Sự việc ông Nguyễn Văn Tuẫn nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XNK và đầu tư phát triển HN bị bắt liên quan đến sử dụng gần 200 tỷ đồng tiền góp vốn mua nhà của khách hàng tại dự án B5 Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội đã gây trấn động thị trường bất động sản tuần qua.
Hàng loạt những bê bối của dự án do hai công ty liên doanh chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV XNK và đầu tư phát triển HN và công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing (TĐ Housing) đã bị báo chí phanh phui.
Căn cứ hồ sơ pháp lý dự án, dự án B5 Cầu Diễn là dự án tái định cư phục vụ cho việc phát triển giao thông Hà Nội. Đây là dự án thành phần trong khu đô thị thành phố giao lưu. Trong đó, dự án CT5 do hai liên doanh làm chủ đầu tư bao gồm 4 tổ hợp chung cư được phê duyệt 11 đến 21 tầng. Tuy nhiên để dễ dàng huy động vốn của khách hàng, chủ đầu tư đã tự vẽ ra bản thiết kế bao gồm 4 tòa nhà cao từ 28 đến 32 tầng và bán khống hơn 1.000 căn hộ thu về vài trăm tỷ đồng.
Các khách hàng mua nhà dự án B5 Cầu Diễn không chỉ phải đối mặt với nguy cơ bị mất vốn do chủ đầu tư đã nhận tiền từ 3 năm trước nhưng không triển khai. Thêm nữa, khách hàng lại tá hỏa biết thông tin chủ đầu tư tự ý xin chuyển đổi một phần dự án sang nhà ở xã hội.
Bằng chứng là mới đây Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội đề nghị xem xét hướng dẫn cho chủ đầu tư dự án B5 Cầu Diễn được chuyển đổi một phần sang dự án nhà ở xã hội.
Bỏ ra gần 1 tỷ đồng góp vốn mua dự án chung cư thương mại B5 – Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội do Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) làm chủ đầu tư từ năm 2011. Ông Nguyễn Văn Tuyến (Nam Định) không những chờ dài cổ vài năm mà vẫn chưa nhận được nhà. Giờ lại nhận thêm tin, chủ đầu tư dự án này đang làm thủ tục gửi Bộ Xây dựng để xin chuyển đổi dự án này sang nhà ở xã hội.
Ông Tuyến cho biết “Chúng tôi góp vốn mua nhà ở thương mại chứ không mua nhà ở xã hội. Với những quy định về nhà ở xã hội, khách hàng của dự án sẽ bị “gạt” ra ngoài vì không đủ điều kiện (hộ khẩu, thu nhập…). Chủ đầu tư dự án không có quyền đơn phương chuyển đổi dự án thành nhà ở xã hội mà không có sự đồng ý của nhà đầu tư thứ cấp”.
Lý giải về việc xin chuyển đổi sang dự án nhà ở xã hội, ông Trần Văn Thành – Tổng giám đốc Tập đoàn Housing cho rằng, trong hợp đồng ký kết với khách hàng chỉ là hợp đồng vay vốn chưa không phải hợp đồng mua bán. “Đây là hợp đồng vay vốn chứ không phải hợp đồng mua đứt bán đoạn đâu mà phải xin phép” ông Thành nói.
Trong khi thực tế, những hợp đồng vay vốn Tập đoàn Housing ký kết với khách hàng lại chỉ đích danh khi nộp tiền cho chủ đầu tư khách hàng được mua căn hộ bao nhiêu m2 và vị trí số căn, số tầng cũng được xác nhận.
Theo quy định của Bộ Xây dựng thì khi xin chuyển đổi dự án từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội, nếu chủ đầu tư dự án nhà thương mại đã huy động vốn của khách hàng ở bất kỳ hình thức góp vốn hay vay vốn muốn xin chuyển đổi phải được sự đồng ý của khách hàng.
Như vậy, việc giấu diếm khách hàng để chuyển đổi mục đích ban đầu của dự án là vi phạm. Đương nhiên doanh nghiệp cũng không được phép chuyển đổi nếu không làm đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật.
Theo Anh Đào - vnmedia.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]