Mức lãi suất này có thể “nhỉnh” hơn so với lãi suất vay vốn NH, nhưng huy động vốn qua kênh trái phiếu giúp doanh nghiệp có nguồn vốn dài hạn để thực hiện những kế hoạch dài hơi hơn.
Tăng cường huy động vốn qua trái phiếu
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa có thông báo hủy phát hành cổ phiếu và thay vào đó là phương án phát hành TPDN để huy động vốn. Cụ thể PNJ dự kiến phát hành tối đa 500.000 trái phiếu không chuyển đổi có tổng giá trị 500 tỷ đồng, bán bằng mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Trái phiếu sẽ được chia làm nhiều đợt phát hành và hoàn tất trong năm 2015. Lý do thay đổi kế hoạch theo PNJ vì việc phát hành trái phiếu sẽ huy động tiền mặt nhanh chóng và dễ dàng hơn so với phát hành quyền mua cổ phiếu.
Cùng với PNJ, gần đây nhiều doanh nghiệp cũng chọn chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn, như CTCP Khoáng sản và Đầu tư Visaco vừa thông qua phương án phát hành giá trị 30 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để cơ cấu khoản vay và bổ sung vốn lưu động. Lãi suất trái phiếu năm đầu tiên 11%/năm, năm tiếp theo sẽ bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm 4%/năm.
Thời gian tới đây TPDN sẽ là kênh quan trọng cho doanh nghiệp một khi lãi suất NH không thể thấp hơn. Hơn nữa, Bộ Tài chính cũng sẽ triển khai Nghị định 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPDN. Đồng thời đề xuất xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu của thị trường TPDN để tăng cường tính công khai minh bạch, thúc đẩy sự phát triển của thị trường TPDN. |
Các doanh nghiệp bất động sản cũng ráo riết thực hiện. Tập đoàn Hà Đô (HDG) dự kiến sẽ phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu và đây là đợt thứ 2 trong năm nay của Hà Đô. Trước đó, tập đoàn này vừa hoàn thành phát hành trái phiếu đợt 1 với giá trị 200 tỷ đồng vào đầu tháng 10-2015 vừa qua.
Trước đó, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã phát hành thành công 850 tỷ đồng TPDN kỳ hạn 5 năm trong tháng 8-2015. Vào giữa tháng 7-2015, đơn vị này cũng đã phát hành thành công 2.150 trái phiếu kỳ hạn 5 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu.
Cũng thông qua kênh TPDN, nhiều đơn vị trên thị trường chứng khoán đã huy động vốn quy mô lớn như Công ty Chứng khoán SSI, CTCK Vietcombank, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), CTCP Dịch vụ Xây dựng Địa ốc Đất Xanh…
Một thương vụ huy động vốn bằng TPDN được thị trường chú ý nhất là công ty con của Tập đoàn Masan (MSN) phát hành 9.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm cho các NH lớn như Vietcombank, BIDV, MBB, VIB, SeaBank, ABBank... Đây được xem là thương vụ phát hành trái phiếu lớn nhất của một công ty tư nhân trên thị trường vốn Việt Nam từ trước đến nay.
NH, tổ chức tài chính mạnh tay rót vốn
Các NH, TCTD tham gia mua TPDN không chỉ có thương vụ phát hành của công ty con Tập đoàn Masan, VietinBank đã tham gia mua TPDN do Tập đoàn Minh Phú phát hành tổng cộng 2 đợt của năm 2015 với giá trị 2.500 tỷ đồng.
Trong đợt phát hành lần thứ hai năm 2015 huy động 300 tỷ đồng của SSI, nâng tổng giá trị phát hành trái phiếu của SSI từ đầu năm lên 800 tỷ đồng, dù SSI không tiết lộ đơn vị cụ thể mua trái phiếu nhưng cho biết đối tác là một trong những tổ chức tài chính có uy tín cao ở Việt Nam và cũng là một tổ chức tài chính nổi tiếng về tính chặt chẽ trong quy trình quản lý tín dụng và quản trị rủi ro.
Hay trường hợp của SHS tiết lộ 3 định chế tài chính đã thực hiện mua toàn bộ 250 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đợt I năm 2015 của công ty này, bao gồm công ty bảo hiểm và NH uy tín.
Nếu như những năm qua, kênh TPDN không thật sự được nhiều doanh nghiệp quan tâm thì gần đây nhiều doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm nguồn vốn lớn qua kênh này.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về thị trường trái phiếu trong 8 tháng đầu năm 2015 tính đến 14-8, khối lượng phát hành TPDN là 11.148 tỷ đồng. Một thống kê khác của Công ty Chứng khoán VPBS cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2015, TPDN đã phát hành được 19.515 tỷ đồng, gấp 1,4 lần lượng phát hành của 6 tháng đầu năm 2014 và chiếm 85,1% tổng khối lượng phát hành của cả năm ngoái.
