Quy hoạch 200ha: 1 dự án lập hồ sơ đầu tư
Theo báo cáo của UBND quận 9, quy hoạch quận có gần 200ha thuộc dự án của một số trường đại học, trường cao đẳng, trường chuyên ngành và ký túc xá dự kiến xây mới gồm có: Trường ĐH Kinh tế (50 ha), Trường ĐH Kiến trúc (quy mô 40 ha), ĐH Marketing (15 ha), Trường ĐH Luật (30 ha), Nhạc viện TP (20 ha), Trường Đào tạo cán bộ ngành giáo dục TP (5 ha), Học viện Tư pháp (9 ha), Trường CĐ và ĐH Nguyễn Tất Thành (14 ha), Trường CĐ Tài chính hải quan (21 ha) và ký túc xá Trường Bưu chính viễn thông…
Nhưng cho tới nay mới chỉ có Trường ĐH Luật đang lập hồ sơ triển khai dự án, một số trường khác vẫn chưa triển khai dù đã được Tp.HCM giao đất. Số còn lại đều "treo", chưa thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai dự án.
Lãnh đạo quận 9 lý giải, những dự án trên đều có quy mô lớn, nên nếu dự án kéo dài không thực hiện sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân. Vì vậy, UBND quận 9 đã kiến nghị Tp.HCM chỉ đạo các sở, ngành rà soát nhu cầu đầu tư và quy mô đầu tư để có sự điều chỉnh phù hợp, nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án, cũng như đảm bảo cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án này.
Trước thực trạng nêu trên, ông Phong cho rằng tổng diện tích gần 200ha là không ít, đời sống người dân càng khó khăn hơn và dễ dẫn đến bức xúc nếu cứ để “treo” lâu dài. Lãnh đạo chính quyền Tp.HCM yêu cầu quận 9 phải quan tâm và theo sát để kịp thời báo cáo thành phố tháo gỡ, xử lý. Trong trường hợp dự án được giao lâu vẫn chưa thực hiện phải thu hồi theo quy định.
Nhiều dự án 'treo" lâu năm tại khu Đông Tp.HCM
Bức tranh sáng - tối
Những năm gần đây, cửa ngõ phía Đông Tp.HCM được xem là một trong những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của thành phố, với hàng loạt công trình hạ tầng được đầu tư đưa vào sử dụng. Nhưng báo cáo của quận 9 với UBND Tp.HCM cho thấy, đến nay hàng loạt dự án được giao đất tại các quận thuộc khu Đông (Thủ Đức, quận 2, quận 9 ) vẫn không triển khai, gây tình trạng hoang hóa, lãng phí.
Theo khảo sát của PV, thị trường BĐS tại khu Đông chỉ thực sự "nóng" tại quận 2, khi một loạt dự án cao cấp đang chạy đua tiến độ cùng dự án tuyến metro số 1. Cụ thể, ngay sau khi xuống khỏi chân cầu Sài Gòn đến đầu cầu Rạch Chiếc, hướng từ quận Bình Thạnh đi Thủ Đức, hàng loạt dự án đất nền, nhà ở cao cấp đang gấp rút xây dựng hoàn thiện để kịp bàn giao nhà cho khách hàng vào cuối năm 2016.
Cùng với đó, theo dự báo từ nay đến cuối năm, các "ông lớn" như Him Lam Land, Hưng Thịnh, Novaland, Capitaland và Điền Phúc Thành sẽ ồ ạt tung ra thị trường nhiều dự án nhà phố, đất nền có diện tích khá lớn tại khu vực này.
Nhưng nếu đi sâu hơn một chút khoảng từ 5-7km, đặc biệt là khu vực nằm cách xa tuyến đường metro tại quận Thủ Đức, quận 9 thì tình hình dự án "treo" hoặc đầu tư dang dở rồi bỏ hoang vẫn còn nằm la liệt. Thậm chí, nhiều dự án đã triển khai xây dựng cách đây hơn chục năm nhưng đến nay vẫn là những khối bê tông đen sì hay là những dãy biệt thự hoang tàn.
Đơn cử, dự án nhà ở Đông Tăng Long được triển khai hơn 10 năm nay nhưng hiện nay vẫn còn ngổn ngang, chỉ có một số ít nhà được xây dựng, còn lại vẫn trong tình trang hoang hóa. Đồng cảnh ngộ, dự án nhà ở của Công ty Phát triển nhà Phú Nhuận cũng chỉ có một vài nhà xây dựng, còn lại bỏ không.
Hay dự án Khu dân cư Tam Bình 2 (khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, Tp.HCM) được kiến trúc sư trưởng Tp.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 từ năm 2003, song đến nay vẫn chưa rục rịch triển khai. Hàng trăm hộ dân nằm trong quy hoạch “dài cổ” chờ ngày dự án thực hiện. Thế nhưng sau 10 năm, dự án mới chỉ nằm trên giấy.
Một dự án khác cũng gây nhiều bức xúc cho người dân nằm trong khu quy hoạch là dự án ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đến giữa năm 2016, cơ quan có thẩm quyền cho biết vẫn đang bố trí vốn để cắm mốc.
Dự án này chạy dài qua 3 khu phố 2, 6, 7 và đang trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng chục nghìn người dân. Vì không được làm đường nên các hộ dân tự đổ đất, đá hình thành con đường mòn ngay trên đất của ga Bình Triệu.
Đáng nói, 112 căn biệt thự do Công ty CP Tập đoàn Hà Đô thuộc khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) xây dựng đã hình thành nhiều dãy nhà biệt thự nằm ngay những con đường nội bộ đẹp mắt. Song, các khu nhà này giờ đang xuống cấp nặng do bị bỏ hoang phế nhiều năm, bên trong được rào kín, một số nơi trở thành điểm chụp hình cưới lý tưởng cho những đôi vợ chồng sắp cưới…
Bên cạnh đó, hiện công ty Đức Khải cũng đang “ôm” một diện tích đất hơn 23 nghìn m2 nằm cạnh dự án Đảo Kim Cương để thực hiện dự án khu dân cư và khu nhà ở Bình Trưng Tây, với tổng số vốn đầu tư 1.080 tỷ đồng. Nhưng nhiều năm qua, dự án này vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện bất cứ hạng mục nào ngoài bờ tường rào bao quanh toàn bộ dự án, ngay cả bảng hiệu dự án ngoài cổng chính cũng rơi mất, một số nơi khác cũng bắt đầu xuống cấp.
Nói về nguyên nhân các dự án đang bị ngưng triển khai, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu lý giải, nhiều dự án nhà ở không thể triển khai được do vướng khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, song phần còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được. Do khâu bồi thường trì trệ, kéo dài, không dứt điểm nên dự án rơi vào trạng thái “đắp chiếu”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]