Trong phiên làm việc chiều nay (24/11), Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải sẽ trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Liên quan tới viêc thí điểm ban hành thuế tài sản, báo cáo giải trình của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết: Qua thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí việc ban hành thuế tài sản, trước mắt là thuế nhà, đất để thí điểm tại Thành phố. Một số ý kiến đề nghị không ban hành Luật để áp dụng thí điểm thuế tài sản đối với Thành phố, mà cần ban hành Luật để áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, thuế tài sản là sắc thuế trực thu, có ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận người dân, đến thị trường bất động sản, đến sức cạnh tranh và môi trường đầu tư của Thành phố.
Việc thực hiện thí điểm chỉ tại Thành phố sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa người dân, người có nhà, đất trên địa bàn Thành phố với những người sở hữu nhà, đất ở các địa phương khác. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nội dung này không quy định trong Dự thảo Nghị quyết.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo định hướng về cải cách hệ thống thuế quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Trước đó, nội dung này được nhiều đải biểu quan tâm, thảo luận khi họp phiên toản thể tại hội trường về dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP.HCM.
Cụ thể, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) việc ban hành thuế tài sản áp dụng riêng và mang tính thí điểm sẽ có thể ảnh hưởng đến tính công bằng trong việc áp dụng và thực thi chính sách. Trong khi đó, một trong những nguyên tắc cơ bản ở trong pháp luật về quản lý thuế, đó là phải đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế và nếu như chúng ta chỉ áp dụng đối với người có tài sản ở TP.HCM thì rõ ràng có sự khác biệt giữa những người nộp thuế.
Bà Mai nhấn mạnh rằng, thí điểm phải có sự khác biệt nhưng khi những chính sách mang tính thí điểm đấy có thể tác động đến tâm lý cũng như lợi ích của người dân cũng hết sức thận trọng.
Lý do thứ hai theo bà Mai, đó là khi chúng ta ban hành chính sách thí điểm này có thể chưa thực sự phù hợp với mục tiêu ban hành nghị quyết này. Bà Mai giải thích, một trong những mục tiêu quan trọng nhất đối với việc ban hành nghị quyết đó là tăng cường tính hấp dẫn của TP.HCM và khắc phục được tình trạng kém thu hút đầu tư của TP.HCM trong những năm gần đây.
"Tuy nhiên, nếu có thuế tài sản áp dụng cho TP.HCM, tôi nghĩ rằng sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và chỉ số cạnh tran. Chỉ số hấp dẫn của TP.HCM trên bảng xếp hạng cũng có thể bị ảnh hưởng", bà Mai nói.
Trong khi đó, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết ông thống nhất thí điểm tăng thuế suất và thí điểm thu thuế tài sản, sau đó tổng kết nhân rộng, thống nhất không tăng tất cả các loại thuế. Vì tăng nhiều loại thuế sẽ là lợi thế trước mắt, nhưng sẽ không mang lại tính hiệu quả lâu dài. Riêng đối với thuế thu tài sản, đại biểu Tuấn đề nghị không chỉ thí điểm tại TP.HCM mà đề nghị Chính phủ cần áp dụng thí điểm tại TP. Hà Nội.