Trải nghiệm thay vì sở hữu
Alistair Owen dùng hầu hết tiền lương để du lịch và hưởng thụ cuộc sống. “Tôi không tiết kiệm để mua bất cứ thứ gì,” anh kỹ sư 28 tuổi, hiện đang chia sẻ một căn hộ đi thuê với hai người bạn ở phía nam London nói. “Tôi thích ra ngoài ăn tối ở một địa điểm đẹp, đãi bạn bè một chầu ở quán rượu hoặc khám phá một nơi mới trên thế giới. Tôi cảm thấy cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa nếu chỉ dùng tiền để sở hữu vật dụng.”
Thị trường chứng khoán đang bắt đầu cảm nhận được phong cách tiêu tiền của Owen và những người cùng thế hệ - thế hệ millennials, những người sinh từ năm 1980 đến 2000. Cổ phiếu của các công ty liên quan đến giải trí và du lịch, bao gồm quán rượu, hàng không và nhà hàng pizza đã đánh bại các công ty bán lẻ kể từ khi niềm tin của người tiêu dùng phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính.
“Trải nghiệm giúp các millennials định hình bản thân và tạo ra ký ức ở mức độ lớn hơn các thế hệ trước,” Sarbjit Nahal, trưởng bộ phận đầu tư theo nhóm ngành của Bank of America ở London cho biết. “Bạn sẽ muốn tìm hiểu các công ty về sự kiện thể thao trực tiếp, lễ hội, đánh bạc trực tuyến, kinh tế chia sẻ, du lịch và thậm chí cả nghe nhạc trực tuyến – tất cả những điều này là trải nghiệm mà millennials có thể chia sẽ với bạn bè.”
Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Harris Poll và Eventbrite Inc., một công ty bán vé trực tuyến cho thấy 78% millennials thích trả tiền để mua trải nghiệm hơn là hàng hóa thực sự. Con số này ở thế hệ sinh sau Thế chiến thứ hai chỉ là 59%. Khoảng 82% trong thế hệ millennials cho biết họ muốn đến một sự kiện trực tiếp trong năm qua – hòa nhạc và lễ hội, và khoảng 72% cho biết họ có kế hoạch tăng chi tiêu cho những chuyến đi.
Andrew Oswald, giáo sư kinh tế học của Đại học Warwick (Anh) cho biết người tiêu dùng trẻ ngày nay cảm thấy mình sở hữu đủ rồi. Ông trích dẫn một nghiên cứu của Thomas Gilovich, giáo sư tâm lý học của Đại học Cornell (Mỹ) cho biết khi mà khát khao vật chất đã hoàn toàn cạn kiệt, millennials cần những con đường khác để thỏa mãn.
“Giờ con người đang thiếu những trải nghiệm chứ không phải vật dụng,” Oswald cho biết. Nghiên cứu của ông tập trung vào cái mà ông gọi là kinh tế học hạnh phúc.
Hiểu được điều này, các nhà bán hàng sẽ không hưởng lợi được từ sự thay đổi trong xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng. Số liệu mới nhất về doanh số bán lẻ mới nhất ở Mỹ, Anh và khu vực đồng euro đều thấp hơn dự báo. Các chuỗi cửa hàng từ Macy’s cho đến Best Buy đều công bố doanh số bán hàng sụt giảm trong kỳ nghỉ lễ.
Trái lại, doanh số của các công ty như hãng điều hành quán rượu Greene King đã tăng mạnh. Giá trị của các hãng hàng không giá rẻ Ryanair Holdings và EasyJet đã tăng gần 7 lần kể từ mức thấp kỷ lục trong giai đoạn khủng hoảng. Giá trị của hãng dịch vụ trượt tuyết Vail Resorts đã tăng 700% kể từ khi thị trường chứng khoán Mỹ chạm đáy vào năm 2009. Airbnb có giá trị 25,5 tỷ USD, còn hơn cả Macy’s và Best Buy cộng lại. Các nhà đầu tư có thể sẽ sớm mua cổ phiếu của các quỹ ETF tập trung vào thế hệ millennials, bao gồm các công ty thuộc lĩnh vực mạng xã hội, thương mại điện tử, công nghệ di động, sống khỏe, du lịch, giải trí và kinh tế chia sẻ.
Không còn tiền tiết kiệm
Có một thứ phải hy sinh để đổi lấy những niềm vui trên: tiền tiết kiệm. Theo bản khảo sát Lối sống Thế hệ Toàn cầu năm 2015, trong bối cảnh thu nhập giảm, chỉ 34% trong thế hệ millennials trên thế giới cho biết đã tiết kiệm đủ tiền mỗi tháng. Họ không hứng thú với việc giàm dụm tiền để mua những thứ là khát khao của thế hệ trước. Một báo cáo năm 2015 của Goldman Sachs cho thấy mua xe chỉ là ưu tiên hàng đầu của 15% trong thế hệ millennials.
Cầm trên tay số tiền bán căn hộ mà cô đã mua cùng chồng cũ của mình, điều cuối cùng Selina Mathews nghĩ đến là mua một căn hộ khác. Người phụ nữ 30 tuổi này đã chia sẻ một căn hộ ở London với hai người bạn và thường xuyên ăn ở ngoài. Số liệu của Nielsen cho thấy 6 trong 10 người thuộc thế hệ millennials ăn ở ngoài ít nhất một tuần một lần, gấp đôi tỷ lệ của những người sinh sau Thế chiến thứ hai.
“Tôi ít khi để dành tiền lương mỗi tháng của mình,” Mathews, hiện đang làm cho sàn giao dịch của một ngân hàng đầu tư ở Mỹ. Giờ là thời gian khuyến mãi và cô đang lên kế hoạch du lịch tới Philippines và Nhật Bản. ‘Tôi thà thuê một căn phòng đẹp, khám phá thế giới, vui vẻ với bạn bè và tận hưởng cuộc sống hơn là sở hữu một đống đồ vật. Sống như thế mới tự do.”
Jack Huang, đến từ California và hiện sống ở London, đang khởi nghiệp dựa vào quan điểm trên. Người đàn ông 35 tuổi này đã sáng lập trang web Trải nghiệm Đích thực vào năm 2012 khi anh không thể tìm được món quà cưới thích hợp cho người bạn học cùng trường kinh doanh thích ăn uống của mình. Công ty này bán mọi thứ từ dịch vụ thử rượu whisky cho đến chuyến du lịch giá nửa triệu USD vào bầu khí quyển trái đất.
“Mọi người muốn mua hạnh phúc,” Huang nói trong một quán cà phê ở London. “Mỗi trải nghiệm là độc nhất vì nó trải qua ba bước: dự đoán, bản thân sự kiện và ký ức sau đó. Giai đoạn cuối cùng không chỉ kéo dài mãi mãi mà bạn còn có thể chia sẻ điều đó.”
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]