Một trong các thói quen không tốt của con trẻ đó là mút tay. Con ngậm tay thường xuyên sẽ gây mất vệ sinh, không đẹp mắt và nếu mút tay trong thời gian dài còn có thể gây tổn thương một số vùng ở răng, lợi và miệng của con hay các ngón tay bị mút teo lại... Cha mẹ cần làm gì để loại bỏ thói quen xấu này cho con?
Xác định nguyên nhân
Hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến bé có hành động này. Đó có thể là hành vi khám phá cơ thể bằng các giác quan (khứu giác và vị giác) của bé. Hoặc bé mút tay do tay bé đang ở trạng thái “nhàn rỗi” quá chẳng biết làm gì. Đôi khi, tật xấu này được tạo thành từ những lúc bé bị bố mẹ la mắng, khi bé đói, rồi khi mẹ có em bé, bé bị "ra rìa"... Bé cũng có thể mút tay để giúp cho tâm trạng thoải mái. Tìm hiểu được nguyên nhân sẽ giúp mẹ tìm ra biện pháp "cai" tật xấu này cho con thành công.
Giải thích nhẹ nhàng cho bé
Để con từ biệt tật "mút mát", bố mẹ cần năng trò chuyện để tìm hiểu tại sao bé mút tay. Bạn hãy giải thích cho bé hiểu “mút tay là xấu xí” và “nếu ngừng mút tay, bé sẽ xinh đẹp hơn rất nhiều”.
Thức tỉnh trẻ
4-5 tuổi cũng là lúc trẻ hiểu hơn những chỉ dẫn và dạy bảo của cha mẹ. Vì vậy hãy ôn tồn nói cho trẻ biết chúng đã lớn và cần bỏ thói quen xấu này. Bạn có thể phân tích với bé rằng, mút tay sẽ đưa trực tiếp vi khuẩn vào miệng, hơn nữa là việc bé sẽ bị bạn bè trêu vì “lớn rồi” còn “mút mát”.
Khiến bé bận rộn
Bé thường mút tay vào những lúc rảnh rỗi không biết làm gì, vì vậy bạn cần làm cho bàn tay của bé luôn bận rộn bằng cách cho con chơi đồ chơi nào đó. Ví dụ khi trẻ mút tay thì nhét vào tay trẻ một quả bóng cao su hoặc một con vịt cao su để cho trẻ bóp. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ chơi với bóng hoặc vịt cao su và nói chuyện với trẻ khi trẻ chơi. Mẹ nhớ thu hút chúng trong một hoạt động mà đòi hỏi trẻ phải sử dụng cả hai tay. Đặc biệt là trước khi trẻ đi ngủ, hãy cho bé cầm cuốn sách để xem tranh hoặc ôm thú nhồi bông để chúng không còn rỗi rãi với ngón tay.
Nêu gương
Bạn bè rất quan trọng đối với nhóm tuổi này. Khi nói chuyện với trẻ, mẹ hãy lấy ví dụ một số người bạn của bé đã bỏ được thói quen mút tay sẽ rất hữu ích làm động lực cai mút tay cho bé.
Khen thưởng cho bé
Khi thấy bé có diễn biến tốt, bạn cần khen ngợi để bé ý thức được tầm quan trọng khi mình “nói không với mút mát”. Khen ngợi đúng lúc là cách tuyệt vời để thúc đẩy sự hợp tác của bé. Nếu mỗi lần khuyên bé không mút tay thành công, bạn lại khen thưởng thì có nhiều khả năng, quá trình "cai nghiện" tật xấu này sớm hoàn thành trước thời hạn. Ngoài khen ngợi bạn cũng có thể dành cho bé một phần thưởng nho nhỏ để động viên.
Cho bé đến bác sỹ
Ý kiến của các bác sĩ nhi khoa và nha sĩ có giá trị lớn với bé. Những dặn dò của bác sỹ sẽ thúc đẩy, khiến bé từ bỏ tật xấu này nhanh hơn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]