Chiều 25/10, doanh nhân Hoàng Khải, Chủ thương hiệu Khaisilk, đã trả lời phỏng vấn Zing.vn sau hàng loạt lùm xùm về một chiếc khăn có 2 nhãn mác “made in China” và “made in Vietnam” thời gian gần đây.
Ông chủ thương hiệu này nhìn nhận ngay bây giờ và sắp tới đây, thương hiệu Khaisilk sẽ bị khủng hoảng, và có thể phải khó khăn trong một thời gian.
Thừa nhận bán lụa Trung Quốc, xin lỗi khách hàng
Trả lời Zing.vn, ông Hoàng Khải thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
Theo doanh nhân Hoàng Khải, Khaisilk hiện đã phát triển thành tập đoàn đa ngành với nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trước kia lụa là sản phẩm cốt lõi làm nên thương hiệu riêng của ông và tập đoàn. Tuy nhiên, sau khi mở rộng phát triển sang các lĩnh vực khác như bất động sản, ẩm thực, du lịch… mảng lụa tơ tằm chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong doanh thu của tập đoàn và ông đã không chú tâm đầu tư phát triển.
Trong khi đó, việc mở rộng nhanh sang nhiều lĩnh vực cũng như tầm hoạt động khắp Bắc – Trung – Nam cũng khiến ông chủ thương hiệu này lúng túng trong khâu quản lý, đặc biệt là mảng kinh doanh lụa tơ tằm không còn được như ban đầu, thậm chí lơ là, thiếu kiểm tra, giám sát.
Doanh nhân Hoàng Khải cho rằng trong thời gian này và sắp tới, chắc chắn doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn vì sự cố nhập nhằng xuất xứ sản phẩm.
“Khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực và vùng miền, khả năng quản lý doanh nghiệp của tôi còn hạn chế. Tôi đã không bao quát được tất cả lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu Khaisilk.
Và sai lầm tôi phải chịu. Tôi không trốn tránh gì trách nhiệm mà đang đối diện với những sai lầm của mình. Tôi cúi đầu xin lỗi khách hàng với tư cách là Chủ tịch tập đoàn”, ông Hoàng Khải chia sẻ.
Ông Khải cũng nhấn mạnh dù là hàng nhập từ Trung Quốc, lụa bán tại cửa hàng không phải là sản phẩm kém chất lượng. Bởi trước đến nay tất cả hàng bán ở Khaisilk phải duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập.
Về hướng giải quyết, ông Hoàng Khải cho biết sẽ thu hồi các sản phẩm đã bán ra thị trường có xuất xứ Trung Quốc nếu khách hàng có mong muốn đổi trả. Thương hiệu này sẽ bồi thường cho khách hàng một cách nghiêm túc.
“Tôi cũng muốn những khách hàng nào đã mua sản phẩm của tôi gặp phải trường hợp tương tự, nếu không vừa ý hãy mang đến cửa hàng, chúng tôi sẽ thu hồi lại, bồi thường cho khách”, ông Khải nói.
‘Mất mát đau đớn’
Doanh nhân này còn nói rằng tập đoàn đang đối mặt với khủng hoảng, và sẽ khó khăn để lấy lại uy tín, thương hiệu đã gây dựng.
“Thiệt hại bao nhiêu tôi cũng chưa tính tới. Nhưng cái tôi tính tới là tổn hại uy tín thương hiệu, cái này mới quan trọng và lớn hơn tiền bạc rất nhiều.
Không thể ngày một ngày hai, có thể mất hàng mấy năm trời để gây dựng lại sự mất mát này, tôi gọi là mất mát đau đớn. Cũng do cách hiểu và bán hàng sai lầm của doanh nghiệp”, ông Khải trần tình.
Doanh nghiêp cho biết đang bắt đầu tổng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sản phẩm tại các cửa hàng.
