Theo đó, UBND TP.HCM vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM lập danh mục các công trình xây dựng nút giao thông trọng điểm đã có chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố theo thứ tự ưu tiên để bố trí vốn trong các đợt giao kế hoạch tiếp theo, đảm bảo sớm hoàn thành công trình, đáp ứng tiến độ theo chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020.
Mới đây nhất, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch Kiến trúc và chính quyền quận 1 về việc xác định phạm vi quy hoạch và quy mô bốn nút giao gồm ngã sáu Phù Đổng, bùng binh Quách Thị Trang, Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, và Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Phạm Ngũ Lão.
Trước đó, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) hiện đã được chính quyền TP.HCM chấp thuận và đã có nhà đầu tư đồng ý xây dựng với tổng kinh phí dự kiến 2.620 tỉ đồng. Dự án bao gồm xây cầu vượt và hầm chui để giảm ùn tắc giao thông ở nút giao này.
Ở khu vực phía Đông Bắc, hiện tại TP.HCM đang xây dựng nút giao Mỹ Thủy để giải tỏa ùn tắc giao thông dẫn vào cảng Cát Lái. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 837 tỉ đồng.
Một nút giao cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông là nút giao An Phú hiện cũng được ưu tiên đầu tư sớm. Được biết, Sở Giao thông Vận tải TPHCM, kiến nghị giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lấy vốn dư còn lại của dự án đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây để phân kỳ đầu tư nút giao này.
Hai dự án khác là hầm chui nút giao An Sương và hầm chui nút giao Thủ Đức cũng được lên kế hoạch xây dựng. Trong đó, nút giao An Sương là điểm giao cắt giữa hai trục đường xuyên tâm quan trọng là đường Xuyên Á (quốc lộ 22) với đường Trường Chinh và đường Vành đai 2 (quốc lộ 1A).
Nút giao này đang có một cầu vượt theo hướng quốc lộ 1A. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm khu vực ngã tư An Sương thường bị tắc nghẽn do có nhiều xe từ nội thành đổ ra các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, quận 12. Do vậy, việc xây dựng một hầm chui theo hướng đường Trường Chinh – Quốc lộ 22 sẽ giúp giảm ùn tắc. Dự án này đã được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM lập với số vốn đầu tư gần 550 tỉ đồng.
Tương tự là khu vực ngã tư Thủ Đức, nếu làm thêm hầm chui cộng với vòng xoay đường kính 40 mét phía trên thì sẽ giảm ùn tắc cho khu vực cửa ngõ phía đông thành phố. Hiện tại, có một số nhà đầu tư đề xuất xây dựng hầm chui ở nút giao này.
TP.HCM vừa kiến nghị Chính phủ cho phép được đầu tư xây dựng đường vành đai 4 (đoạn Bến Lức - Hiệp Phước) để kết nối cụm đô thị cảng Hiệp Phước với Quốc lộ 1A đi các tỉnh miền Tây, đoạn 2B - Vành đai 3 (Tân Vạn - Nhơn Trạch) và đoạn Bình Chuẩn - giao với Quốc lộ 22, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành để kết nối cụm cảng phía Đông (Phú Hữu, Tân Cảng, ITC) với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh.
Đối với các công trình xây dựng nút giao thông trọng điểm như cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - đường nối vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài; cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm và một số dự án khác kết nối ngoài nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm ùn tắc giao thông... TP.HCM cũng đang xin Chính phủ những hình thức đầu tư phù hợp, tạo điều kiện để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Song song với việc xác định quy mô các nút giao ở trung tâm, chính quyền TP.HCM cũng yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các quận, huyện rà soát, đề xuất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các nút giao thông, trong đó ưu tiên lập quy hoạch trước các nút giao trên các đường vành đai, đường trục hướng tâm để trình UBND TP.HCM trong tháng 2/2017 nhằm phê duyệt, làm cơ sở để quản lý quy hoạch đô thị được đồng bộ. Đồng thời, giải quyết các thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng và tháo gỡ vướng mắc cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi quy hoạch tại các nút giao thông.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]