Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Jen Capital nhận định: Phân khúc nhà giá rẻ, vừa túi tiền sẽ là điểm sáng của thị trường BĐS trong nửa thập kỷ tới. Ông Trân đã đưa ra hàng loạt cơ sở để đặt cược vào phân khúc này.
Thứ nhất: Tp.HCM là thành phố có tốc độ tăng trưởng GDP khá nhanh so với cả nước. GDP đầu người của Tp.HCM từ năm 2012 là dưới 2.000 USD, vào năm 2013 đạt khoảng 3.000 USD và vào năm 2014 đã tăng tốc lên 5.100 USD. Chỉ trong vòng 3 năm, GDP đầu người của Tp.HCM đã tăng cao hơn gấp đôi. Trong vòng 5 năm tới, tăng trưởng GDP của Tp.HCM được dự báo là đầy triển vọng, ước tính đạt khoảng 8.800 USD, là cơ sở thúc đẩy nhu cầu sở hữu nhà (đặc biệt là căn nhà đầu tiên, thuộc phân khúc nhà giá rẻ, vừa túi tiền).
Thứ hai: Theo đánh giá của World Bank, mức chi trả hàng tháng cho việc mua nhà của một hộ dân trung bình bằng 30 - 35% tổng thu nhập của cả gia đình. Khả năng chi trả thể hiện qua việc tính thu nhập bình quân đầu người so với giá căn hộ (hay còn gọi là chỉ số MMI - Median Multiple Index) của Tp.HCM đang có xuất phát điểm ở ngưỡng 3,4. Đây là vùng khả năng chi trả phù hợp với phân khúc nhà giá rẻ, vừa túi tiền và trung bình. So với các đô thị phát triển cảu các nước trong khu vực châu Á, chỉ số MMI của Tp.HCM hiện có xuất phát điểm khá thấp (xếp dưới Singapore, Shanghai, Seoul, Tokyo và Hong Kong). Điều này cho thấy, khả năng chi trả của người dân Tp.HCM thực tế đáp ứng phần lớn phân khúc nhà giá rẻ.
Thứ ba: Tp.HCM hiện có 61% dân số dưới 40 tuổi (theo số liệu từ World Bank) song nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng này vẫn còn thiếu. Với quy mô dân số 10 triệu người, trong đó có khoảng 2 triệu người là lao động nhập cư cùng với 50.000 cặp vợ chồng kết hôn hàng năm đều trong độ tuổi cần mua căn nhà đầu tiên. Đây chính là lợi thế cực lớn để Tp.HCM phát triển phân khúc BĐS giá trung bình.
Nhà giá rẻ, vừa túi tiền được dự báo sẽ vẫn hấp dẫn trong 5 - 10 năm tới để đáp ứng được nhu cầu
và khả năng thanh toán của đại đa số người dân Tp.HCM. Ảnh: Vũ Lê
Thứ tư: Giá căn hộ bình dân tại Tp.HCM vẫn giữ mức ổn định trong suốt thời gian thị trường BĐS rơi vào khủng hoảng cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu hồi phục (năm 2008 - 2014). Vào giai đoạn này, tỷ lệ hấp thu chung cư giá rẻ luôn được duy trì ở mức cao. Trong vài năm tới, loại hình căn hộ vừa túi tiền được dự báo vẫn sẽ ít biến động về giá so với các phân khúc chung cư còn lại (trung - cao cấp và hạng sang).
Thứ năm: Diện tích căn hộ tại Tp.HCM đang điều chỉnh theo hướng nhỏ gọn hơn, đưa tổng giá trị căn hộ về ngưỡng dễ chi trả hơn, sát với khả năng thanh toán của người mua hơn. Nếu trước năm 2010, diện tích nhà ở phổ biến là 65 - 300 m2 thì hiện nay diện tích căn hộ trung bình ở mức 48 - 150 m2. Diện tích nhỏ hơn nhưng các chủ đầu tư lại chăm chút kỹ lưỡng hơn đến việc thiết kế, tạo không gian sống hợp lý, năng động và linh hoạt hơn. Điều này càng giúp căn hộ giá rẻ dễ tiếp cận với nhóm khách hàng tiềm năng.
Thứ sáu: Cơ cấu chi phí cho căn hộ thuộc phân khúc trung bình hiện nay khá ổn định. Theo đó, chi phí đất vào khoảng 17%, phí xây dựng vào khoảng 66% (bao gồm cả các hạng mục ngoài công trình) và phí tư vấn vào khoảng 17% (gồm có các đầu việc như thiết kế, quản lý dự án...). Mức lợi nhuận thu được của phân khúc này dao động khoảng 10% và có thể tăng lên nếu như chủ đầu tư chuyên phát triển một dòng sản phẩm, tiết kiệm các chi phí tư vấn và tận dụng được quy trình xây dựng khép kín.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long thậm chí còn đánh giá cơ hội của thị trường nhà giá rẻ tại Tp.HCM còn rất lớn trong 10 năm tới.
Ông Quang cho hay, xét về bài toán nhà ở đô thị, ước tính mỗi năm Tp.HCM có nhu cầu khoảng 70.000 - 100.000 căn hộ. Nguồn cung căn hộ tuy đã tăng lên đáng kể vào năm 2014 nhưng chỉ có 14.000 căn tung ra thị trường ở tất cả phân khúc. Ngay cả năm 2015, nếu lượng sản phẩm tung ra tăng đột biến thì cũng chỉ là việc các doanh nghiệp chạy đua đáp ứng nguồn cầu tiềm năng trong tương lai.
Vị chuyên gia này cho rằng, tùy từng phân khúc mà cung - cầu cũng khác nhau. Tuy nhiên, thị trường nhà giá rẻ sẽ ít có biến động, mang tính bền vững hơn và đầy cơ hội so với các phân khúc cao cấp và hạng sang. Lý do là vì phân khúc này đáp ứng được ngưỡng chi trả của đại đa số người dân đô thị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hưng Thịnh tin tưởng rằng, phân khúc nhà vừa túi tiền cho giới trẻ (8x - 9x) sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian 5 năm tới.
Nhóm khách hàng tiềm năng của phân khúc này là những người ở độ tuổi 26 - 35. Sẽ có 2 phân kỳ, giai đoạn 26 - 30 tuổi là thời kỳ các bạn trẻ mới ra trường đi làm được vài năm. Giai đoạn 30 - 35 tuổi là thời kỳ họ đã ổn định được sự nghiệp. Giai đoạn thứ 2 chính là giai đoạn người trẻ tuổi có nhu cầu mua nhà lớn tại các đô thị phát triển và thực tế đã chứng minh, nguồn cung phân khúc này có tỷ lệ hấp thụ rất cao, đạt 90%.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]