VPBS cho biết chỉ tính riêng các công ty niêm yết, tổng khối lượng TPDN dự kiến phát hành trong năm 2015 chưa thực hiện còn khoảng 10.410 tỷ đồng. Đơn vị này dự báo, tổng giá trị TPDN phát hành năm nay sẽ tăng mạnh so với năm 2014, hầu hết TPDN được phát hành với kỳ hạn dưới 5 năm. Theo đơn vị này, do Chính phủ đã dừng phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn, nên TPDN thu hút người mua.
Tại Diễn đàn M&A 2015 hồi tháng 8-2015, Công ty Chứng khoán VietinbankSC đã chiến thắng tại hạng mục “Tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ” với số lượng và quy mô các thương vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ lên đến 13 hợp đồng với tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công lên đến 21.485 tỷ đồng.
Rõ ràng, việc phát hành TPDN để huy động vốn của doanh nghiệp đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là cách để doanh nghiệp huy động được vốn trung dài hạn, đồng thời các NH tham gia mua trái phiếu cũng có thể gia tăng dư nợ cho vay trung dài hạn so với trước đây mà không vi phạm quy định mới của Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Lãi suất cao hơn NH nhưng vẫn thu hút
Trong các thương vụ phát hành gần đây, lãi suất TPDN riêng lẻ được đưa ra tương đối cao. Lãi suất của 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm bằng tài sản mà Tập đoàn Thủy sản Minh Phú phát hành cho VietinBank chi nhánh Cà Mau cố định 7,5%/năm. Tiền lãi trái phiếu được thanh toán 6 tháng/lần và tiền gốc được thanh toán một lần khi đến hạn.
Hay trong đợt chào bán 250 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đợt 1 năm 2015 của SHS cho các NH và công ty bảo hiểm với lãi suất 6 tháng đầu cố định 8,5%/năm. Lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo được thả nổi với lãi suất tối thiểu bằng trung bình cộng của 4 mức lãi suất áp dụng với tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ áp dụng với cá nhân, kỳ hạn 12 tháng, loại trả lãi sau cuối kỳ, được công bố tại 4 NHTM bao gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, SHB với biên độ cộng 2-3%/năm.
Đối với trường hợp SSI phát hành đợt hai cho một tổ chức tài chính trong nước với lãi suất lô trái phiếu kỳ đầu tiên 7,175%/năm, sau đó sẽ được điều chỉnh 3 tháng một lần (lãi suất cố định 1,25% cộng thêm lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng của 4 NH BIDV, Vietcombannk, VietinBank và VIB.
Lãi suất Tập đoàn Hà Đô dự kiến phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên 9,7%/năm, các kỳ tiếp theo sẽ được xác định bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân VNĐ, trả sau, kỳ hạn 12 tháng công bố tại sở giao dịch/chi nhánh của 4 NHTM Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank tại mỗi ngày xác định lãi suất cộng biên độ 3,2%/năm.
Còn đợt phát hành 850 tỷ đồng trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai áp dụng cho kỳ tính lãi suất đầu tiên của trái phiếu 10%/năm, kỳ tính lãi tiếp theo được xách định trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VNĐ, trả sau, kỳ hạn 12 tháng công bố tại Chi nhánh Gia Lai của 4 NHTM có vốn nhà nước cộng thêm biên độ 4%/năm.
Như vậy mức lãi suất được các nhà đầu tư mua TPDN khác nhau dao động ở mức 8-10% trong kỳ đầu tiên và các kỳ tiếp theo khoảng từ 10-12%/năm. Mức lãi suất này có thể cao hơn so với lãi suất các NH cho doanh nghiệp vay vốn. Song điều quan trọng là doanh nghiệp có thể huy động vốn trung, dài hạn với giá trị lớn để thực hiện các kế hoạch của mình.
Ngoài ra, một trong những lý do mà doanh nghiệp chủ động phát hành trái phiếu chính là “tránh” vi phạm theo quy định tại thông tư 36/2014/TT-NHNN. Theo quy định tại Thông tư này, tổng mức dư nợ cấp tín dụng không được vượt quá 15% đối với một khách hàng và người liên quan; không được vượt quá 25% vốn tự có của TCTD.
Chẳng hạn với một NH có vốn tự có khoảng 40.000 tỷ đồng như Vietcombank, số tiền cho một khách hàng vay tối đa chỉ khoảng 6.000 tỷ đồng. Hiện nay không thiếu doanh nghiệp phát hành lượng trái phiếu có giá trị cao hơn nhiều so với vốn vay. Do đó việc các NH tham gia mua trái phiếu cũng dễ hiểu vì biên lợi nhuận cao hơn trong khi chi phí quản lý thấp hơn so với tín dụng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]