Nguy cơ nhiễm khuẩn
Nhiễm trùng hô hấp là nguy cơ đầu tiên khi người cao tuổi phải nằm liệt giường. Các bệnh nhân liệt thường có di chứng hôn mê, nuốt khó, sặc thức ăn, ho khạc kém nên dẫn tới ứ đọng đờm dãi, ứ đọng thức ăn ở hầu họng. Các vi khuẩn sinh sôi nảy nở nhanh chóng trong những chất ứ đọng này tràn xuống phổi gây viêm phổi.
Nhiễm trùng răng miệng cũng là vấn đề cần được quan tâm. Cần thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến hoặc làm nghiêm trọng hơn tình trạng nhiễm trùng hô hấp.
Nguy cơ nhiễm khuẩn
Viêm hệ sinh dục - tiết niệu
Hệ sinh dục - tiết niệu cũng là một “địa chỉ” thường xuyên bị viêm ở các bệnh nhân nằm liệt giường. Các vị trí bị viêm thường là niệu đạo, bàng quang, niệu quản và cao hơn là viêm thận - bể thận.
Các nguyên nhân có thể gây ra viêm hệ sinh dục – tiết niệu là:
- Đặt xông tiểu, chụp tiểu hoặc đóng bỉm quá lâu.
- Tổn thương niệu đạo, bàng quang do đặt xông tiểu không đúng cách hoặc do xông tiểu quá to.
- Chăm sóc, làm vệ sinh hệ sinh dục tiết niệu không đảm bảo.
- Rối loạn chức năng đại - tiểu tiện gây tiểu tiện không tự chủ.
Nhiễm trùng ngoài da
Nhiễm trùng ngoài da có liên quan nhiều đến loét mục do ở các khu vực bị tỳ đè nhiều như hai bả vai, vùng cùng cụt, hai gót chân… Các viêm nhiễm này có thể lan rộng hoặc sâu xuống dưới lớp cơ và phối hợp khiến cho các mảng loét mục ngày càng tiến triển nhanh hơn. Vi khuẩn hay gặp là tụ cầu vàng. Việc tưới máu kém ở khu vực bị loét do tỳ đè làm nhiễm trùng lan nhanh và rất khó điều trị.
Ngoài ra, một số các nhiễm trùng khác cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân nằm liệt là nhiễm khuẩn răng miệng; viêm kết mạc; viêm tai giữa; viêm khớp; viêm bao hoạt dịch… nhưng với tỷ lệ ít hơn.
Loét mục
Loét mục là loại loét do nằm lâu, những chỗ cơ thể bị tì đè liên tục sẽ bị thiếu máu nuôi dưỡng. Do đó phần da thịt này sẽ bị hoại tử, ban đầu là vô khuẩn, sau đó sẽ có bội nhiễm thêm khiến cho ổ loét ngày càng lan rộng và sâu, có trường hợp loét trơ tới tận xương. Loét mục hay gặp tại những vị trí nơi cơ thể tiếp xúc liên tục với giường, đệm khi nằm như hai gót chân, vùng cùng cụt, bả vai, phần đỉnh chẩm. Ở những vị trí này, lớp cơ dưới da rất mỏng, mạch máu nghèo nàn nên rất dễ bị loét khi tì đè.
Các vết loét thường xuất hiện sau khoảng 3-4 ngày nằm liên tục mà không được thay đổi tư thế, nguy cơ cao hơn khi thời tiết ẩm thấp hoặc người béo phì.
Huyết khối tĩnh mạch chi dưới
Người cao tuổi nằm bất động có nguy cơ cao xuất hiện nguy cơ huyết khối tĩnh mạch chi dưới. Các yếu tố thuận lợi cho việc hình thành huyết khối TM như hiện tượng cô đặc máu do mất nước, ứ trệ lưu thông của hệ TM, tăng hoạt hóa một số yếu tố đông máu, dãn TM chi dưới ở người già, nhiễm khuẩn… Khi huyết khối xuất hiện sẽ gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân, cục huyết khối di chuyển lên phía tim sẽ có thể là nguyên nhân làm tắc mạch phổi, suy hô hấp và tử vong.
Huyết khối tĩnh mạch chi dưới
Bệnh cơ - xương - khớp
Các tổn thương của hệ cơ - xương - khớp do nằm lâu bao gồm teo cơ, cứng khớp do không vận động, liệt cứng (khiến cho bệnh nhân luôn nằm co quắp chân tay) và loãng xương. Đây là vấn đề gặp ở hầu hết các bệnh nhân tai biến mạch máu não phải nằm liệt giường.
Như vậy, với những người cao tuổi bị liệt, các biện pháp dự phòng các biến chứng phải được tiến hành từ rất sớm và đúng phương pháp. Nếu không, dù có cứu được bệnh nhân qua giai đoạn cấp thì bệnh nhân vẫn có thể tử vong sau đó vì các biến chứng như đã nêu ở trên hoặc “tồn tại” trên giường với chất lượng cuộc sống rất thấp.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]