Đỉnh Ngũ Chỉ Sơn chưa được biết đến nhiều do địa hình hiểm trở, phức tạp nên từ lâu đã vắng dấu chân người. Nơi đây chỉ có đường mòn men theo các sườn núi với rất nhiều thác gềnh và băng qua những vạt rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Trải qua cung đường đèo quanh co uốn lượn, ngắm những cánh đồng lúa bậc thang xa ngút tầm mắt của đồng bào dân tộc Mông. Bao đời nay, người Mông quần tụ sinh sống dưới chân dãy Hoàng Liên, quanh năm cần cù lao động bằng nghề nông nghiệp lúa nước là chủ yếu.
Đan xen là những cánh rừng thông xanh mướt rộng mênh mông hòa quyện trong tiếng gió vi vu, những tiếng chim muông tạo ra một bản hòa ca thật hay của núi rừng đại ngàn Tây Bắc. Cũng chính cung đường làm xao xuyến biết bao du khách này đã được dân phượt mệnh danh với cái tên thật thú vị “Vua đèo vùng Tây Bắc”. Đây cũng là điểm dừng chân ngắm cảnh cho các đoàn du khách ưa thích trải nghiệm và khám phá.
Chặng đường để chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn ước tính dài khoảng 12 km, chủ yếu là đường mòn xuyên qua các vạt rừng nguyên sinh và men theo những chiền núi đá cao nhấp nhô quanh năm mây mù bao phủ. Chặng đường đầu tiên, đi dọc theo con suối, nước suối trong lành mát lạnh, chính từ những con suối này là nguồn cung cấp nước cho cánh đồng lúa và nước sinh hoạt cho người dân xã Sơn Bình; đồng thời cũng là nguồn nước để phát triển nuôi cá nước lạnh như: cá hồi, cá tầm nơi đây.
Càng đi lên cao mới thấy hết được sự hùng vỹ mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này; và cũng đến đây du khách mới hiểu được vì sao nhiều đoàn phượt lại chọn Ngũ Chỉ Sơn để chinh phục, thử sức mình cùng với những thách thức của thiên nhiên. Những núi đá lớn dựng vách thành được bao bọc bởi những tán rừng nguyên sinh rậm rạp, rêu phong. Những nương thảo quả xanh mướt của người dân dọc đường đi đã gây sự tò mò thích thú của nhiều du khách, dưới mỗi gốc thảo quả là những chùm thảo quả chín ôm quanh cụm cây như chuỗi hồng ngọc trên cổ mỹ nữ vậy. Theo người dân nơi đây cây thảo quả không những là một loài cây cho giá trị kinh tế cao mà còn là một loại dược liệu quý có thể chữa được bệnh cho con người và hạt thảo quả còn là một thứ gia vị không thể thiếu được đối với các món ăn ẩm thực của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Đi dọc theo khe suối, cách quốc lộ 4D khoảng chừng 1,5km đường rừng, tại độ cao 2.200m so với mực nước biển, ở giữa hai sườn núi thẳng đứng là thác nước lớn cuồn cuộn chảy xối xả quanh năm, đó là thác Cầu Mây. Dòng thác đẹp không vì độ cao của thác mà vì thác uốn lượn, nước cuộn cuộn chảy ngày đêm không ngừng, bọt nước tung trắng xóa như một cây cầu để nối những đám mây trôi lơ lửng. Chân thác là một khung cảnh cực kỳ lung linh, huyền ảo như chốn bồng lai tiên cảnh. Tất cả được tạo bởi bọt và hơi nước bắn lên, nhưng không kém phần hùng vĩ và tráng lệ. Thác nước chảy qua bao năm khoét sâu vào lòng đá tạo thành vực nước sâu thẳm, xanh biếc; đây là một điểm tắm lý tưởng và cũng là nơi tạo cảm hứng cho những nhiếp ảnh gia không chuyên thỏa sức tác nghiệp tùy theo ý thích. Đến đây ai cũng muốn chụp cho mình những tấm hình đẹp nhất để lưu làm kỷ niệm khi lần đầu đặt chân tới đây.
Lên đến độ cao từ 2.400m, điều mà bất kỳ du khách đi phượt nào cũng cảm nhận thấy đó là sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm. Vì nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn; là eo đón gió nên nơi đây thường có mây trắng phủ quanh năm, sương nặng hạt và nhiệt độ hơi se lạnh. Cũng ở độ cao này, có rất nhiều động thực vật sinh sống, đặc biệt các loại cây thảo mộc phát triển rất nhiều. Trong đó phải kể đến hàng trăm loài cây lấy gỗ như vàng tâm, dổi, nghiến, chò chỉ… với nhiều những loại cây khác nhau mà các cánh rừng vùng tây bắc không nơi nào có. Hàng trăm loại cây dược liệu quý hiếm chưa được khai thác như: gấu tàu, cỏ thơm, tam thất, ngọc cẩu, linh chi và đặc biệt là cây Hoàng Liên, loại cây đã gắn tên gọi của mình với tên gọi của dãy núi hùng vỹ này…. Thảm thực vật nơi đây phong phú đa dạng. Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ với những dải núi đá trùng điệp nối tiếp nhau chạy dài như vô tận.
