Mỹ phẩm lậu tuồn về TP HCM hiện nay qua các đường: nhập chính ngạch nhưng gian lận hải quan; nhập tiểu ngạch bằng đường mòn, lối mở với Trung Quốc, Lào, Campuchia sau đó tập kết về TP. Chỉ một lượng rất nhỏ là hàng “xách tay” bằng đường hàng không. Dù vậy, trên thị trường, hầu như tất cả hàng hóa này đều được chào bán là hàng “xách tay”.
Hàng dỏm giá cao
Ngày 27-7, ông Nguyễn Trí Vị, Đội trưởng Đội QLTT Bình Thạnh thuộc Chi cục QLTT TP HCM, cho biết đang phối hợp cùng chủ hàng mở niêm phong 500 thùng hàng, trong đó có rất nhiều mỹ phẩm, tạm giữ tại một căn hộ ở chung cư Nguyễn Văn Đậu (phường 6, quận Bình Thạnh) ngày 23-7.
Đến nay, chủ hàng chưa xuất trình được giấy phép kinh doanh, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng và giấy phép lưu hành của các loại mỹ phẩm. Theo ông Vị, lực lượng chức năng sẽ tịch thu, tiêu hủy lô hàng trên; chỉ những mặt hàng có số lượng lớn mới lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu được cơ quan có thẩm quyền xác nhận được phép lưu hành thì mới phát mãi.
Lô hàng này gồm các loại mỹ phẩm rất đa dạng từ mặt nạ đến son môi, kem trang điểm, nước hoa, các loại collagen dạng uống, dạng bôi…, trên nhãn chủ yếu ghi bằng tiếng Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Ông Đinh Quang Minh, nhân viên giao hàng tại đây, cho hay mới vào làm việc gần 1 tháng, chuyên giao lẻ cho khách ở TP HCM, còn hàng từ đâu đến thì ông không biết, chỉ biết là hàng của Công ty D.H.P (trụ sở TP Đà Nẵng) chuyên bán hàng qua mạng. Tuy nhiên, làm việc với đoàn kiểm tra, bà Thu, người trực tiếp thuê ông Minh làm việc, nhận là hàng của mình.
Các sản phẩm này hiện được chào bán trên mạng với giá “ngất ngưởng”: son Hàn Quốc 1,2 triệu đồng/cây, collagen thai cừu Nhật 450.000 đồng/hộp 50 ml, viên uống trắng da trị nám Nhật 650.000 đồng (hộp 240 viên), phấn che khuyết điểm của Mỹ hộp 15 g giá 750.000 đồng, kem lót trang điểm Hàn Quốc 40 g 260.000 đồng/hộp, collagen Meiji Amino (Nhật) 500.000 đồng/gói.
Hồi đầu tháng 7, cơ quan chức năng TP HCM cũng đã phá đường dây sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm dỏm tại 2 công ty Huyền Trang, Linh Trang (đường Trần Đình Xu, quận 1) cùng nơi chứa hàng; thu giữ hàng tấn mỹ phẩm.
Mua 1, lời 10
Thị trường mỹ phẩm “xách tay” hiện vô cũng sôi động từ chợ truyền thống đến chợ trên mạng. Mang danh là hàng “xách tay” nhưng nếu người mua cần số lượng lớn để làm đại lý, nhiều nơi sẵn sàng cung cấp chỉ trong 1-2 ngày.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Đội Chống hàng giả của mỹ phẩm L’Oréal, cho hay mỹ phẩm giả của hãng này đang bán rất nhiều ở chợ truyền thống và các cửa hàng mỹ phẩm tổng hợp. Giới buôn hàng giả ngày nay cũng tinh vi hơn khi đặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc, sau đó chuyển sang Thái Lan - một nước có trình độ in ấn cao - để đóng bao bì theo thiết kế dòng hàng dành cho thị trường Mỹ rồi chuyển lậu qua Campuchia về Việt Nam.
Nhờ vậy, một cây mascara vàng Magnum Maybelline (giả) giá ruột 10.000 đồng có thể thổi giá lên 15 lần trong khi hàng chính hãng chỉ có 110.000 đồng/cây. Người tiêu dùng thấy bao bì đẹp, sắc nét có chữ made in USA, giá bán cao thì cứ tưởng là hàng “xách tay thật”. “Lợi nhuận từ việc kinh doanh hàng giả đội lốt xách tay có thể đạt mức 1 lời 10 so với việc làm hàng giả các sản phẩm đang được phép lưu hành trong nước chỉ lời rất ít” - bà Trinh nói.
Thị trường còn xuất hiện loại thuốc nhuộm tóc siêu rẻ từ Trung Quốc, chắc chắn độc hại vì giá chỉ 10.000 đồng, chưa tới 1/10 giá các loại thuốc nhuộm được sản xuất bởi các công ty uy tín, có kiểm nghiệm an toàn. Mặt hàng này được bán thẳng cho các tiệm tóc, dẫn đến nguy cơ thẩm thấu các chất độc hại từ tóc vào đầu cực nhanh.
Đại diện một doanh nghiệp (DN) nhập khẩu mỹ phẩm cho biết để giải tỏa lô hàng từ cảng, DN phải xuất trình hàng loạt giấy tờ, trong đó phải có giấy phép lưu hành mỹ phẩm do Bộ Y tế cấp. Trước đó, DN còn phải trình hồ sơ pháp lý, công thức mỹ phẩm, các xét nghiệm cho Cục Quản lý dược xem xét và chỉ được cấp giấy khi chứng minh là mỹ phẩm an toàn. “Thế nhưng, chỉ cần mác “xách tay”, mỹ phẩm dỏm không cần phải qua một sự kiểm soát nào, cứ thế in bao bì đẹp và đẩy giá là được người tiêu dùng tin tưởng” - vị này bức xúc.
Chứa đầy chất độc PGS-TS Lê Ngọc Diệp, Trường ĐH Y Dược TP HCM, từng khám cho rất nhiều bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ông cho biết để đáp ứng được các điều kiện sản xuất, thời gian lưu kho và phân phối, các nhà sản xuất mỹ phẩm đều phải dùng đến chất bảo quản trong liều lượng cho phép. Nhưng đối với các loại mỹ phẩm dỏm, cơ sở thường sử dụng nguyên liệu không bảo đảm, điều kiện vệ sinh kém nên phải dùng chất bảo quản vượt giới hạn nhiều lần để chống nấm mốc, vi khuẩn. Chất dùng chủ yếu là Paraben do giá rẻ. |
Ngưng lưu hành hàng ngàn mỹ phẩm chứa Paraben
Ngày 27-7, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông báo từ ngày 31-7 sẽ thu hồi toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm, thu hồi phiếu tiếp nhận công bố đối với các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa 5 dẫn chất Paraben (bao gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben, Pentylparaben). Các sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa 5 dẫn chất Paraben nói trên không được tiếp tục lưu hành trên thị trường. Đây là các dẫn chất được cho là liên quan đến các bệnh ung thu vú ở phụ nữ và vô sinh ở nam giới. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]