Năm 2015 là năm đầu tiên trong 6 năm trở lại đây lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm, đạt 7,9 triệu người. Ngoài các yếu tố khách quan từ các biến động trên tình hình thế giới, có thể nói du lịch Việt Nam đang dậm chân tại chỗ và cần có sự đầu tư phát triển đúng đắn. Nhiều chuyên gia đều nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng để đạt được vị trí cao trên bản đồ du lịch thế giới.
Lợi thế đáng mơ ước
Theo báo cáo đánh giá mức độ cạnh tranh du lịch năm 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 75 trên tổng số 141 nước và vùng lãnh thổ, trong đó đạt vị trí 33 ở hạng mục Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.
Các du khách đánh giá cao Việt Nam nhờ sự phong phú của khung cảnh, như nhiều người nói, đây là “một quốc gia có tất cả”: núi non hùng vĩ, những thành phố nhộn nhịp, các điểm đến văn hóa, bãi biển tuyệt đẹp, đảo hoang sơ, ẩm thực đặc sắc...
Năm 2015, hang Sơn Đoòng được cả thế giới biết đến qua chương trình Good Morning America của kênh truyền hình Mỹ ABC, và lập tức nhận được sự quan tâm của cộng đồng du lịch quốc tế. Thế giới kỳ ảo và siêu thực trong hang động lớn nhất trái đất này được báo chí, truyền thông đánh giá cao, thậm chí còn được coi là điểm đến hàng đầu của thế kỷ 21.
Sơn Đoòng là điểm đến sáng giá nhất của Việt Nam trong năm 2015. Ảnh: National Geographic.
Ngoài Sơn Đoòng, Việt Nam còn nhiều thắng cảnh từ lâu đã được các du khách quốc tế yêu thích như Hạ Long, Sa Pa, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc... cùng nhiều di sản văn hóa ấn tượng. Việt Nam được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho các du khách muốn đắm mình trong thiên nhiên tươi đẹp và khám phá văn hóa phương Đông.
Một trong những điểm đặc biệt hấp dẫn du khách quốc tế tới Việt Nam chính là ẩm thực. Sự phong phú và đa dạng về món ăn theo vùng miền, sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu và gia vị... đem lại cho ẩm thực Việt vị ngon khó lẫn. Ẩm thực đường phố Việt Nam được báo chí quốc tế coi là một trải nghiệm phải thử trong đời.
Việt Nam còn được du khách đánh giá cao nhờ chi phí rẻ, đứng thứ 22 trong hạng mục Độ cạnh tranh về giá trên 141 quốc gia. Du lịch hạng sang cũng bắt đầu có chỗ đứng, với nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn đoạt nhiều danh hiệu uy tín trên thế giới. Hiện tại ngày càng nhiều các chuỗi khách sạn tên tuổi đầu tư vào Việt Nam.
Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Penisula ở Đà Nẵng đã 2 năm liên tiếp nhận được giải resort sang hàng đầu thế giới. Ảnh: Booking.
Việt Nam còn ghi điểm nhờ sự an toàn. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Gia Bách, Tổng giám Đốc Buffalo Tours Việt Nam, Lào và Campuchia, cho biết: “Du lịch Việt Nam từ trước đến nay luôn có lợi thế là điểm đến an toàn. Điều này càng nổi bật hơn trong năm tới khi mà những bất ổn về chính trị ở châu Âu chưa chấm dứt. Lợi thế thứ hai là danh lam thắng cảnh và ẩm thực Việt Nam thời gian qua liên tục lọt vào danh sách bình chọn của các tổ chức có uy tín trên thế giới. Trong năm 2015, nhiều chính sách và cơ chế có lợi cho du lịch Việt Nam đã được phê duyệt và đi vào áp dụng, điều này sẽ tạo một tiền đề vững chắc cho sự phát triển của du lịch Việt Nam năm 2016”.
Nhiều điểm yếu cần khắc phục
Với tiềm năng lớn như vậy, Việt Nam lại đang gặp khó khăn trong việc tạo chỗ đứng trên bản đồ du lịch thế giới. Du lịch Việt chưa đầu tư đúng đắn vào việc quảng bá hình ảnh trên quy mô lớn. Visa vẫn còn là một rào cản với du khách dù đã được mở rộng và đơn giản hóa.
