* Ông Phạm Lâm (TGĐ Công ty CP bất động sản Danh Khôi Á Châu):
Siết chặt hoạt động môi giới
Diễn biến đợt sốt đất hiện nay cho thấy một số khu vực dù không có thay đổi gì về mặt hạ tầng, không có yếu tố gì để gia tăng giá trị, nhưng giá đất vẫn tăng 100%. Điều này là hoàn toàn bất thường.
Môi giới đất có vai trò rất quan trọng đằng sau sự đột biến này. Hiện nay họ không đơn thuần chỉ là người giới thiệu, mà còn có khả năng tài chính, rải tiền ra để đầu cơ, thậm chí thiết lập mặt bằng giá mới và khống chế khu vực.
Chưa kể, đội quân này không bị ràng buộc về mặt trách nhiệm, họ thích “hô hoán” thế nào cũng được, không có trách nhiệm gì với người mua. Không ít môi giới sau khi giới thiệu xong là đổi số điện thoại, chạy mất tiêu, coi như phủi hết trách nhiệm. Trong khi đó, những người làm bài bản, có trách nhiệm không phát triển được.
Từ những nhận xét trên, ông Lâm đề xuất cơ quan có thẩm quyền phải có quy định chặt chẽ hơn về hoạt động của lực lượng môi giới, tránh tình trạng ai cũng có thể làm môi giới về bất động sản.
Để hạn chế sự lộng hành của môi giới, luật cũng đã quy định chứng chỉ hành nghề với những người hoạt động trong lĩnh vực này, vì thế theo ông Lâm, các cơ quan chức năng nên rà soát, chế tài, ràng buộc chặt chẽ hơn đối với hoạt động của lực lượng này. Cách làm này có thể ngăn chặn được hành vi lừa đảo, lợi dụng thổi giá, gây ra những chuyện mất kiểm soát như thực tế thị trường hiện nay.
Một khu đất tại quận 2, Tp.HCM đang có hiện tượng sốt giá. Ảnh: Quang Định
* Ông Nguyễn Cao Trí (TGĐ Công ty bất động sản Bến Thành):
Cần thông tin minh bạch quy hoạch, dự án
Nhìn lại những cơn sốt giá đất trước đây thấy đều để lại hệ lụy nghiêm trọng. Không ít người mua, nhà đầu tư phải ôm đất và trả giá nhiều năm sau đó. Người thiệt hại cuối cùng bao giờ cũng là người dân có nhu cầu thật. Tại những thời điểm 'nhạy cảm' này, những thông tin mà cơ quan nhà nước đưa ra sẽ quyết định kiểm soát việc sốt giá.
Do đó, nếu có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng có thẩm quyền, doanh nghiệp và truyền thông trong việc đưa ra các thông tin chính thức, minh bạch về các quy hoạch, dự án... - trong đó có cả cảnh báo thị trường, khu vực, sản phẩm nào có rủi ro - sẽ giúp người mua nắm rõ thông tin, có sự cân nhắc trước khi mua.
Còn như thực tế hiện nay, do thông tin công bố không đầy đủ, ai cũng thấy cơ hội...nên người dân rất dễ dính “bẫy giá” của dân môi giới.
* Ông Nguyễn Hồ Phương Vinh (phó Phòng công chứng số 1, Tp.HCM):
Người mua phải là khách hàng thông minh
Trong quá trình làm công chứng cho người dân, tôi từng chứng kiến trường hợp có một khu đất 11.000m2 dù chưa được chuyển mục đích sử dụng đất nhưng có tới 21 hộ gia đình cùng đến ký hợp đồng để mua.
Khi đó tôi đã cố gắng giải thích nếu cùng mua như thế sẽ không phân chia được diện tích, vị trí và sau này vấn đề định đoạt sẽ rất khó khăn, tuy nhiên người dân vẫn phớt lờ cảnh báo vã vẫn xin nhận chuyển nhượng.
Ngoài ra, trên thực tế đã có những người môi giới cố tình “né” các văn phòng công chứng nhiệt tình tư vấn cho người mua khi đến công chứng. Văn phòng nào không tư vấn, chỉ cần người mua yêu cầu là ký thì mới thu hút được môi giới.
Từ câu chuyện trên, theo tôi chính người dân cũng cần phải có trách nhiệm, chủ động trang bị cho mình kiến thức pháp luật, kiến thức về đầu tư bất động sản hoặc khi đi mua nhà đất thì tìm kiếm sự tư vấn của những đơn vị uy tín. Sẽ rất rủi ro nếu đi mua bất động sản mà ai nói gì cũng tin!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]