Chia sẻ về câu chuyện kinh doanh, ông Hoàng Khải cho biết đã nhập lụa Trung Quốc từ lâu. Nguyên nhân xuất phát vào giữa những năm 90, khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái. Doanh nghiệp không thể tìm đủ nguồn hàng phù hợp với chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng ở các làng nghề trong nước.
Trong khi đó nhu cầu thị hiếu của thị trường luôn luôn thay đổi và đòi hỏi cao hơn. Ông quyết định sang Trung Quốc tìm nguồn hàng nhập về. Khi đó ông chỉ nghĩ đơn giản, các thương hiệu nổi tiếng đều nhập hàng từ Trung Quốc về phân phối ở các nước khác bằng tên của họ.
“Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa”, ông Khải chia sẻ.
Cũng theo doanh nhân Hoàng Khải, lẽ ra tại cửa hàng phải có “Khaisilk made in Việt Nam” và “Khaisilk made in Trung Quốc”, chứ không thể đánh lận con đen.
Ông cho biết mình đã không làm được điều đó và sao nhãng quản lý, sai lầm trong cách định vị sản phẩm và xuất xứ hàng hóa không rõ ràng đã dẫn đến hậu quả những ngày qua.
Bên trong cửa hàng lụa Khaisilk ở 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Cũng doanh nhân này thừa nhận, hiện nay nguồn tơ lụa trong hệ thống của Khaisilk là nhập khẩu 50%. 50% còn lại nhập từ các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam, chủ yếu là làng Nha Xá (Hà Nam).
Ông Khải nhấn mạnh ngành tơ lụa của Việt Nam một thời gian dài phát triển khá chậm. Thậm chí, đến làng nghề tơ lụa Vạn Phúc (Hà Đông), bản thân ông cũng khó phân biệt hàng Trung Quốc, hàng Việt Nam. Và để mua được sản phẩm đúng của Việt Nam chính ông cũng không chắc chắn.
Ngoài ra, thực trạng thị trường cho thấy các sản phẩm hiện nay rất đa dạng, không chỉ bó gọn trong tơ lụa mà còn có len, có các loại sợi, linen, len pha khác… Trong khi đó khách hàng đã mặc định mua hàng của Khaisilk thì chỉ có tơ lụa Việt Nam.
Nhấn mạnh mảng lụa đã gắn bó và làm nên thương hiệu của riêng ông và là “hồn cốt” của doanh nghiệp, do đó, dù có biến cố gì Hoàng Khải vẫn cương quyết gìn giữ và gây dựng lại.
Doanh nhân này nói sẽ vực dậy thương hiệu lụa bằng mọi giá, từ sản xuất, phân phối và quản lý. Ông cũng sẽ vẫn nhập hàng ở nơi khác về nhưng sẽ ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để khách hàng lựa chọn.
“Tôi không bao giờ muốn khách hàng nghĩ là chúng tôi đánh lừa họ”, ông Hoàng Khải chia sẻ.
Trước đó, một doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khai Silk (kích thước 50 x 50 cm), với đơn giá 644.000 đồng/chiếc.
Khách sau khi nhận hàng thì phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “made in China”.
Theo chia sẻ của Facebook Dangnhuquynh, chiếc khăn lụa mua tại cửa hàng Khaisilk Hà Nội có 2 nhãn với 2 xuất xứ từ Khaisilk và từ Trung Quốc.
Khách hàng cũng cho biết khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “made in China”.
Sau khi nhận được phản ánh của khách hàng, một đại diện của cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai – nơi bán lô hàng trên, khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm.
Về việc có gắn mác với nội dung “made in China”, vị này cho biết nhân viên kho đã nhầm lẫn khi soạn lô khăn tay thuộc mẫu 55 x 55 cm. Theo đó, nhân viên bộ phận kho khi soạn lô 60 khăn cho đơn hàng, do bị thiếu một chiếc đã lấy ngay trên máy may đang sản xuất khăn cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ.
Đơn hàng bị lấy nhầm lại đang sản xuất 350 chiếc cho một khách hàng khác ở Hong Kong. Việc may nhãn mác “made in China” là theo yêu cầu của khách hàng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]