Từ câu chuyện cái bắp cải...
Tại các vùng trồng rau quanh Hà Nội như Thạch Thất, Đông Anh, Mê Linh… xa hơn là Hải Dương, Vĩnh Phúc…, bắp cải đang giữ mức giá cao nhất kể từ thời điểm sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay. Hiện giá bắp cải đang dao động khoảng 4.000 - 4.500 đ/kg.
Trong khi đó, giá bắp cải tại các chợ nội thành tại Hà Nội khoảng 10.000 - 11.000 đ/kg mặc dù các vùng trồng rau chỉ cách Hà Nội khoảng 30 - 50 km. Câu hỏi đặt ra là, tại sao lại có sự chênh giá gấp gần 3 lần giá gốc như vậy?
Người bán lẻ nhập hàng với giá 8.000đ/kg họ bán tại các chợ cho người tiêu dùng với giá 11.000đ/kg, người bán lẻ cũng lãi được 3.000đ/kg (đây là người lãi nhất) so với giá bán tại chợ đầu mối.
Theo hành trình về giá bắp cải từ người trồng đến người tiêu dùng như trên, có thể thấy, tuy chỉ cách nhau chưa đến 50 km nhưng giá bắp cải đã đội lên đến gần 3 lần giá nguyên gốc. Trong khâu lưu thông này, người tiêu dùng và người nông dân là những người phải chịu thiệt thòi, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.
Dưới góc độ lý thuyết kinh tế, ai cũng biết rằng, "đường đi" của bắp cải từ ruộng đến người tiêu dùng hiện nay vẫn còn phải qua khá nhiều khâu trung gian (từ người trồng rau đến thương lái, từ thương lái đến người bán lẻ, hoặc nhà phân phối rồi mới đến người tiêu dùng). "Và cứ mỗi lần qua một "cầu" trung gian như vậy, giá của 1kg bắp cải lại bị đẩy lên một lần, càng qua nhiều "cầu" giá càng bị đẩy lên cao hơn, chí ít là để bù đắp "chi phí lưu thông". Do đó, việc giá bắp cải bị đẩy lên cao cũng là điều dễ hiểu” – một chuyên gia kinh tế nhận định.
Đến chuỗi liên kết của gói 50.000 tỷ đồng
Ngày 25/03/2014, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) phối hợp với Tập đoàn Thiên Thanh, tổ chức buổi họp báo về "phát triển thị trường ngành xây dựng chuyên nghiệp".
Tại cuộc họp báo này, VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh đã giới thiệu gói tín dụng 50.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, với sự tham gia 10 ngân hàng thông qua hình thức liên kết giữa nhà đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng vật liệu xây dựng và ngân hàng.
Từ trước đến nay, đối với các dự án lớn, nhà thầu thường ký các hợp đồng trực tiếp với nhà sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng nhằm giảm chi phí khâu trung gian, chủ động nguyên vật liệu đáp ứng tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, nhìn vào chuỗi liên kết của gói 50.000 tỷ đồng có thể dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện của một khâu trung gian trong quá trình lưu thông, đó là “nhà tổ chức cung ứng - sàn giao dịch vật liệu xây dựng".
Như vậy là, tương tự hành trình của cây bắp cải, sự xuất hiện và tham gia vào chuỗi liên kết của "khâu trung gian" này chắc chắn sẽ làm tăng "chi phí lưu thông". Bởi vì “nhà tổ chức cung ứng - sàn giao dịch vật liệu xây dựng” cũng phải tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, phải đầu tư và cũng phải thu về lợi nhuận nhất định.
Chuỗi liên kết của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng.
Thoạt nghe, điều đó thật sự hữu ích, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm, nhiều chủ đầu tư suy kiệt về tài chính. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nhìn kỹ thì có thể thấy ngay rằng, chi phí ngân hàng có thể được giảm 1-2%, nhưng không thể không tính đến việc "chi phí lưu thông" (do có sự tham gia của khâu trung gian) có thể tăng lên gấp vài lần mức ưu đãi của ngân hàng.
Như vậy là, giá bán căn hộ không những không giảm mà có khi lại tăng thêm. Chưa kể đến "yếu tố độc quyền" cung ứng, thậm chí là ép giá của “nhà tổ chức cung ứng - sàn giao dịch vật liệu xây dựng” trong chuỗi liên kết này.
"Trong hoạt động kinh doanh, việc lược bỏ bớt các khâu trung gian là rất quan trọng. Thế nhưng, với gói 50.000 tỷ đồng thì ngược lại. Chuỗi liên kết này xuất hiện thêm một "khâu trung gian". Đây chính là yếu tố bất hợp lý trong chuỗi liên kết của gói tín dụng 50.000 tỷ đồng" - một chuyên gia kinh tế nhận định.
Tại buổi giới thiệu về gói 50.000 tỷ đồng, Thiên Thanh đã thể hiện rõ tham vọng "hướng tới là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng, chủ trì xây dựng sàn kinh doanh vật liệu xây dựng - trang thiết bị nội thất nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu vật liệu xây dựng là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất trên cả nước”. Phải chăng, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng chỉ là bước đi ban đầu trong một chuỗi vận động của Thiên Thanh nhằm hiện thực hoá tham vọng của mình?
Nếu như giá của một 1kg bắp cải khi "qua tay" thương lái, bán lẻ để đến tay người tiêu dùng đã tăng gấp 3 lần, thì với bất động sản, sau khi qua "khâu trung gian" với sự liên kết chặt chẽ nêu trên sẽ tăng gấp bao nhiêu lần? Liệu "gói 50.000 tỷ" có thực sự nhằm kích hoạt, "giải cứu" thị trường bất động sản, giúp cho những người thu nhập thấp có thể mua nhà?!
Theo Doisongphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]