Lẩu gà hấp hèm
Trước khi bắt đầu nấu lẩu, người ta lấy một lượng hèm vừa phải, vắt lấy nước, bỏ bã. Nước hèm để lắng, lọc lại một lần nữa để bỏ đi phần lợn cợn của bã hèm còn sót lại. Cho nước hèm vào nồi và nấu trên bếp, nêm đường và các loại gia vị vừa ăn. Gà ta sau khi làm sạch, chặt thành từng lát vừa ăn, cho vào nồi, để lửa vừa cho đến khi thịt chín là được.
Rau ăn kèm với món này rất đơn giản, chỉ có cải bẹ xanh, cải thảo và hành lá thái khúc. Khi nồi lẩu sôi, cho các loại rau vào trong nồi và thưởng thức, bạn có thể ăn kèm với bún tươi hoặc mì gói theo ý thích. Thịt gà được nấu trong nước hèm nên chín mềm rất ngon, bên cạnh đó là vị ngọt của rau cải, vị chua thanh của nước lẩu rất vừa ăn và ngon miệng.
4. Lẩu riêu cua sườn sụn
Không có cái vị chua cay đậm đà của lẩu Thái, cũng không thanh ngọt như lẩu hải sản... lẩu riêu cua sườn sụn chinh phục người ăn nhờ cái vị chua nhẹ rất riêng. Món ăn là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu như: riêu cua, thịt bò, sườn sụn, các loại rau, nấm và ăn kèm với bún tươi.
Nước lẩu phải có màu vàng đỏ của gạch cua và cà chua. Khi ăn có vị ngọt nhưng hơi chua, thơm ngon mà lại không bị nặng mùi của sườn sụn. Ngoài nước dùng, những khúc sườn sụn béo mềm cũng góp phần làm nên sự hấp dẫn cho món ăn. Các thành phần ăn kèm của món lẩu này cũng rất phong phú như: thịt bò, chả cá, nấm kim châm, các loại rau muống, rau nhút, bắp chuối, xà lách... và bún tươi.
Ngoài những món lẩu kể trên, ở Sài Gòn còn rất nhiều món lẩu quen thuộc khác mà bạn cũng khó bỏ qua trong thời tiết mưa gió hiện nay như: lẩu cua đồng; lẩu ếch; lẩu Thái; lẩu hải sản...
Theo Tiêu Phong - VnExpress
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]