Vay tín dụng với lãi suất dự kiến 6-7,5%/năm
"Nếu gói tín dụng này được chấp thuận, có thể chỉ trong 1 thời gian ngắn, các ngân hàng có thể giải ngân vài chục nghìn tỷ đồng", ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết.
Gói hỗ trợ mới này sẽ hướng đến những người có thu nhập trung bình khá trở lên, khác với gói 30.000 tỷ đồng chỉ được vay mua nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, tất cả phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, hoặc có nhà ở nhưng diện tích quá chật chội. Đối tượng được vay để mua căn hộ chung cư cao cấp, trung cấp và nhà liền kề trong gói hỗ trợ này là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang...
Chỉ có số ít người thực sự kỳ vọng vào gói tín dụng mới.
Đại diện NHNN cũng cho biết, ngoài vốn tự có của người mua, gói hỗ trợ này sẽ có mức cho vay tối đa lên tới 75% tổng giá trị hợp đồng. Các phương án lãi suất dự kiến đưa ra dao động từ 6-7,5%/năm. Hạn mức tối đa mỗi khách hàng là 2 tỷ đồng và thời hạn cho vay kéo dài 10 năm.
Thông tin này đã khiến nhiều người thuộc nhóm đối tượng được vay vốn phấn khởi vì cơ hội mua nhà được mở rộng, điều kiện sinh sống của gia đình cũng sẽ tốt hơn. Một khách hàng, anh Trịnh Hoàng Lâm, cán bộ công chức ngành công thương chia sẻ: "Tôi đang sống trong một căn hộ ở khu tập thể Kim Liên nhưng diện tích quá hẹp, hiện gia đình cũng đang có nhu cầu mua một căn hộ chung cư gần nội đô nhưng điều kiện vật chất không cho phép. Nếu được vay gói tín dụng với mức lãi suất khoảng 7% thì tôi sẽ đăng ký vay ngay nhưng vẫn băn khoăn không biết yêu cầu, thủ tục như thế nào".
Vẫn còn lắm nghi ngại
Thông tin về gói tín dụng được đưa ra đã đem lại niềm vui cho nhiều người nhưng không ít người cũng đặt câu hỏi liệu việc triển khai có thực sự thuận lợi bởi với gói tín dụng hỗ trợ mua nhà trước đây, nhiều người đã phải lắc đầu ngao ngán vì quá nhiều thủ tục.
Một giám đốc của một ngân hàng thương mại chia sẻ, các ngân hàng thương mại cũng là đơn vị kinh doanh nên cũng phải tính toán về lời lãi. Nguồn tiền của ngân hàng rất ít tiền gửi trung, dài hạn nên nếu dồn tiền cho vay như vậy sẽ gây mất cân đối.
Về phía đối tượng nằm trong diện được vay vốn cũng có nhiều lo lắng. Một khách hàng là cán bộ thuộc lực lượng vũ trang lo lắng: "Nếu yêu cầu mức thu nhập của gia đình khoảng 25 triệu đồng/tháng mới được vay thì cũng là một trở ngại lớn vì thu nhập từ lương của tôi chưa tới 10 triệu đồng. Còn với đối tượng công tác trong lực lượng vũ trang thuộc đối tượng được vay nhưng lại yêu cầu vợ thu nhập 15 triệu đồng trở lên thì quả là rất khó".
Việc xác định đối tượng và điều kiện vay vốn cần hết sức cụ thể, có như vậy, quá trình triển khai mới đồng nhất, giảm được nhiều khâu rườm rà khi đi vay. Theo bà Đào Hải Ninh, giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông - MDB, Chi nhánh Hà Nội, cần phải xác định được tiêu chí thế nào là thu nhập khá trở lên?
"Lãi suất cho vay nên cố định ít nhất trong 6 tháng đến 1 năm khi bắt đầu triển khai. Sau đó phải điều chỉnh theo thị trường, có thể lấy lãi suất bình quân trên thị trường cộng với biên độ 2,5%. Ở mức này, ngân hàng không bị lỗ cũng như không có lãi nhưng vẫn thể hiện được sự trách nhiệm với xã hội", bà Ninh cũng cho biết thêm.
Các ngân hàng thương mại cũng cần được phân ra làm 3 nhóm để việc cho vay trở nên khả thi hơn: Với nhóm mạnh, NHNN có thể yêu cầu đảm bảo 20% tổng dư nợ tín dụng hàng năm dành cho gói hỗ trợ, nhóm trung bình là 15% và nhóm yếu là 10% tổng dư nợ.
Theo Batdongsan.com.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]