Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân quan niệm người dân Việt Nam đa phần vẫn coi các con số 4, 13, 14 là những số không may mắn. Điều này xuất phát từ sự du nhập văn hóa từ nước ngoài, hiểu theo cách phong thủy nửa vời, ấu trĩ.
Số 4 theo phát âm của Trung Quốc là tứ; 14 là thập tứ nghe gần giống thập tử. Điều này cũng tương tự việc mọi người thích số 68, phát âm là lục bát gần với lộc phát. Còn việc kỵ số 13 là do ảnh hưởng văn hóa phương Tây, quan niệm thứ 6 ngày 13 ngày được xem là ngày đen tối.
Dù không có căn cứ khoa học, nhưng những quan niệm “văn hóa” này đã ăn sâu vào tâm lý người dân. Để bán những căn hộ “xấu số”, CĐT thường giảm giá hoặc đặt mã số căn hộ theo cách riêng, tránh những con số này. Điều này có thể dẫn đến những câu chuyện “dở khóc, dở cười” khi người mua không biết những thủ thuật của CĐT.
Câu chuyện mới đây xảy ra tại một chung cư tái định cư Quận 7. Nhiều người khi mua căn hộ không hề biết CĐT đã “đổi tên” các tầng thực tế là 4, 13, 14 thành tầng 5, 16, 17 trên giấy. Khi Ủy ban Nhân dân Quận 7 cấp Chứng nhận số nhà cho các căn hộ theo quy định thì CĐT đã thông báo việc đổi số căn hộ cho người dân. Việc này đã gặp phải phản ứng gay gắt từ phía cư dân, đặc biệt là những người mua số lộc (tầng 16) bỗng dưng thành số tử (tầng 13). Ban Quản lý chung cư đã phải làm dịu tình hình bằng cách đổi lại số theo hợp đồng trong lúc chờ… quyết định mới của cơ quan chức năng!
Thực tế tại một số chung cư, việc thay đổi số căn hộ khá phổ biến. Thay vì để các con số 4, 13, 14… CĐT có thể chèn thêm ký tự A, B hoặc đánh “nhảy số”. Theo đó, tầng 13, 14 có thể thành tầng 12A, 12B hoặc số tầng từ tầng 12 nhảy lên tầng 15. Cũng có trường hợp trên mặt bằng của mỗi sàn căn hộ CĐT cho đánh mã số căn hộ nhảy từ 12 qua 14 mà không có căn hộ số 13 hoặc đánh những căn hộ cùng diện tích, thiết kế chung một mã số…
Để “bịt” đường cãi lại của người dân, một CĐT đã dùng chiêu thêm những ghi chú mà khách hàng không tìm hiểu kỹ sẽ dễ bỏ qua. Trong hợp đồng, bên cạnh ký hiệu tầng theo “cách đặt tên riêng” CĐT còn ghi thêm địa chỉ sẽ theo chứng nhận số nhà do Ủy ban Nhân dân Quận cấp.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho rằng chuyện tự ý “đổi số nhà” chẳng khác nào lừa dối khách hàng. Vì CĐT quá biết rõ nếu để số tầng, số nhà đúng theo quy định thì các căn hộ dính số 4, 13, 14 sẽ khó bán hoặc phải bán rẻ mới có khách hàng mua. Cho nên khách hàng trước khi ký hợp đồng phải xem kỹ quyết định phê duyệt dự án và đối chiếu với số tầng, số căn hộ mà CĐT bán ra có khớp nhau không để tránh rắc rối về sau.
Luật sư Nguyễn Văn Trường, trưởng văn phòng luật sư Trường cho biết, hiện nay, việc đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn TP HCM được thực hiện theo quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2012. Sau đó, ngày 20 tháng 8 năm 2012, Sở Xây dựng cũng đã có văn bản số 6278/SXD-QLN&CS hướng dẫn nghiệp vụ về công tác đánh số và gắn biển số nhà.
Theo đó, nguyên tắc đánh số tầng, số căn hộ chung cư được quy định như sau:
“1. Đánh số tầng:
a) Số tầng được đánh theo chiều từ dưới lên trên theo dãy số tự nhiên, bắt đầu từ số 0 đối với tầng trệt, số 1 đối với lầu 1 (không tính tầng hầm).
b) Trường hợp lô chung cư có tầng hầm thì đánh số tầng hầm theo chiều từ trên xuống, bắt đầu từ tầng hầm trên cùng sát với tầng trệt, lấy số từ H1, H2, H3…
2. Đánh số căn hộ:
a) Số căn hộ gồm số tầng và số thứ tự của căn hộ, gồm hai chữ số được đánh theo dãy số tự nhiên, bắt đầu từ số 01 đối với căn hộ đầu tiên tính từ cầu thang chính và hành lang chung. Giữa số tầng và số căn hộ được phân cách bằng dấu chấm (.).”
Như vậy, cách đánh số kèm ký hiệu A, B hay “nhảy số” tại các chung cư là không phù hợp với quy định hiện hành. Điều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho người dân không chỉ về mặt quan niệm số xấu – tốt mà ngay cả những công việc liên quan đến thủ tục hành chính cũng bị ảnh hưởng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]