Thống kê mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trong 85 chung cư cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP vừa được tiến hành khảo sát, có tới 66 công trình cấp C - cấp nguy hiểm và 3 công trình cấp D - cấp đặc biệt nguy hiểm, bắt buộc phải di dời. Ngoài ra, TP vẫn còn hơn 1.100 chung cư cũ nát cần được cải tạo.
Dù đã không biết bao nhiêu lần cảnh báo những khu nhà được xây từ 40-50 năm trước đã xuống cấp hết mức, việc ứng phó với các chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội vẫn như đâm đầu vào ngõ cụt.
Bạt ngàn chung cư cũ nát
Khảo sát 3 công trình mới nhất vừa được “lên hạng” D của Hà Nội, bao gồm đơn nguyên 3 chung cư C8 Giảng Võ, quận Ba Đình, nhà tập thể P16A phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ và đơn nguyên 1-3 chung cư tập thể Bộ Tư pháp, phố Kim Mã Thượng, có thể dễ dàng thấy tình trạng xập xệ, xuống cấp của các khu nhà được xây từ 40-50 năm trước.
Chung cư C8 với hệ thống “ba lô” cũ kỹ đeo ngoài các khu nhà dày đặc, thậm chí có những ngôi nhà, cảm tưởng phần diện tích gia cố thêm có thể rơi bất cứ lúc nào. Không gian bên trong tối tăm, ẩm thấp, cầu thang bong tróc, chằng chịt các tấm ván đỡ, trần nhà có những chỗ trơ cả lõi sắt, hàng loạt giá đỡ bằng sắt thép được dựng lên để gia cố cho kết cấu của khu nhà đã quá yếu...
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội về mức độ nguy hiểm của khu chung cư cũ này, nhà C8 Giảng Võ có 3 đơn nguyên được lắp ghép từ bê tông tấm lớn. Hiện đơn nguyên 1 và 2 dù xuống cấp, lún nhưng vẫn sử dụng được. Nguy hiểm nhất là đơn nguyên 3 do bị lún lệch vượt mức cho phép nên các liên kết của khu cầu thang vào các tường ngang đã bị hỏng, các tấm sàn mái và một số cấu kiện ở tầng 4-5 đã tụt khỏi gối đỡ tường ngang, các cấu kiện khác đã dịch chuyển và có xu hướng tụt khỏi gối đỡ…
Mức độ nguy hiểm của đơn nguyên này đang ở cấp độ D. Theo các chuyên gia, tuổi thọ của các công trình lắp ghép tấm lớn chỉ trong vòng 50 năm. Hơn nữa, công nghệ lắp ghép này đòi hỏi phải bảo dưỡng, duy tu định kỳ và có thời hạn thay thế nhưng công tác này gần như bị quên lãng.
Thảm hại không kém là khu nhà tập thể của Bộ Tư pháp ở phố Kim Mã Thượng phường Cống Vị, Ba Đình. Tận mắt “chiêm ngưỡng” khu tập thể cũ với tuổi thọ gần nửa thế kỷ mới thấu hiểu được nỗi lo lắng của hơn 60 hộ dân đang sống trong khu nhà này. Không chỉ cũ nát, xập xệ, khu chung cư này hiện đang lún nghiêng chừng 30cm so với chiều thẳng đứng.
Nguy hiểm hơn, từ nhiều năm qua, khối 1 và 3 đã tách khỏi khối 2 chính giữa hàng chục cm và khoảng cách giữa các tòa nhà ngày một rộng ra. Trong khi đó, khu tập thể P16A Thụy Khuê được xếp hạng D bởi tình trạng lún nứt tường nhà, cầu thang do ảnh hưởng của việc xây cao ốc Hồ Tây gây nên. 29 hộ dân sống trong khu tập thể cũ này đã phải chịu nỗi lo nơm nớp từ khi chủ đầu tư tiến hành động thổ và cho đến nay, giữa chủ đầu tư Công ty TNHH cao ốc quốc tế Hồ Tây và cư dân khu tập thể này vẫn chưa thống nhất được việc giải quyết dứt điểm hiện trạng của khu nhà.
