Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát dự án phát triển bất động sản trên cả nước. Các dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với kế hoạch phát triển của địa phương thì tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất, đồng thời cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm tránh để đất trống.
“Cần kiên quyết tạm dừng, dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như nhu cầu của địa phương”, Bộ trưởng Dũng kiến nghị.
Bộ trưởng Xây dựng cũng đề nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới trong năm 2014. Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải thống nhất với Bộ Xây dựng và xin ý kiến Thủ tướng.
Các dự án chưa mở bán còn nợ tiền sử dụng đất có giá thị trường thấp hơn suất đầu tư thì được phép tính lại tiền sử dụng đất theo mặt bằng giá hiện nay và không phải nộp phạt do chậm nộp tiền sử dụng đất.
Trước đề xuất dừng cấp phép các dự án nhà ở thương mại mới của Bộ Xây dựng, một số chuyên gia cho rằng đây là biện pháp phi thị trường. Theo các chuyên gia này, Bộ Xây dựng đã đánh giá thị trường BĐS đang ấm lên thì tại sao phải dừng cấp phép dự án mới?
Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định đây là một đề nghị phù hợp với thị trường hiện nay.
"Như chúng ta đã biết chúng ta đang phát triển một nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Tức là cùng một lúc chúng ta phải tôn trọng các yếu tố thị trường nhưng cũng không thể né tránh can thiệp của nhà nước, tức là cả bàn tay vô hình của thị trường và bàn tay hữu hình của Nhà nước để làm thị trường phát triển một cách lành mạnh. Một bài học là trong một thời gian dài chúng ta đã quá tin tưởng thị trường, tư tưởng thị trường hóa ở trong quá trình quản lý cho nên thị trường phát triển tự phát, phong trào. Điều này dẫn đến khó khăn của thị trường BĐS trong thời gian vừa qua. Đến hôm nay chúng ta vẫn còn đang rất nặng nề để tháo gỡ khó khăn cho nó", Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, "Hiện nay chúng ta biết cả nước có trên 4.000 dự án nhà ở, trong đó sử dụng tới 102.000 ha đất, nếu đầu tư hết tất cả các dự án này thì cần phải cần khoảng 4,5 triệu tỷ đồng, và sẽ tạo ra xấp xỉ 3 triệu căn hộ. Và nếu như vậy chúng ta thấy rằng với khả năng nền kinh tế của chúng ta thì không thể nào trong một thời gian trung hạn mà có thể giải quyết được khối lượng lớn các dự án như vậy."
"Hiện nay, nhiều dự án được cấp phép rồi nhưng đã dừng triển khai, chẳng hạn như TP HCM có 689 dự án tương đương hơn 7.000 ha đất, Hà Nội có khoảng gần 100 dự án dừng triển khai. Như vậy, trong khi chúng ta đang phải dừng các dự án đã cấp phép rồi thì không có lý do gì chúng ta lại cấp phép các dự án mới". Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, đề nghị không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới này là đề nghị trong năm 2014.
Được biết, trước đó tại phiêp họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì ngày 18/4, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh tồn kho lớn, cần tập trung nguồn lực để giải quyết. Các địa phương cần tiếp tục rà soát theo Chỉ thị 2196, ưu tiên tín dụng hoàn thành các dự án dở dang. Nếu dồn sức cho công trình mới thì sẽ dẫn đến bất động sản tiếp tục tồn kho, kinh tế khó khăn.
"Dự án mới xin triển khai, trình bày thì rất tốt, cuối cùng không bán được bỏ đấy lại điệp khúc xin lỗi. Dù nói việc chuẩn bị đã triển khai, tiền đầu tư trước giai đoạn chờ xin cấp phép đã nhiều lại bị dừng thì cũng đành chịu”, Phó Thủ tướng thẳng thắn.
Theo phó thủ tướng, cần dừng cấp phép dự án mới để giải phóng hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho địa ốc. Chỉ các dự án hết sức đặc biệt mới được triển khai. Đối với dự án mới trình Thủ tướng Bộ Xây dựng cần tiếp kiểm tra, rà soát.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]