Tổng giám đốc công ty JLL Việt Nam Stephen Wyatt nhận định, chúng ta đang trong giai đoạn đầu của sự phục hồi của thị trường BĐS sau nhiều năm khó khăn và vì thế vẫn còn hơi sớm để bắt đầu đưa ra các biện pháp làm “hạ nhiệt” thị trường.
Trong buổi giao lưu trực tuyến diễn ra mới đây tại Tp.HCM, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP HDBank Phạm Quốc Thanh cho hay, nếu dự thảo này được ban hành thì tốc độ phát triển của thị trường BĐS có thể chậm lại so với giai đoạn trước đó do nguồn vốn tài trợ từ trực tiếp ngân hàng vào các dự án sẽ bị hạn chế. Ngay cả nguồn vốn huy động từ người mua nhà mà phần lớn cũng xuất phát từ tín dụng của ngân hàng cũng sẽ bị suy giảm.
Theo nhận định chung từ các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp BĐS về việc sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng và nhà đầu tư BĐS sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất khi ngân hàng siết vốn vào BĐS theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ cao, vay mua nhà sẽ khó khăn, giá BĐS tăng, từ đó nhu cầu đầu tư mua đi bán lại sẽ giảm sút gây khó khăn cho thị trường.
Nếu ngân hàng nhà nước ban hành thông tư 36 sửa đổi siết một phần vốn vào thị trường BĐS, giá nhà ở trong năm nay sẽ có biến động theo hướng tăng
Ông Lê Hữu Nghĩa, tổng giám đốc công ty địa ốc Lê Thành cũng cho rằng, nếu ngân hàng nhà nước ban hành thông tư 36 sửa đổi siết một phần vốn vào thị trường BĐS, nó sẽ ảnh hưởng ngay lập tức trong ngắn hạn đối với thị trường. Theo đó, các chủ đầu tư sẽ khó vay vốn hơn, những người mua BĐS để kinh doanh cũng sẽ khó vay vốn hơn, từ đó nhu cầu đầu tư mua đi bán lại sẽ giảm sút gây khó khăn cho thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra dự báo rằng, nếu việc sửa đổi Thông tư 36 được thực hiện, lãi suất cho vay BĐS trong thời gian tới sẽ có khả năng gây bất lợi cho các nhà kinh doanh, đầu tư BĐS và cả người mua bởi giá BĐS có thể sẽ tăng và việc vay vốn ngân hàng sẽ bị hạn chế.
Còn theo Tổng giám đốc công ty Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam Phạm Đức Toản, việc siết tín dụng vào BĐS chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường và chung quy lại mọi thiệt hại sẽ đổ lên đầu khách hàng.
Ông Toản cho biết, chủ đầu tư sẽ tăng giá bán để dùng phần đó trả lãi suất cho ngân hàng. Sau đó, phía ngân hàng sẽ chạy những chương trình cho khách hàng vay với lãi suất rẻ, song thực ra khách hàng vẫn là người phải trả hết phần chênh lệch lãi suất cao đó cho chủ đầu tư.
Đồng quan điểm trên, đại diện một doanh nghiệp BĐS khác cũng cho biết, chắc chắn giá BĐS trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động và có khả năng phải tăng nếu Thông tư 36 sửa đổi của NHNN vẫn được ban hành. Một khi các ngân hàng siết chặt tín dụng vào BĐS thì các chủ đầu tư và khách hàng sẽ phải tự điều chỉnh hay nói cách khác là sự điều tiết giữa cung và cầu.
Ông Wyatt phân tích, nếu có một biện pháp hạ nhiệt nhẹ nhàng giúp giảm bớt tín dụng một cách hợp lý thì đó sẽ là điều tốt giúp duy trì sự phát triển ổn định của thị trường BĐS. Thông tư 36 được đưa ra với mục đích chính là cố gắng giảm thiểu rủi ro cho thị trường BĐS. Vì vậy, chúng ta không thể đưa ra một sự điều chỉnh cụ thể nào từ Thông tư 36, song chúng ta có thể dựa vào tình hình của từng doanh nghiệp, cá nhân và nhà đầu tư cụ thể để áp dụng thông tư 36 theo cách phù hợp nhất.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]