Tờ Bloomberg đưa tin, cổ phiếu của Alibaba Group Holding vừa chứng kiến mức giảm hơn 9% sau khi đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin hôm thứ ba rằng các nhà chức trách ở Hàng Châu đã áp đặt các lệnh hạn chế đối với một cá nhân họ Ma.
Cổ phiếu của Alibaba sau đó đã hồi lại phần lớn những giá trị đã mất sau khi cảnh sát Hàng Châu đăng một tuyên bố rất giống với báo cáo của CCTV, nhưng với một chút thay đổi cho thấy tên của người bị buộc tội bao gồm ba ký tự. Trong khi đó, Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba, tên tiếng Trung là Mã Vân gồm hai ký tự.
Theo báo cáo ban đầu, người này không được tiết lộ danh tính, đã bị áp dụng cái gọi là "những biện pháp cưỡng chế" vào ngày 25/4 sau khi bị cáo buộc kích động lật đổ quyền lực nhà nước và các hoạt động khác gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Đây là thông tin được CCTV cho biết, trích dẫn từ cơ quan an ninh công cộng , mà không có bất kỳ giải thích nào thêm.
Bản báo cáo ngắn gọn, chỉ gồm hai câu nhưng đã khiến các nhà đầu tư phải lo lắng về cuộc kìm kẹp kéo dài cả năm của Bắc Kinh đối với mọi ngóc ngách của lĩnh vực internet, khởi đầu bằng cách nhắm mục tiêu vào Jack Ma. Trước đó, Bắc Kinh đã tạm dừng IPO của Ant Group Co. trước khi tiến hành một chiến dịch nhằm kiềm chế các cáo buộc lạm dụng và phát triển quá nhanh của các công ty internet ngày càng lớn mạnh.
Các nhà chức trách Trung Quốc ở thành phố Hàng Châu, nơi cả Alibaba và Ant đều đặt trụ sở, đã không đưa ra bình luận về vấn đề này. Đại diện của Alibaba và Ant cũng đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận từ Bloomberg.
Giữa tháng 4, tờ Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết, Cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc đang trực tiếp cùng nhiều đơn vị khác tham gia vào một cuộc điều tra gần đây về mối liên hệ giữa Alibaba của Jack Ma và các công ty nhà nước Trung Quốc. Thông tin này làm gia tăng rủi ro đối với ông trùm công nghệ Jack Ma và đế chế Internet khổng lồ của ông.
Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) đang xét sức ảnh hưởng của Alibaba và phạm vi những giao dịch của công ty này với các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.
CCDI vốn là cơ quan phụ trách những vấn đề tham nhũng liên quan tới những quan chức cấp cao. Được biết, cơ quan này đã tham gia vào những chất vấn gửi tới các công ty nhà nước vào tháng 2 như một phần trong quá trình điều tra về Cựu Bí thư Hàng Châu là Zhou Jiangyong. Cả Ant và Alibaba đều có trụ sở tại Hàng Châu.
Các công tố viên Trung Quốc trong tuần này đã buộc tội Zhou nhận hối lộ "khổng lồ", mặc dù tuyên bố từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao không nêu tên Ant hoặc bất kỳ công ty nào khác có liên đới. Một nguồn tin của Bloomberg nói rằng mặc dù các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đã gửi báo cáo của họ về bất kỳ sự liên đới nào với Ant, nhưng vẫn chưa có quyết định tiếp theo của các nhà lãnh đạo cấp cao về bất kỳ hành động bổ sung nào.
Vào tháng 1, Zhou xuất hiện trong một bộ phim tài liệu truyền thông nhà nước tuyên bố ông này đã sử dụng ảnh hưởng của mình tại Hàng Châu - trung tâm công nghệ Trung Quốc để giúp các doanh nghiệp của em trai mình phát triển. Một trong những công ty đó đã nhận được đầu tư từ một công ty do Ant kiểm soát, theo một báo cáo phương tiện truyền thông địa phương vào tháng 8. Cả Ant và Jack Ma đều không bị buộc tội có sai trái liên quan đến vụ án.
Bắc Kinh trước đó đã thúc ép Alibaba bán bớt tài sản trong danh mục đầu tư truyền thông rộng rãi của mình, bao gồm cả cổ phần chính của họ trong mạng xã hội Weibo và nền tảng phát trực tuyến Youku. Việc này là nhằm hạn chế ảnh hưởng của công ty đối với mạng xã hội ở Trung Quốc.
Trước những đòn trừng phạt của chính phủ, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã điêu đứng suốt hơn 1 năm qua. Tencent Holdings và Alibaba Group đã chứng kiến vốn hóa mất 1 nghìn tỷ USD kể từ khi cổ phiếu của họ trên sàn Hong Kong lao dốc từ 13 tháng trước.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]