Hai năm trước, truyền thông Việt Nam xôn xao trước việc doanh nhân Sài Gòn Phạm Đình Nguyên đã mua được thị trấn nhỏ Buford ở Mỹ với giá khoảng 900 ngàn USD. Việc mua bán thông qua một cuộc đấu giá công khai.
Anh Nguyên cho biết, quá trình mua từ lúc có ý tưởng đến khi hoàn tất diễn ra khá nhanh chóng. Điều đặc biệt, khi tham dự và mua thành công thị trấn này cũng là lần đầu tiên anh Nguyên đến Mỹ.
Thương vụ “mua cả một thị trấn” gây chấn động trên báo chí Việt Nam nhưng theo chính “thân chủ” lại là điều rất bình thường ở Mỹ vì bất cứ ai cũng có thể sở hữu bất động sản. Luật pháp Hoa Kỳ quy định về BĐS rất chặt chẽ, rõ ràng, do vậy, quá trình mua bán của một người chưa bao giờ đặt chân đến Mỹ vẫn diễn ra hết sức thuận lợi.
Trước đó, vào năm 2010, một tập đoàn dịch vụ BĐS nước ngoài cũng gây chú ý khi chào bán dự án căn hộ cao cấp với giá khoảng 1 triệu USD mỗi căn hộ tại Luân Đôn – Anh Quốc tới người Hà Nội. Với việc bán thành công ở Thái Lan, Malaysia, chủ đầu tư rất hy vọng thị trường Việt Nam sẽ có khách. Và thực tế dự án này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều đại gia Việt Nam.
Ngoài sự hấp dẫn của bản thân dự án, điều khiến dự án triệu đô hút khách chính là cơ chế sở hữu bất động sản quá rộng mở cho người Việt. Theo đại điện chủ đầu tư dường như không có hạn chế nào về việc người nước ngoài mua nhà ở Anh. Thậm chí, đây còn được xem là một kênh đầu tư nên: nếu người nước ngoài mua nhà giá từ 1 triệu bảng Anh trở lên sẽ được cấp visa thường xuyên vào nước này. Khách hàng ngoại quốc mua nhà từ 2 triệu bảng trở lên, sau 4 năm không chuyển nhượng sẽ được xem xét nhập quốc tịch Anh.
Năm 2013, một tập đoàn BĐS lớn của Singapore cũng chào bán căn hộ cao cấp của 3 dự án ở Singapore đến khách hàng Việt Nam. Hiện ở Singapore, người nước ngoài chỉ không được mua nhà ở xã hội, còn không có bất kì hạn chế nào đối với việc sở hữu bất động sản. Mới đây, chính phủ Singapore còn mở rộng luật về sở hữu bất động sản cho người nước ngoài và cho phép người nước ngoài được mua cả biệt thự gắn liền với đất ở những khu vực được quy hoạch.
Thực tế, đã có một làn sóng người Việt đầu tư mua nhà ở nước ngoài. Theo thống kê của Coldwell Banker Singapore, trong năm 2010, tỷ lệ người Việt mua nhà ở Singapore chiếm đến 3,2% các giao dịch bất động sản của đảo quốc này. Làn sóng đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Mỹ của người Việt cũng có, dù chưa có những con số thống kê chính thức.
Chuyện cần làm của hội nhập
Nêu ra những ví dụ trên để thấy, việc cho người nước ngoài mua nhà là việc đã trở nên bình thường ở hầu hết các nước trên thế giới. Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà cũng trở thành một kênh kích thích đầu tư, thu hút nguồn vốn và phát triển dịch vụ. Hơn thế, đây còn được xem là một tiêu chí đánh giá sự hội nhập và môi trường kinh doanh quốc tế của quốc gia đó. Thực tế, người Việt Nam đi ra nước ngoài mua nhà đã được hưởng lợi từ việc này.
Cũng trong xu hướng đó, dự thảo của Luật Nhà ở đã quy định mở quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức cá nhân nước ngoài và đặc biệt là quy định mang tính đột phá: cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh có quyền sở hữu nhà ở Việt Nam.
Ngay sau khi dự thảo ra đời, dự thảo đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều bên: từ các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, DN và nhiều ĐBQH. Quan điểm chung của các bên là việc cho phép bán nhà ở cho người nước ngoài, vừa thể hiện xu hướng hội nhập của nền kinh tế ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới, đồng thời cũng giúp kích cầu thị trường bất động sản. Đây là một thông lệ của các nước, Việt Nam trước sau cũng phải làm trong xu hướng hội nhập.
Nói về vấn đề này, mới đây, Bộ trưởng Xây Dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc mở thị trường nhà ở cho người nước ngoài nó đáp ứng được nhiều mục tiêu, trước hết là để phát triển kinh tế, và nếu phát triển kinh tế được thì chúng ta mới giải quyết được các vấn đề xã hội, bởi vì người nước ngoài vào mua nhà ở VN thì đây là một kênh đầu tư và chúng ta xuất khẩu tại chỗ một sản phẩm mà chúng ta có khả năng làm được. Thông lệ quốc tế thì nhiều nước họ đã mở cửa cho người nước ngoài mua nhà”.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, nếu chúng ta hạn chế là tự trói chân, vừa không thu hút được ngoại tệ, vừa lãng phí nguồn lực trong nước. Vì vậy, nên cho mua nhà không hạn chế số lượng để đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ. Nếu mua nhà mà không ở, cho mượn hay cho thuê sẽ bị đánh thuế cao, nhà nước cũng có thêm nguồn thu.
Một người có kinh nghiệm lâu năm về đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói: Việt Nam đang mở cửa, kêu gọi đầu tư nước ngoài, Nhà nước cũng cấp phép đầu tư các khu đô thị lớn hàng trăm ha cho người nước ngoài, thậm chí dự án hàng trăm triệu USD vẫn được sang nhượng, trong khi lại hạn chế người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là chưa hợp lý.
Với yêu cầu của thời kỳ hội nhập, đòi hỏi của thực tế thì việc mở cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam - trước hết là một việc cần làm và làm tốt để tạo ra động lực mới cho sự phát triển của thị trường BĐS nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]