Được xây dựng trên khu đất gần 4.500 m2 từ năm 2008 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2011, tuy nhiên từ tháng 5/2011, dự án dừng thi công khi mới xây đến tầng 9, do xảy ra sự cố kỹ thuật. Tiếp đó, hai đơn vị hợp tác làm chủ đầu tư lại xảy ra bất đồng, khiến công trình này vẫn chỉ là khối bê tông bỏ hoang từ đó tới nay.
Cũng là một dự án đình đám với thiết kế 102 tầng, đến nay Tổ hợp Tháp Dầu khí (Mễ Trì, Từ Liêm) đồng cảnh ngộ như nhiều công trình khác. Theo thiết kế, tổ hợp sẽ gồm khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, công viên giải trí... được xây dựng trên diện tích 6,5 ha với tổng vốn khoảng một tỷ USD. Chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí (PVN) sau đó đã điều chỉnh độ cao xuống còn 79 tầng, nhưng nếu hoàn thành, đây vẫn được coi là tòa tháp cao nhất Việt Nam.
Đầu năm 2012, sau gần 2 năm nhận dự án, PVN phải chuyển giao lại cho Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) để giảm đầu tư ngoài ngành. Cho đến nay, tháp Dầu khí vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Dự án tỷ đô Park City cũng long đong không kém khi phải chịu biến động về chủ đầu tư. Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Quốc tế Việt Nam (VIDC) - đơn vị liên doanh giữa Perdana ParkCity và công ty Vinaconex – Hoàng Thành là ông chủ của dự án này. Tuy nhiên, do bất đồng, gần đây, Vinaconex đã thoái vốn khỏi dự án và bán lại toàn bộ cho Perdana.
Biến động đó cùng với thị trường bất động sản khủng hoảng đã khiến Park City khởi công từ năm 2010 nhưng đến nay mới có 2 tòa nhà đang được xây dựng vài tầng. Dự án này từng gây sốt trên thị trường bất động sản khi riêng mỗi suất chênh tại tiểu khu Ngọc Lan đã lên tới 5-6 tỷ đồng.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh từng gây không ít ngạc nhiên trên thị trường bất động sản với một loạt dự án siêu sang, cao cấp theo lối kiến trúc Pháp cổ tại các vị trí đắc địa như mặt đường Hàng Bài (Hoàn Kiếm), Hoàng Cầu (Đống Đa), Đặng Thai Mai (Tây Hồ), Phú Thượng (Tây Hồ).... Hầu hết các tòa nhà đều được dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2013-2015.
Đến nay, mới có dự án "căn hộ dát vàng" D'.Palais De Louis trên đường Nguyễn Văn Huyên xây dựng xong phần thô, chuẩn bị hoàn thiện. Trao đổi với VnExpress.net Nguyễn Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh cho biết, dự kiến đầu năm 2015 sẽ bàn giao nhà mặc dù kế hoạch trước đó là cuối 2013. Hiện chủ đầu tư đã bán được khoảng 30% số căn hộ.
Những dự án còn lại vẫn đang trong giai đoạn triển khai khoan cọc thử để thiết kế hoặc xin cấp phép. Ông Lâm thừa nhận một số công trình của Tân Hoàng Minh chậm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do giải phóng mặt bằng hoặc vướng ở thủ tục xin giấy phép.
"Còn về tài chính, nhân lực để thi công, chúng tôi đều đã chuẩn bị đầy đủ. Bản thân doanh nghiệp cũng không muốn kéo dài thời gian thi công dự án vì rất tốn kém. Tuy nhiên, các khu đất chủ yếu nằm ở vị trí đắc địa nên thủ tục càng phức tạp hơn", ông Lâm lý giải. Lãnh đạo Tân Hoàng Minh cho rằng, đơn vị này có lợi thế là không thu tiền trước của khách hàng nên không bị sức ép về tiến độ.
Một chuyên gia trong ngành bất động sản cho rằng câu chuyện chậm tiến độ không còn là mới trên thị trường địa ốc, các công trình lớn càng không phải ngoại lệ. "Có chăng, câu hỏi chúng ta nên đặt ra là, trước đây họ dựa vào nguồn lực nào để 'vẽ' nên những dự án hoành tráng như vậy. Một số công trình may là chưa xây dựng, nếu không giờ cũng phải chịu chung số phận hạ giá, bán tháo và doanh nghiệp thua lỗ nặng hơn", vị này nhận định.
Theo chuyên gia, cũng có một số đơn vị chậm tiến độ do vướng thủ tục hành chính và xin giấy phép, đặc biệt ở những khu đất vàng. Tuy nhiên, đa số chủ đầu tư là do khó khăn về nguồn lực tài chính.
Theo Ngọc Tuyên - VnEpress
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]