Hiện nay, ở nước ta tình hình bệnh lao phổi nói chung đã giảm đi khá nhiều so với trước kia, nhưng điều đáng nói là nó giảm không đáng kể và gần như không thay đổi ở những người cao tuổi. Qua 20 năm, tỉ lệ mắc bệnh lao ở lứa tuổi 41-50 tăng 11%, trên 50 tăng 10%. Vậy ở người cao tuổi, bệnh lao có những điểm gì khác biệt, bạn đọc hãy tìm hiểu qua bài viết sau.
Bệnh lao không từ một ai, nhưng tỉ lệ người cao tuổi mắc lao thường cao hơn do đối tượng này có sức đề kháng kém và thường mắc kết hợp nhiều bệnh mạn tính. Lao phổi ở người cao tuổi thường đi kèm theo những bệnh khác của tuổi già làm cho việc phát hiện và điều trị sớm gặp nhiều khó khăn.
Tuổi càng cao thì tỷ lệ bệnh mắc bệnh lao phổi càng lớn.
Tỉ lệ mắc bệnh cao
Người cao tuổi với sức đề kháng giảm nên các vi trùng lao bị nhiễm từ lúc trẻ có cơ hội thuận lợi hoạt động trở lại gây ra bệnh lao (tái hoạt động nội lai). Do bị nhiều bệnh mãn tính nên người cao tuổi thường xuyên đến các bệnh viện, trung tâm y tế, nên cũng thường tiếp xúc với các bệnh nhân khác, do đó cũng dễ bị lây nhiễm ( tái nhiễm ngoại lai).
Biểu hiện của bệnh âm thầm và dễ nhầm lẫn
Biểu hiện lao phổi ở người cao tuổi diễn biến âm thầm. Khi được phát hiện, bệnh thường đã nặng, tỉ lệ tổn thương đã loét thành hang lao khoảng 70%. Diện tích tổn thương khá rộng so với bệnh nhân trẻ. Nguyên nhân phát hiện ra bệnh trong đại đa số trường hợp là so tình cờ khi bệnh nhân đi khám vì một bệnh khác. Các triệu chứng thường gặp của bệnh lao như: ho khạc đờm, sút cân, mệt mỏi, sốt về chiều, thường bị che lấp bởi các tình trạng bệnh lý khác của người già, sốt ít khi cao và người bệnh có thể không nhận ra, cũng có thể gặp tình trạng ra mồ hôi về đêm ( mồ hôi trộm) và ho ra máu.
Đặc biệt, trên cơ thể người có tuổi hầu như rất hiếm gặp bệnh lao đơn thuần. Đa số bệnh nhân đều có những bệnh phụ kèm theo. Có thể kể đến như: rối loạn chức năng thông khí (có thể gặp trong khoảng 66% trường hợp), dấu hiệu không bình thường trên điện tim ( 52% trường hợp), các rối loạn về chức năng hô hấp gặp trong 65%.
Khó khăn trong chấn đoán bệnh lao ở người cao tuổi
Chẩn đoán cũng gặp nhiều khó khăn. X-quang phổi thường không điển hình do chồng chéo cũng như dễ nhầm với nhiều bệnh phổi mãn tính khác ở người cao tuổi như viêm phế quản mạn tính, xơ phổi, giãn phế quản và đặc biệt là viêm phổi ở người già.
Người cao tuổi có thể kèm theo các bệnh nội khoa làm cho lao phổi nặng thêm và khó điều trị, đặc biệt là bệnh đái tháo đường. Người bệnh đái tháo đường gây suy giảm miễn dịch nên dễ mắc bệnh lao và để điều trị lao tốt phải giữ đường huyết ở mức ổn định thường xuyên. Mặt khác, người cao tuổi thường hay đau xương khớp do đó thường dùng các loại thuốc giảm đau kháng viêm. Nếu dùng lâu dài loại thuốc có chứa corticosteroid như: prednisolon, dexamethason, hydrocortison... sẽ bị giảm sức đề kháng nên dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh lao. Vì vậy, không nên tự ý dùng các loại thuốc corticosteroid. Khi sử dụng corticoid phải thận trọng theo dõi các phản ứng có hại và nhanh chóng báo cho thầy thuốc biết.
Điều trị theo cách thức riêng
Ở người cao tuổi, chiến lược điều trị mang tính chất mềm dẻo, không nguyên tắc, cứng nhắc. Trong thực tế, có 3 tình huống thường gặp.
Xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn lao
- Nếu đã có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hoặc mô học, đó là lao là dương tính, cần tiến hành điều trị đặc hiệu ngay.
- Nếu chưa có ngay kết quả xét nghiệm vi khuẩn, nhưng trên lâm sàng có các triệu chứng nghi bệnh lao (hình ảnh X-quang rất rõ ràng), thì có thể cho điều trị lao ngay, không cần chờ kết quả xét nghiệm, sau khi đã lấy các bệnh phẩm cần thiết để xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.
- Nếu chưa có ngay kết quả xét nghiệm vi khuẩn và các triệu chứng đều không điển hình của lao, có thể tiến hành điều trị thử bằng thuốc chống lao. Ở người trẻ tuổi, cách xử trí này là không thể chấp nhận được, nhưng trong lão khoa lại được “chấp nhận”, bởi nếu để bệnh nhân chờ đợi quá lâu thì không có lợi, nhất là khi bệnh nhân nằm liệt giường, suy kiệt, trầm cảm.
Trên đây là những kiến thức tổng quan về bệnh lao ở người cao tuổi. Để tìm hiểu sâu hơn về triệu chứng, phương pháp điều trị bệnh, các bạn có thể tham khảo thêm những bài viết khác trong trang web của chúng tôi.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]