Trả lời cử tri TP Quy Nhơn (Bình Định) hôm 15/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Từ năm học tới, Bộ GD&ĐT sẽ không lấy việc đăng ký sáng kiến kinh nghiệm làm tiêu chí thi đua. Đây là thông tin đem lại niềm vui cho nhà giáo. Tuy nhiên, tuyên bố của bộ trưởng đi vào thực tiễn không hề đơn giản.
Sáng kiến kinh nghiệm viết xong rồi 'bỏ ngăn kéo'
Đây là điều mà đông đảo giáo viên (GV) chờ đợi từ lâu, bởi vì quá nhiều bất cập trong việc viết, công nhận sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) trong giáo dục, kéo dài nhiều năm qua.
Đã có rất nhiều bài báo, ý kiến phản ánh về những bất cập, tiêu cực, thậm chí bi hài trong việc các trường buộc GV phải viết SKKN hàng năm. Vào đầu năm học, các GV phải đăng ký đề tài SKKN. Nếu không đăng ký và cuối năm không có SKKN nộp, GV đó bị hạ một bậc xếp loại thi đua.
Hạ bậc thi đua không chỉ ảnh hưởng về quyền lợi, mà còn ảnh hưởng danh dự của nhà giáo. Vì vậy, tuy không nêu rõ là “bắt buộc”, mỗi năm, các GV đều phải cố mà “đẻ” cho được một SKKN.
Một điều “lạ” nữa là GV chỉ cần đăng ký và viết SKKN cho có, để “thoát án” hạ thi đua. Còn lại, chỉ một số ít GV thực sự đầu tư để có SKKN có chất lượng, gửi lên cấp trên đề nghị công nhận bậc cao.
Những GV giỏi, xuất sắc, cũng không thể năm nào cũng có một SKKN chất lượng cao. Vì vậy, sinh ra tình trạng đối phó, sao chép, “xin” SKKN, hay nói cách khác là làm ẩu, làm dối trong việc viết SKKN hàng năm.
Thậm chí, có tình trạng “chạy”, nhờ vả để được công nhận SKKN, hoặc tình trạng lãnh đạo nhà trường “viết chung”, “ké” thành tích SKKN với GV.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: Lao Động. |
Rất nhiều SKKN viết xong, được công nhận, khen thưởng rồi “bỏ ngăn kéo”. Tình trạng thiếu trung thực, thiếu công bằng trong việc viết, xét SKKN trong ngành giáo dục, và các lĩnh vực khác nói chung, đang rất phổ biến. Bộ trưởng GD&ĐT cũng nhận ra bức xúc này nên đã tuyên bố “cởi trói” cho GV.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu: “Thi đua là cần thiết nhưng phải hậu kiểm. Các cô thầy sáng tạo thì được thưởng, các trường chủ động phát hiện, khích lệ, tạo điều kiện. Rồi cấp phòng, sở, bộ trân trọng biểu dương, ghi nhận những thầy cô có kết quả sáng tạo. Cái cần là phải có thành tích, sáng tạo thực sự, chứ không phải bắt giáo viên đăng ký thi đua, làm sáng kiến kinh nghiệm, gây áp lực nặng nề lên giáo viên”.
'Vướng' luật
Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ trưởng GD&ĐT muốn đi vào thực tiễn còn nhiều gian nan. Bởi hiện nay, mặt pháp lý đang có yêu cầu về SKKN. Cụ thể, theo quy định của Luật thi đua khen thưởng 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), cá nhân để đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trở lên cần đáp ứng yêu cầu:
“Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.”
Cá nhân đạt thành tích xuất sắc, mà không đáp ứng yêu cầu trên (có SKKN), thì chỉ được công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
Do đó, để có sự thay đổi, cần thiết phải có sự điều chỉnh quy định về tiêu chí các danh hiệu thi đua, thể hiện ở văn bản quy phạm pháp luật. Để xóa bỏ triệt để “bệnh thành tích” trong việc viết, xét SKKN, chúng ta cần bỏ tiêu chí này trong việc bình xét các danh hiệu thi đua.
Nếu không có sự thay đổi đột phá về văn bản quy phạm pháp luật, tình trạng luẩn quẩn, “bệnh thành tích”, gian dối trong việc viết, công nhận sáng kiến vẫn sẽ tồn tại, và không chỉ trong ngành giáo dục.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]