Tại các siêu thị lớn, nước mắm cũng có thể bị giả thương hiệu. Ảnh: Quỳnh Vũ
Giả thương hiệu tràn lan
Bánh cáy làng Nguyễn (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) ra đời từ thời Lê Hiển Tông và được sản xuất, buôn bán mạnh trong khoảng 30 năm trở lại đây.
Thị trường của sản phẩm này khá rộng, không chỉ ở Thái Bình mà còn lan ra khắp các tỉnh thành, thậm chí nhiều Việt kiều cũng đặt mua bánh cáy mang ra nước ngoài. Song càng phát triển, bánh cáy càng bị giả thương hiệu.
Anh Nguyễn Văn Thành, chủ cơ sở bánh cáy Nguyễn Bốn (Nguyên Xá, Đông Hưng) cho biết, nhiều người ở các tỉnh khác như Hải Dương, Nam Định…, sau khi làm thuê ở các xưởng bánh làng Nguyễn có thể học được nghề và về quê mở xưởng làm bánh cáy.
Sản phẩm của họ cũng ghi tên bánh cáy làng Nguyễn. “Không phải các loại bánh cáy do nơi khác làm đều kém chất lượng. Có những người học được bí quyết, tận tâm với nghề làm bánh thì cũng ngon không kém gì ở làng Nguyễn. Song nhiều người làm chỉ vì lợi nhuận, làm ẩu, khiến khách mua không biết, nghĩ xấu về bánh cáy Thái Bình”, anh Thành chia sẻ.
Để phát triển bền vững, các chủ sản xuất bánh cáy ở làng Nguyễn đều hướng đến việc tạo uy tín, nghề nghiệp gia truyền. Đây là điều mà các cơ sở sản xuất bánh cáy ở nơi khác không nghĩ tới.
Bánh cáy làng Nguyễn chần chừ chuyện đăng kí thương hiệu độc quyền. Ảnh: Quỳnh Vũ.
Việc hương vị bánh của các nhà ít nhiều có sự chênh lệch nhau phụ thuộc vào bí quyết làm bánh của mỗi nhà chứ không phải do làm ẩu, làm từ nguyên liệu kém chất lượng...
Chủ cơ sở bánh cáy Hưng Mậu ở Nguyên Xá cũng cho biết, việc bắt gặp bánh giả thương hiệu làng Nguyễn trên thị trường là không hiếm và không khó nhận ra. Anh đã từng thấy những quầy bán bánh cáy nhái ở đền Bà chúa Kho.
Người ta ép phỏng với lạc làm thành bánh nhái, trong khi bánh cáy Thái Bình được làm từ gạo nếp hoa vàng, đường tinh luyện, mật mía, lạc, cà rốt, dừa…, có thể được tạo màu bằng bột gấc hoặc nước ép quả dành dành. Miếng bánh cáy chính hiệu thường thơm ngậy, hương gạo nếp và mùi vị ngọt của đường mật hòa quyện vào nhau. Bánh để một tháng vẫn còn mềm, con cáy giòn, thơm.
Nước mắm Cát Hải, đặc sản Hải Phòng, một trong bốn hãng nước mắm lớn nhất cả nước cũng gặp không ít khó khăn trong việc giữ gìn thương hiệu. Mặc dù đã đăng kí thương hiệu độc quyền nhưng những chai nước mắm Cát Hải giả vẫn lọt vào các cửa hàng lẫn những siêu thị lớn.
Bà Đặng Thị Minh Phượng, chủ đại lí nước mắm Cát Hải tại Hà Nội (số 6, Hoàng Văn Thái, Khương Mai, Thanh Xuân) cho biết: “Thi thoảng vẫn có khách hàng tới đại lí phàn nàn rằng, họ mua phải chai nước mắm Cát Hải trong siêu thị ăn vừa nhạt vừa lợ. Nếu họ không mua ở các chi nhánh của Cát Hải thì tôi khó đảm bảo nước mắm ấy là giả hay thật”...
Không chỉ bị làm giả trong nước, nhiều đặc sản, sau khi XK cũng bị các DN nước ngoài mạo thương hiệu. Bánh đậu xanh Hải Dương là một sản phẩm có tiếng ở Thái Lan, Phi-líp-pin, Trung Quốc…
Bánh đậu xanh, đặc sản Hải Dương được nhiều người nước ngoài ưa chuộng
Hàng năm, các hãng sản xuất lớn ở Hải Dương như Rồng Vàng, Minh Ngọc, Gia Bảo, Quê Hương, xuất vài trăm tấn bánh sang các nước này. Tuy nhiên, theo các chủ cơ sở sản xuất, bánh đậu xanh của Việt Nam sang Trung Quốc cũng bị làm giả nhiều.
“Tại nước này cũng xuất hiện một hãng bánh đậu xanh mang tên Gia Bảo, khiến nhiều người nhầm tưởng đó là bánh của Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Giang, giám đốc Cty TNHH Gia Bảo chia sẻ.
DN ở Trung Quốc đã tìm hiểu cách làm bánh đậu xanh của nước ta và đang sản xuất. Song theo ông Giang, sản phẩm này của Trung Quốc không thể bằng Việt Nam, do các hãng bánh đậu xanh ở Hải Dương có bí quyết nghề cổ truyền. Hiện có khoảng hơn 20 DN bánh đậu xanh ở Hải Dương XK hàng sang Trung Quốc.
Loay hoay với thương hiệu độc quyền
Một giải pháp để các cơ sở sản xuất chống lại nạn làm hàng nhái, hàng giả là đăng kí thương hiệu độc quyền. Song điều này không hề dễ với nhiều đặc sản còn được sản xuất theo hộ gia đình như bánh cáy Thái Bình, bánh nhãn Nam Định, bánh phu thê Đình Bảng…
Trong khi chính quyền xã muốn thành lập hiệp hội sản xuất, xây dựng thương hiệu chung là "Bánh cáy làng Nguyễn" thì những cơ sở làm bánh ở đây lại ít mặn mà với việc này. Những nhà sản xuất bánh cáy cho biết, mỗi nhà có bí quyết khác nhau, tạo nên hương vị bánh cáy riêng. Vì vậy việc sản xuất chung có thể làm mất đi sự độc đáo gia truyền.
Theo ông Bùi Văn Duyệt, Phó trưởng phòng Công thương huyện Đông Hưng (Thái Bình), năm 2010, UBND tỉnh Thái Bình đã lập kế hoạch xây dựng thương hiệu "Bánh cáy Thái Bình". Tuy nhiên, do vấp phải những khó khăn về việc huy động xưởng sản suất, đến nay kế hoạch này vẫn chưa thể thực hiện.
Với loại đặc sản là cây trái thì ngay đến nhiều chủ vườn tại địa phương còn không tha thiết giữ gìn sản vật quê hương. Hàng tấn hoa quả vẫn mạo danh là bưởi Diễn, cam Canh, vải Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên…, nhưng thực tế diện tích trồng các đặc sản này đang dần thu hẹp, các giống quả quý cũng bị lai tạp nhiều.
Với những đặc sản đã đăng kí thương hiệu độc quyền thì việc giữ thương hiệu vẫn là bài toán khó. Trước nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, các chủ sản xuất chỉ có thể hướng dẫn khách hàng cách phân biệt hàng bằng việc quan sát hoặc nếm thử sản phẩm. Đảm bảo hơn, khách nên tới các đại lí của DN sản xuất để mua hàng...
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]