Theo thống kê, TP Hà Nội vẫn còn hơn 1.100 chung cư đang xếp hàng chờ “hoán cốt”. Bên cạnh đó, hàng loạt khu chung cư hạng B, C trên địa bàn như An Dương, Phúc Xá, Tân Mai, Mai Hương, Lương Yên, Văn Chương, Kim Liên, Thanh Xuân Bắc, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự, Nghĩa Tân... cũng đang rơi vào tình cảnh có thể biến thành loại D bất cứ lúc nào.
Các khu nhà đã xuống cấp lại bị người dân cơi nới, xây “chuồng cọp” vô tội vạ, số lượng cư dân sinh sống đông đúc khiến hạ tầng các khu nhà trở nên quá tải. Đã có ví von rằng nhiều khu chung cư cũ nát của Hà Nội không khác gì khu “ổ chuột” ngay giữa lòng TP.
Đi không nỡ, ở chẳng xong
Dùng dằng nửa đi nửa ở là tình cảnh chung của các hộ dân sống trong các chung cư cũ nát, đặc biệt trong các tòa nhà đã được gán nhãn phải di chuyển khẩn cấp. Trên thực tế, một phần do không muốn thay đổi môi trường sống, phần khác dù cũ nát, xập xệ, hầu hết tòa chung cư cũ đều nằm ở vị trí trung tâm, gần mặt đường chính, gần chợ, trường học, bệnh viện, rất thuận tiện cho sinh hoạt nên cư dân ở các tòa nhà này đều có chung nguyện vọng được tái định cư tại chỗ hoặc phải có phương án đền bù thỏa đáng.
Tuy nhiên, chính sách của TP và chủ đầu tư đã không đáp ứng được điều này khi tỷ lệ bồi thường thấp (1m2 căn hộ tập thể cũ được bồi thường 1,5-1,7m2 căn hộ mới), nhà tạm cư quá xa trung tâm. Đây là lý do chính khiến công tác di dời các hộ dân trở nên bế tắc những năm qua. Đơn cử như tại đơn nguyên 3 chung cư C8 Giảng Võ, người dân đã phản ứng khi TP bố trí nhà tạm cư tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai, cách xa nơi ở hiện tại gần 10km.
Theo cư dân khu chung cư này, nếu chuyển xuống nơi ở mới, sẽ xa nơi làm việc, xa trung tâm và hàng loạt bất tiện khác như phải chuyển trường cho con, sinh hoạt như chợ búa, bệnh viện cũng rất bất tiện… Và theo nguyện vọng của hàng trăm hộ dân nơi đây, TP nên để cho ở tiếp trong khu nhà này bởi kết cấu tòa nhà vẫn vững chãi, đặc biệt sau khi được gia cố.
Ngoài lý do chung là đền bù không thỏa đáng, mỗi khu chung cư lại nảy sinh những vấn đề riêng khiến người dân không muốn di dời. Theo chị Nguyễn Thu Thuỷ, cư dân ở tầng 2 khu tập thể P16A Thụy Khuê, việc khu chung cư này bị xếp loại D không phải do tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, mà do ảnh hưởng của việc xây cao ốc quốc tế Hồ Tây, vì vậy không thể đối xử với tòa nhà này giống như nhiều chung cư cũ nát khác.
Theo đó, chủ đầu tư cần có sự thỏa thuận, hoặc phải mua lại toàn bộ khu nhà để người dân có thể tự tìm chỗ ở như ý, hay phải cho tái định cư tại chỗ. Nếu không đạt được 1 trong 2 thỏa thuận này, người dân sẽ kiên quyết không di dời.
Một lý do khác để người dân không muốn đi bởi các khu nhà này cũng là nơi buôn bán, kế sinh nhai, khi chuyển lên chỗ tái định cư, thậm chí khi được tái định cư tại chỗ, những phương kế này có thể không còn, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, tay trắng. Hiện trạng này có thể thấy rõ ở một số khu chung cư ở trung tâm, cận kề chợ như C1 Thành Công, A1 Thành Công, Kim Liên…
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]