Nhưng có một lý do rất khác khiến cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh phiên 22/2.
Trước đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán thường góp mặt trong những con sóng lớn của thị trường. Kỳ vọng vào hoạt động tự doanh tích cực hay hoạt động môi giới đẩy mạnh khi thị trường vào sóng giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán trở nên hấp dẫn với giới đầu tư.
Tuy vậy, việc TTCK trong năm 2015 diễn ra tương đối ảm đạm đã ảnh hưởng không nhỏ tới KQKD của các CTCK, qua đó khiến nhóm cổ phiếu này không thực sự hấp dẫn trong thời gian qua.
KQKD năm 2015 được công bố cho thấy lợi nhuận của không ít CTCK đã sụt giảm đáng kể. Có thể kể tới như HSC (mã HCM) lãi ròng 213 tỷ đồng (giảm 43%); SHS lãi 118 tỷ đồng (giảm 3%); BVS lãi 117 tỷ đồng (giảm 12%); MBS chỉ lãi chưa đầy 10 tỷ đồng (giảm 87%) hay KLS thậm chí lỗ hơn 68 tỷ đồng…..
Trong những tháng đầu năm 2016, xu hướng lình xình của thị trường được tiếp diễn và điều này khiến các CTCK khó có thể kỳ vọng vào KQKD đột biến trong quý 1 tới đây.
Cổ phiếu chứng khoán bất ngờ tăng mạnh
Sau quãng thời gian im hơi lặng tiếng, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán lớn, nhỏ như SSI, HCM, VND, BVS, SHS, BSI, VIX, AGR….đã bất ngờ tăng mạnh trong phiên giao dịch 22/2. Thậm chí, HCM, VIX còn đóng cửa tăng kịch trần và không còn dư bán.
Đây là điều khá bất ngờ với giới đầu tư bởi các nhóm cổ phiếu dầu khí, bất động sản, xây dựng mới là tâm điểm giao dịch trong thời gian qua.
Thông tin đáng chú ý nhất với nhóm chứng khoán là việc Daiwa Securities đăng ký mua 26,5 triệu cổ phiếu SSI và có lẽ tín hiệu tích cực của SSI phần nào đã kéo theo sự khởi sắc của các cổ phiếu chứng khoán khác.
Nới room?
Có thể thấy, việc nhóm cổ phiếu chứng khoán ồ ạt tăng điểm trong phiên 22/2 khó có thể đến từ KQKD mà có lẽ đến từ tác động của SSI hay kỳ vọng vào việc nới room cho khối ngoại.
Kể từ đầu năm 2016 tới nay, câu chuyện nới room tại các doanh nghiệp đang là chủ đề “hot” và là yếu tố thúc đẩy đà tăng giá tại một vài cổ phiếu. Những cổ phiếu nới room lên 100% như VHC, EVE hay các cổ phiếu mở room cho khối ngoại như BIC, MBB đều có diễn biến tích cực.
Theo nhận định của HSC, câu chuyện mở room tại các doanh nghiệp sẽ còn được nhắc tới nhiều trong năm nay, đặc biệt trong khoảng thời gian từ nay đến ĐHCĐ.
Không tính SSI đã nới room lên ngưỡng tối đa 100%, hiện chỉ có HCM cùng VND là 2 cổ phiếu chứng khoán đáng chú ý nhất với tỷ lệ sở hữu của khối ngoại lần lượt là 49% và 44%. Do đó, 2 cổ phiếu này nhiều khả năng sẽ hấp dẫn hơn trong mắt khối ngoại nếu thực hiện nới room.
Trong năm 2015, HCM từng cho biết sẽ nới room khi các thông tư hướng dẫn cụ thể được ban hành. Do đó, khi mà SSI đã thực hiện nới room thành công thì việc HCM có hành động tương tự cũng không phải là điều quá bất ngờ. Có lẽ HCM tăng kịch trần trong phiên 22/2 không ngoại trừ đến từ kỳ vọng của giới đầu tư về việc sẽ sớm thực hiện nới room.
Không nên kỳ vọng quá nhiều
Không thể phủ nhận việc nới room, thu hút nhà đầu tư ngoại sẽ mang lại lợi ích cho các CTCK như nâng cao năng lực quản trị, nguồn vốn, công nghệ…..Tuy vậy, có lẽ chỉ những CTCK top đầu mới thực sự thu hút được dòng vốn ngoại khi thực hiện nới room.
TTCK Việt Nam quy mô còn khá nhỏ bé, việc cạnh tranh tại các CTCK top dưới là khá khốc liệt. Các CTCK như Woori CBV, Mirae Asset….nhìn chung vẫn gặp muôn vàn khó khăn trong hoạt động dù có sự hỗ trợ của vốn ngoại. Bên cạnh đó, các sản phẩm phái sinh sắp được triển khai cũng chưa thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Do đó, không phải cổ phiếu nào nới room cũng sẽ mang lại hiệu quả và nhà đầu tư cần tỉnh táo, không nên mua đuổi các cổ phiếu theo tư duy “nước nổi bèo nổi” để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]