Phiên giao dịch 11/6 khép lại với sự tăng trưởng mạnh gần 7 điểm của chỉ số VnIndex và 0,22 điểm của HNX-Index. Đóng góp vào mức tăng chung của chỉ số là 161 mã trên HoSE và 117 mã trên HNX trong sso có tổng cộng 35 mã tăng trần.
Một điểm đáng chú ý khác của phiên 11/6 là sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu bất động sản. Nhóm này bất ngờ dẫn dắt thị trường với sự tăng trần của một số mã đã lâu không trần.
Hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng trần
Ấn tượng đầu tiên phải kể đến là SJS của Sudico. Từ mức giá mở cửa 21.000 cổ phiếu này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của bên mua và đẩy giá khớp lệnh lên 21.700. Sức nóng tiếp tục từ cuối phiên sáng khi cân bằng cung cầu đã đẩy mức giá khớp lên giá trần 22.300 và lúc này hiện tượng tiết cung xảy ra. Cổ phiếu SJS khớp lệnh 538 nghìn đơn vị trong phiên sáng, hơn gấp 3 bình quân 10 ngày và có dư mua trần 112 nghìn cổ phiếu cuối phiên. Phải nói thêm rằng, từ đầu năm đến nay, SJS chưa có phiên giao dịch nào chạm trần!
Đáng quan tâm kế tiếp là NTL của Nhà Từ Liêm. Khối lượng khớp lệnh phiên 11/6 của NTL đạt gần 1,6 triệu cổ phiếu tương đương gần 20 tỷ đồng trao tay. Mức khớp lệnh này tăng vọt so với bình quân 10 ngày (chỉ đạt chưa đầy 400 nghìn cổ phiếu). Và cũng như SJS, đây là phiên duy nhất từ đầu năm 2015 cổ phiếu NTL tăng trần. NTL chốt phiên hôm qua dư mua trần gần 240 nghìn đơn vị.
Tiếp đến là cổ phiếu DIG của DIC Corp. Khớp lệnh toàn phiên hôm qua của DIG đạt hơn 1 triệu cổ phiếu-không phải mức cao nhất từ đầu năm nhưng nguyên nhân là việc tiết cung đã xảy ra. Cuối phiên, DIG dư mua trần gần 2 triệu cổ phiếu. Cũng như SJS hay NTL, đây là phiên đầu tiên từ đầu năm đến nay cổ phiếu DIG tăng trần. Mức giá lình xình quanh 10-13.000 đồng từ đầu năm đến nay khiến DIG không tốn nhiều giấy bút phân tích của truyền thông. Chỉ có phiên hôm qua, DIG bất ngờ “tỏa sáng” cùng các cổ phiếu bất động sản khác. Đầu tháng 6, DIG cho biết kết quả lợi nhuận quý 1 sụt giảm sâu là do nghỉ lễ kéo dài dẫn đến công tác hoàn thiện và bàn giao các sản phẩm bất động sản trễ lại, chưa đủ điều kiện hạch toán doanh thu trong quý. Nhà đầu tư có thêm lý do để kỳ vọng việc ghi nhận sẽ diễn ra trong báo cáo quý 2 này.
Cũng như các cổ phiếu bất động sản SJS, NTL, DIG, cổ phiếu IJC của Becamex IJC đột biến phiên 11/6 với khớp lệnh 1,4 triệu cổ phiếu-tăng mạnh so với mức bình quân 10 phiên ~300 nghìn cổ phiếu/phiên.
Ngoài các cổ phiếu trên, phiên hôm qua, hàng loạt cổ phiếu ngành bất động sản, hạ tầng cũng tăng mạnh như CTD, SII, HBC, CII, CTI, KDH, TDH, VIC, DXG, HU1, NBB, DLG, FCN, VPH, BCI, KBC, SC5, DIC, FLC, HAR, ITA, ITC, PPI, QCG, ASM, CIG, HQC…Thậm chí, một cổ phiếu đang lắm thông tin đa chiều là OGC cũng được đẩy lên giá trần.
Cổ phiếu bất động sản đến thời bùng nổ?
Ngày 10/6 vừa qua, trong buổi giao lưu trực tuyến “Làm giàu trên Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm như thế nào?” do CafeF phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức, các diễn giả là chuyên viên phân tích, môi giới đến từ các công ty chứng khoán lớn đã đều cho cái nhìn tích cực đối với cổ phiếu bất động sản.
Ông Dương Văn Chung-giám đốc khối DVKH của chứng khoán MBS cho rằng sắp tới, VNINdex tăng trưởng rất mạnh do có sự đồng pha của tất cả các lớp cổ phiếu: Bluechip + đầu cơ + BDS + CK + Ngân hàng. Trong giai đoạn này thì nên đặc biệt chú ý tới nhóm cổ phiếu bluechip vì đây là nhóm tăng điểm mạnh nhất song hành với nhóm bất động sản.
Ông Chung cũng nhấn mạnh thị trường hiện nay có 4 nhóm cổ phiếu có thể tác động tới xu thế thị trường là Ngân hàng, Dầu khí, Chứng khoán, Bất Động Sản thì trong 2 năm vừa qua nhóm ngân hàng, dầu khí và chứng khoán là đã có những uptrend rõ rệt còn uptrend của BĐS thì khá mờ nhạt. Nếu nhìn dài hạn thì có thể nói rằng BDS trong hơn 1 năm vừa qua là trong trại thái tích lũy và chỉ báo động lượng theo tháng đang chỉ ra nhóm BĐS đang bước vào giai đoạn cuối của giai đoạn tích lũy và chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh.
Vì vậy tôi cho rằng đầu tư vào nhóm ngành BĐS là sáng suốt nhất hiện nay vì vừa đảm bảo tính an toàn (chưa tăng nên khó giảm sâu) vừa đảm bảo tính lợi nhuận (chỉ báo động lượng đang bước vào giai đoạn oversold). Trong khi đó thị trường BĐS đang có tín hiệu ấm dần trên cả 2 miền nên hứa hẹn kết quả kinh doanh nhóm ngành BĐS sẽ rất khởi sắc trong cả 2015.
Ông Chung cũng kỳ vọng 2,3 năm nữa BĐS, chứng khoán sẽ cùng tăng mạnh như những gì đã xảy ra năm 2007.
Cùng chung nhận định với ông Dương Văn Chung, ông Nguyễn Tuấn Anh-giám đốc khối DVCK của VNDirect cũng nhận định: Cá nhân tôi "hợp" với nhóm tài chính, ngân hàng. Tuy vậy, trong ngắn hạn, tôi chắc chắn bỏ rơi ngân hàng. Tôi chuyển sang các nhóm khác trong ngành, ví dụ bất động sản và chứng khoán.
Phiên 11/6 đã chứng kiến một sự đảo chiều đáng chú ý của các cổ phiếu bất động sản. Liệu, nhóm ngành này có bùng nổ trong thời gian tới như kỳ vọng của các chuyên gia? Thị trường sẽ cho chúng ta câu trả lời thời gian tới.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]