Một nội dung đáng lưu ý là giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Khaisilk cho thấy kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm ("100% silk").
Trong khi đó, trước “sóng gió” dư luận tố khăn lụa Khaisilk gắn 2 nhãn mác Trung Quốc và Việt Nam, Hoàng Khải - ông chủ Tập đoàn Khải Silk - đã thừa nhận bán lụa Trung Quốc từ giữa những năm 90 khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái.
"Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu Khaisilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa", ông Khải cho hay.
Trước đó, ngày 31/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 4138/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Công ty TNHH Khải Đức (Khaisilk) sau vụ bê bối doanh nghiệp bán hàng Trung Quốc gắn mác Made In Vietnam. Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan), Bộ Khoa học và Công nghệ (Thanh tra Bộ), Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng), Chi cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội và TP.HCM, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng.