Trước đó không lâu, chủ đầu tư Nam Đô Complex (đường Trương Định, quận Hoàng Mai) là Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu cũng về Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam để giới thiệu dự án.
Trao đổi với báo, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội, một đơn vị đang áp dụng phương thức này cũng cho biết, khi mới đưa ra ý tưởng này, nhiều chủ đầu tư tỏ ra ngạc nhiên.
"Tuy nhiên, khi giải thích ý tưởng thì họ cũng khá kỳ vọng. Đưa dự án về tỉnh có nghĩa là chúng tôi hướng đến những người sử dụng cuối cùng", ông Trung lý giải.
Lãnh đạo Savills cũng cho biết, hiện hầu hết những dự án đơn vị này đang phân phối đều được mang về các tỉnh giới thiệu. "Chúng tôi đã tiến hành một số khảo sát cho thấy khách hàng tại các tỉnh thành lân cận thủ đô như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương là một trong những nhóm tiềm năng hơn cả. Họ có nhu cầu sở hữu nhà Hà Nội do nhu cầu đi lại, công tác thường xuyên hoặc muốn tạo điều kiện cho con em học tập và làm việc tại đây", Phó giám đốc Savills Hà Nội nói.
Về hiệu quả của chương trình bán hàng này, ông Trung cho biết, đây là cách làm mới, do đó, không thể có hiệu quả tức thì. Hơn nữa, theo ông, mua nhà là một quyết định mang tính hệ trọng. Do đó, các đơn vị bán hàng cần kiên nhẫn, không chỉ tiến hành một, hai lần mà có thể phải rất nhiều lần, đều đặn mới có hiệu quả.
Để tiếp cận gần hơn với khách hàng, các đơn vị còn sáng tạo nhiều chiêu bán hàng mới. Là đơn vị bán độc quyền dự án Tây Hà Tower, sàn Đông Á cho nhân viên treo biển quảng cáo diễu qua khắp các tuyến phố chính tại Hà Nội.
Lãnh đạo sàn Đông Á cho biết, cách bán hàng trên nhằm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về dự án bất động sản và các chương trình khuyến mãi hỗ trợ đến với khách hàng. Đơn vị này cũng kỳ vọng sau chiến dịch trên sẽ có nhiều khách hàng biết tới thông tin dự án một cách chính thống, lượng giao dịch tăng lên.
Về những phương thức quảng cáo này, một chuyên gia trong ngành bất động sản cho rằng, để thu hút được sự chú ý của khách hàng thì đây không phải là kế hoạch tồi, thậm chí đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, vị này cho rằng, bất động sản là một mặt hàng đặc thù, quyết định đưa ra mang tính hệ trọng. "Những sản phẩm này đòi hỏi những cuộc tiếp xúc nhận sự chú ý rất nghiêm túc. Vì thế muốn bán được hàng tôi nghĩ phải tiếp cận bài bản, mà một lần chưa chắc đã được", chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, vị này lại có đánh giá khá cao đối với những chủ đầu tư, đơn vị phân phối tìm đến các tỉnh để giới thiệu dự án. "Nếu như trước đây có một căn nhà tại Hà Nội hoặc TP HCM rất khó khăn, đến nay cơ hội rộng mở hơn rất nhiều. Họ về tỉnh cũng có nghĩa là họ đang hướng đến người có nhu cầu thực. Một tín hiệu tích cực cho thị trường địa ốc", chuyên gia nhận định.
Ông cũng cho rằng, trong thời gian tới, các cách bán hàng mới chắc chắn sẽ còn xuất hiện. Tuy nhiên, thị trường tiếp tục đặt ra nhiều thử thách cho người bán nhưng lại dễ cho người mua. Do đó, dù chiêu gì nhưng chủ yếu cũng theo chiều hướng nhằm đến người có nhu cầu thực.
Theo Bộ Xây dựng, đến cuối quý II, riêng loại căn hộ chung cư tại thị trường Hà Nội tồn hơn 6.000 căn, tương đương gần 7.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là loại có diện tích lớn, giá cao. Để cứu thị trường, cơ quan chức năng đã cho phép nhiều dự án chuyển thành nhà xã hội hoặc thay đổi cơ cấu căn hộ, từ loại rộng sang diện tích nhỏ.
Theo Ngọc Tuyên - VnExpress
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]