Quảng cáo và thực tế khác xa nhau
Sau nhiều năm tích lũy, anh Ngô Văn Tuấn (Mê Linh, Hà Nội) quyết định bỏ tiền mua một căn hộ tiện nghị cho gia đình. Nghe theo lời quảng cáo trên một số diễn đàn nhà đất, anh đã nhiều lần đi chọn mua nhà nhưng đều không thành. Lý do chính khiến anh Tuấn không dám “xuống tiền” là bởi thực tế căn hộ đều khác so với quảng cáo.
Anh Tuấn cho biết, trên thị trường có rất nhiều thông tin về dự án, đa số đều rất hay, rất tốt. Thế nhưng khi tận mắt chứng kiến thì không như mong đợi. Chính bởi thông tin thiếu rõ ràng, nên anh Tuấn mãi chưa tìm được căn hộ vừa ý.
Chỉ cần dạo qua một vòng trên các trang rao vặt, các diễn đàn về nhà đất, chúng ta có thể bắt gặp nhan nhản những thông tin giới thiệu về dự án BĐS. Song hầu hết chỉ là những dòng giới thiệu sơ sài, không có tiếng nói của chủ đầu tư, tính xác thực của dự án cũng rất mơ hồ…
Trong vai người có nhu cầu mua nhà, PV dành thời gian đi khảo sát khá nhiều dự án BĐS tại khu vực phía Nam và phía Tây Hà Nội dựa trên các thông tin rao vặt trên mạng. Trong số đó, một dự án tại đường Giải Phóng gây chú ý nhờ quảng cáo có diện tích nhỏ, nhưng nhiều thiết kế phù hợp, mức giá lại khá thấp so với trung bình thị trường.
Thị trường BĐS thiếu kênh thông tin minh bạch, người mua phải tự mò mẫm giữa ma trận thông tin |
Khi trao đổi với môi giới, PV được cung cấp khá đầy đủ các thông tin về dự án như thiết kế, bảng giá chi tiết từng căn hộ… Nhưng trước câu hỏi là đất trong dự án đã được chuyển đổi mục đích sử dụng chưa thì môi giới lại tỏ ra ngần ngừ và cho biết “cái này phải dựa vào mối quan hệ rộng"... Vậy với những người không có "mối quan hệ rộng", thì họ sẽ làm thể nào để xác thực những thông tin mà họ quan tâm?
Thiếu kênh thông tin minh bạch
Hiện nay, lượng thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng, nhà ở, chính sách phát triển thị trường BĐS, nhất là thông tin về các dự án BĐS đã phong phú và cập nhật hơn so với cách đây vài năm.
Điều này chứng tỏ các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin ra thị trường. Tuy vậy, so với các nước có thị trường BĐS phát triển, thông tin trên thị trường địa ốc Việt Nam hiện nay còn khá manh mún, thiếu chuẩn xác, đặc biệt là thông tin về thị trường, nguồn cung - cầu…
Trong khi đó, với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực BĐS, đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa xây dựng được hệ thống thông tin hoàn chỉnh. Mặc dù cách đây 2 năm, để chuẩn bị cho việc ra đời Nghị định 117/2015 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016), Bộ này đã thành lập Phòng Thông tin Thống kê (trực thuộc Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS).
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn có các cơ quan trực thuộc khác hỗ trợ việc thu thập thông tin về thị trường như Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, Viện Kinh tế xây dựng (đơn vị soạn thảo thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 117/2015).
Ghi nhận thực tế thị trường cho thấy, hầu như người mua nhà không tiếp cận thông tin về các dự án hay chính sách qua các cơ quan này, mà chủ yếu qua các sàn giao dịch, môi giới, hoặc các trang thông tin điện tử phi chính thống.
Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Cen Group, thị trường BĐS Việt Nam luôn ở trong tình trạng “đói” thông tin, nên thường bị những thông tin “không chính thức” bủa vây. Hệ quả là người mua nhà chỉ năm thông tin mù mờ, đầu tư theo trào lưu, gây nên những “cơn sốt ảo”...
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc cũng cho biết, con số nhà bán ra hiện nay chưa thực sự chính xác. Thậm chí, ngay cả những công ty tư vấn BĐS cũng chưa có một phương pháp thống kê khoa học và chưa công bố một con số hợp đồng giao dịch cụ thể nào.
Đối với nhà đầu tư, các thống kê này có ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh, nhưng họ ít khi dựa vào đó, bởi không tin tưởng nhiều vào các thống kê này.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]