Trong Hội nghị lần 2 được tổ chức tại Hà Nội, với sự có mặt của lãnh đạo của NHNN, Bộ Xây dựng, các đối tác tham gia,…những vấn đề còn băn khoăn dường như đã dần được làm sáng tỏ.
Gói 50.000 tỷ chỉ là chương trình cho vay tín dụng thông thường
Theo Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN, đây chỉ là chương trình tín dụng bình thường, cho vay theo điều kiện thông thường. NHNN khuyến khích cho vay theo mô hình liên kết này, nếu triển khai tốt tiến tới có thể luật hóa trở thành một sản phẩm bắt buộc.
50.000 tỷ đồng lấy từ đâu?
Bên cạnh đó, khá nhiều quan điểm còn băn khoăn con số 50.000 tỷ đồng từ đâu ra? Ông Phan Thành Mai, TGĐ VNCB cho rằng, để ra được con số này các ngân hàng thương mại đã thống nhất với nhau về quy mô cho vay đối với lĩnh vực xây dựng, bất động sản và khoản tín dụng này đều nằm trong room tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại tham gia chuỗi “4 nhà” mà NHNN cho phép.
Ông Mai cho biết thêm, chẳng hạn như ở VNCB cam kết triển khai cho vay chương trình này với room tín dụng 10.000 tỷ đồng, và nếu triển khai tốt có thể lên 12.000 -13.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng vụ tín dụng NHNN, cách đây 1 năm BIDV cũng đã triển khai mô hình này và đến nay đã giải ngân được 10.000 tỷ đồng nhưng nhóm khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư –nhà thầu –nhà cung cấp vật liệu. Còn trong bối cảnh hiện nay, không phải 1 tổ chức tín dụng tham gia thực hiện mà có nhiều tổ chức tín dụng cùng tham gia. Mới đây đã có 8 ngân hàng thương mại trực tiếp đăng ký với Vụ tín dụng cũng triển khai theo mô hình liên kết này với quy mô tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng.
Đối với nhà tổ chức sản phẩm (ở đây là Thiên Thanh), và vai trò của Thiên Thanh chỉ là tổ chức trung gian, hay nói như ông Mai thì Thiên Thanh chỉ là đơn vị tổ chức ra một cái “đại siêu thị” kiểu như Big C, thậm chí to hơn Big C, nó giống như một cái “chợ” và Thiên Thanh Là người tổ chức chợ chỉ là chủ cho thuê, chứ không điều phối việc mua hay bán, và thu phí đối với những DN tham gia giao dịch trong chuỗi liên kết này. Với các ngân hàng có vai trò kiểm soát dòng tiền. Đại diện NHNN cho biết, vai trò của NHNN là định hướng và khuyến khích và yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện tốt cam kết của mình.
Có “lợi ích nhóm” ở đây?
Câu hỏi được dư luận quan tâm nhất hiện nay là liệu có “lợi ích nhóm” ở đây? Và vấn đề này cũng đã được đặt ra cho các diễn giả ngay tại Hội nghị này. Theo quan điểm của T.S Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong kinh tế thì ở đâu cũng có nhóm lợi ích, không lợi ích này thì lợi ích khác.
“Còn ở VN, cụm từ “lợi ích nhóm” nghe quê quê, và lại được hiểu theo một nghĩa khác. Đâu đó có 1 nhóm người nào đó ngồi, ăn, nghĩ ra mưu kế nào đó để tạo lợi ích riêng cho mình thì đó mới là “lợi ích nhóm”. Đây là khái niệm mà cá nhân tôi cũng không hiểu.” ông Nghĩa nói
Còn với gói 50.000 tỷ, nhiều người nghi ngờ “lợi ích nhóm” ở đây là Thiên Thanh. Vậy phải đặt ra câu hỏi Thiên Thanh được lợi gì ở đây? Theo T.s Nghĩa, tập đoàn này không tham gia vào cung ứng mà họ là nhà tổ chức, cách làm là xây 1 cái “chợ” cho tất cả gặp nhau ở đó, người mua, người bán, sản phẩm…và họ ký hợp đồng với nhau. Thiên Thanh làm việc duy nhất là thu phí, tiến tới xây dựng 1 cơ sở dữ liệu toàn quốc để đấu giá VLXD như các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ông Nghĩa cho rằng Thiên Thanh nên thu phí minh bạch.
Cũng theo T.S Nghĩa, ở đây cả nhóm ngân hàng, nhóm người tiêu dùng đều có lợi ích. Người mua vật liệu xây dựng với số lượng lớn thì được chiết khấu cao. Ngân hàng kiểm soát được dòng tiền, tăng trưởng được tín dụng,…từ đó thị trường ấm trở lại, kinh tế tăng trưởng. Tất cả đều có lợi.
Như vậy, có thể hiểu ở đây là nếu theo hướng tiêu cực thì không có “nhóm lợi ích” ở đây, còn theo hướng tích cực thì có rất nhiều nhóm có lợi ích ở đây, ngân hàng có lợi ích, nhà cung ứng vật liệu có lợi ích, người dân có lợi ích và cuối cùng là xã hội có lợi ích.
Đại diện Công ty cầu đường 5 Thăng Long cho rằng, trong gói tín dụng này tất cả “4 nhà” đều có lợi ích, và lợi ích nhóm ở đây là lợi ích trong sáng, chứ không có “nhóm lợi ích” hiểu theo nghĩa bóng.
Vậy gói 50.000 tỷ có tác dụng gì?
Và điều được dư luận quan tâm nhất hiện nay là, gói 50.000 tỷ có tác dụng gì, tác động thế nào đến thị trường bất động sản? Ngay từ khi giới thiệu chương trình, ông Mai cũng đã nêu rất rõ mục đích của gói 50.000 tỷ là nhắm vào các dự án dở dang. Hiện nay, thị trường BĐS đang tồn kho tới 94.000 tỷ, ở HN có tới 17.000 tỷ tồn kho tương đương 81.000ha đất, trong đó có 9.000ha đang dở dang,…hiện nay tồn kho lớn là ở các dự án dở dang. Cả nước có trên 4.000 dự án BĐS thì có tới 2800 dự án dở dang.
Ông Phan Thành Mai cho rằng, gói này được ký kết khép kín trên cùng một hợp đồng của 4 nhà. Điều này đảm bảo an toàn tín dụng, ngân hàng kiểm soát. Ngoài ra là đòn bẩy trung gian giúp giảm giá thành, thông qua các nhà tổ chức trung gian. Như vậy, đối với các dự án dở dang, liên minh gồm 4 nhà sẽ thống nhất tạm thời khoanh nợ, không siết nợ, hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án. Như vậy gói tín dụng 50.000 tỷ sẽ có tác động tích cực đến thị trường BĐS.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, gói này có lợi cho cả người tiêu dùng, bởi đến nay thì có rất nhiều người đã tiền mất tật mang, đổ tiền vào dự án đến nay không đi đến đâu. Nên khi ra đời, gói này các nhà tổ chức cùng kiểm soát được 2 khâu là dòng tiền và sản phẩm. Đến cuối cùng giá thành sản phẩm BĐS giảm xuống thì người mua là có lợi, bảo đảm người dân bỏ tiền đầu tư là có nhà ở.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]