Tuy nhiên, điều đang khiến nhiều du khách mất thiện cảm với Việt Nam là ý thức làm du lịch kém của các đơn vị và cá nhân kinh doanh dịch vụ. Tại các quốc gia có nền du lịch phát triển như Thái Lan, Malaysia, du lịch là việc làm của toàn dân. Mỗi hộ, mỗi người đều ý thức được thái độ và cách làm dịch vụ của họ sẽ ảnh hưởng thế nào tới bộ mặt của du lịch quốc gia. Ở Việt Nam, kiểu làm ăn chụp giật và tình trạng chặt chém, chèo kéo, thậm chí là lừa đảo du khách vẫn đang diễn ra, chưa được xử lý triệt để.
Ông Trần Gia Bách nhận định: “Để thu hút hơn nữa lượng du khách quốc tế, người dân địa phương cũng cần nhận thức tốt trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn nền văn hóa bản địa, chủ động phối hợp với các chính quyền địa phương để có kế hoạch khai thác lợi thế du lịch một cách đúng đắn, tránh các tệ nạn và hệ lụy như việc trẻ con xin tiền khách nước ngoài, giá bán sản phẩm cho người Việt và người nước ngoài khác nhau, nạn xả rác bừa bãi”.
Việt Nam cần cải thiện nhiều điều để thu hút nhiều du khách quốc tế hơn. Ảnh: Nytimes.
Các cơ sở phục vụ và sản phẩm du lịch còn chậm đổi mới. Trong khi chất lượng cơ sở lưu trú của các quốc gia khác đang được nâng cấp, cập nhật công nghệ thì ở Việt Nam, các khách sạn tầm trung còn chưa thật sự thuyết phục du khách.
Chia sẻ với phóng viên, ông Kenneth Atkinson, Giám đốc chi nhánh của tập đoàn tư vấn Grant Thornton, nhận định: “Phần lớn các khách sạn nội địa của Việt Nam không đạt tiêu chuẩn và chất lượng của thế giới. Các khách sạn cần khảo sát lại các điểm quan trọng để phục vụ khách hàng, từ tiếp tân, đặt phòng, dịch vụ ăn uống tới dịch vụ phòng. Nếu không đầu tư đúng đắn để bắt kịp xu hướng toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ một phần thị trường, nơi các du khách có yêu cầu cao hơn về chất lượng cơ sở lưu trú. Điều quan trọng là mỗi khách sạn cần có các ưu tiên đầu tư tùy theo số sao, nhằm duy trì sự trung thành của khách, cũng như tăng doanh thu”.
Ông Trần Gia Bách dự đoán trong năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế sẽ gia tăng, đặc biệt là sự trở lại của khách đến từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và New Zealand. Lượng khách từ các quốc gia châu Á sẽ tăng hơn so với châu Âu, do nền kinh tế khu vực Bắc Á vài năm trở lại đây đang trên đà phát triển, trong khi châu Âu thời gian qua đang chịu ảnh hưởng từ những bất ổn về kinh tế và chính trị.
Ông cũng cho biết để khai thác tốt những lợi thế này, du lịch Việt Nam từ các bộ ngành đến các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch phát triển phù hợp: “Với doanh nghiệp, họ cần cải thiện các sản phẩm du lịch đa dạng hơn, đặc biệt là hướng tới các sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm văn hóa, ẩm thực hay các sản phẩm du lịch có trách nhiệm, giúp bảo tồn di sản, văn hóa và môi trường địa phương. Các chương trình quảng bá du lịch cũng cần được đầu tư chất lượng hơn, tinh chỉnh cho phù hợp và hấp dẫn từng đối tượng khách khác nhau.
Chính phủ và các cơ quan ban ngành cần có các chính sách cởi mở hơn, triển khai các kế hoạch trùng tu, bảo tồn các kiến trúc và di sản văn hóa kịp thời trước tác động từ sự thay đổi khí hậu thế giới. Cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng cần được cải thiện và nâng cấp”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]