Tiếp tục cuộc hành trình, du khách sẽ được trinh phục những chặng đường mòn hun hút, cứ lên cao lại lên cao theo nhiều cung bậc khác nhau dường như không có điểm cuối. Ngoảnh lên là những biển mây trôi lơ lửng, cúi xuống là những thung lũng, những rừng cây nguyên sinh bạt ngàn đang sống hòa mình trong mây gió đại ngàn.
Sau gần 6h đi bộ leo núi, du khách sẽ tới được điểm cao khoảng chừng 2.800m, ở đó có thể ngắm rõ đỉnh Ngũ Chỉ Sơn nhất. Vì đỉnh Ngũ Chỉ Sơn rất cao, núi đá nguy hiểm, nên các đoàn khách đi phượt đã lựa chọn đây là địa điểm lý tưởng nhất để quan sát, ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vỹ mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây.
Thời tiết ở đây rất lạnh, vào mùa hè nền nhiệt độ trung bình ban ngày dao động từ 14 – 170C, độ ẩm trên 98% còn về đêm nhiệt độ có lúc xuống tới 9 – 100C. “Núi bàn tay” đang sừng sững hiên ngang đứng vững chắc giữa đất trời Tây Bắc, hình ảnh năm ngọn núi dựng vách thành đã tạo ấn tượng mạnh trong lòng biết bao du khách. Tại nơi đây du khách có thể thỏa thích ngắm những rừng cây nguyên sinh hàng trăm năm tuổi mọc chỗ dày, chỗ rải rác. Sống ở nơi khí hậu trên vùng cao quanh năm sương giá, để tồn tại với thiên nhiên, tự bản thân những cây cổ thụ này sinh ra một lớp vỏ dày ôm quanh thân, và đây cũng là địa điểm sống lý tưởng cho những cây thuộc hệ thân bám như rêu, phong lan, nấm, linh chi…
Những tiếng gió thổi vi vu hòa quyện vào những tiếng xào xạc của lá cây, của núi rừng đại ngàn để rồi viết nên những bản hòa tấu của thiên nhiên hoang dã, lúc trầm, khi bổng; một thoáng mượt mà êm ả, khi lại gia diết cồn cào mang một vẻ rất riêng, rất đặc biệt. Từ độ cao 2800m dường như thiên nhiên muốn phô diễn hết những gì quyến rũ nhất tiềm ẩn trong mình để ban tặng cho con người mà chỉ đỉnh Ngũ Chỉ Sơn mới có được. Tại đây, du khách sẽ có những cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên, như có thể sờ nắm được những tầng mây. Không khí nơi đây thật trong lành, thiên nhiên nơi đây như ban tặng cho những ai có ý trí và nghị lực vượt qua khó khăn, đặt chân tới đây để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tiềm ẩn; khung cảnh huyền thoại; có được cái cảm giác bay bổng như những loài chim; con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên.
Và cũng từ độ cao này, vào những ngày thời tiết đẹp, trời trong xanh bạn có thể phóng xa tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của toàn bộ khung cảnh Đèo Hoàng Liên Sơn, đỉnh Phan Xi Păng, đỉnh Pu Ta Leng và rất nhiều ngọn núi khác. Một kết quả thật xứng đáng cho những du khách chinh phục được nơi này. Sau khi ngắm cảnh, chụp ảnh, du khách sẽ quay trở lại đường mòn để về nơi tập kết ban đầu. Đây cũng là thời gian để du khách có thể chiêm ngưỡng kỹ hơn những điều thú vị mà khi đi vì quá nóng vội muốn chinh phục đỉnh Ngũ Chỉ Sơn mà du khách đã bỏ qua nó.
Kết thúc cuộc hành trình đầy phiêu lưu, ngước nhìn lại ngọn núi vừa chinh phục, ắt hẳn đọng lại trong lòng du khách nhiều cảm xúc sâu lắng, những trải nghiệm đầy thú vị, đó cũng là kinh nghiệm bổ ích để bổ sung thêm vào vốn hiểu biết của mình về một lĩnh vực còn khá mới mẻ, đó là kinh nghiệm chinh phục những đỉnh cao mà người ta thường gọi là đi phượt hay đi leo núi thám hiểm.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]