Từ đầu năm tới nay, thị trường địa ốc trở nên trầm lắng, giao dịch đóng băng ở nhiều phân khúc như căn hộ cao cấp, biệt thự, văn phòng cho thuê. Thị trường gần như phẳng, văn phòng cho thuê ế ẩm, nhiều dự án căn hộ cao cấp không bán được hàng hoặc là bán ra rất ít. Thậm chí nhiều chủ sàn giao dịch cho rằng, nhà chung cư bình dân giao dịch cũng lắng lại.
Hầu hết các doanh nghiệp đã đưa ra đủ chiêu khuyến mại, tặng thưởng để giảm giá và nhằm kích cầu. Nhưng xem ra người mua vẫn chưa mặn mà lắm và doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện được tình hình đói vốn. Nhiều chuyên gia trong ngành lo ngại, tình trạng này có thể kéo dài sang tận năm 2012.
Một giám đốc sàn giao dịch nhà đất cho biết, hiện tại các doanh nghiệp bất động sản hoạt động dựa trên các nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ nhỏ, vốn vay tín dụng, kể cả vay từ các quỹ đầu tư lãi suất cao, không tiếp cận được khi đáo hạn, huy động vốn của khách hàng khó khăn; và nguồn vốn hợp tác các doanh nghiệp.
Do chính sách thắt chặt tiền tệ và bất động sản lại bị xếp vào lĩnh vực phi sản xuất nên vốn vay tín dụng các doanh nghiệp bất động sản chẳng những phải chịu lãi suất cao mà còn rất khó tiếp cận nguồn vốn cho dự án. Nhiều người đã lo ngại về tình hình khả năng có thể xảy ra đổ vỡ, mất khả năng chi trả và khả năng sụp đổ đối với thị trường bất động sản và có khả năng vỡ bong bóng bất động sản.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng đã kiến nghị "giải cứu" thị trường bất động sản. Theo đó, Bộ đề nghị trên cơ sở không tăng dư nợ là không cho vay vào lĩnh vực đền bù giải phóng mặt bằng, không cho vay vào những dự án bất động sản cao cấp đang có xu hướng bão hòa và không phục vụ cho đại đa số người dân.
Nhưng chuyển dư nợ dần dần sang các lĩnh vực, phân khúc ưu tiên như những dự án nhà ở, có quy mô dự án trung bình, cho người thu nhập thấp… và những dự án gần hoàn thành để biến thành hàng hóa và tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Một căn nhà tử tế vẫn là ước mơ của nhiều người dân.
Cũng theo ông Nam: Đề xuất ở đây chỉ là chuyển đổi từ cái này sang cái kia cho linh hoạt, cơ cấu lại tỷ trọng tín dụng các thành phần bất động sản cho đúng hướng và phù hợp với thực tiễn. Và tổng cộng tỷ lệ tín dụng cho nó thì vẫn phải giảm.
Thực tế hiện nay rất nhiều dự án không thể tiếp tục do thiếu vốn. Nếu cứ để những dự án này đắp chiếu thì sẽ phát sinh nhiều chi phí cho bảo quản, hỏng hóc, chưa kể giá nguyên vật liệu có thể tăng trong thời gian tới. Điều này dẫn đến giá thành cao lên, gây khó khăn cho việc giảm giá bán.
Thế nhưng, vẫn có rất nhiều phía phản đối với quan điểm này. Phần lớn họ cho rằng, chính sách thắt chặt tín dụng của ngân hàng Nhà nước đối với lĩnh vực bất động sản thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn. Do đó, tiếp tục duy trì chính sách này, đặc biệt, đây là thời điểm để đưa giá bất động sản về gần với giá trị thực. Nếu các ngân hàng cứ tiếp tục cho vay để đầu tư bất động sản thì bóng bóng sẽ thực sự nổ.
Về phía doanh nghiệp, không ít doanh nghiệp đồng ý với việc thắt chặt tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Theo họ, thị trường sẽ sàng lọc những doanh nghiệp không có tài chính mạnh, có thực lực để đầu tư các dự án, mà quá phụ thuộc vào nguồn vốn đi vay.
Trong hoàn cảnh hiện nay, doanh nghiệp nào thực lực yếu thì hoặc là phải mua bán sáp nhập, hai là chấp nhận đứng ở ngoài. Cuộc chơi là hoàn toàn sòng phẳng. Cần phải tôn trọng đúng quy luật thị truờng, thắt chặt tín dụng thì không nên làm nửa vời như vậy. Phải cân bằng vốn đầu tư cho các ngành nghề sao cho hợp lý.
Nhiều người dân sống tại Hà Nội bày tỏ suy nghĩ thật: Chúng tôi không quan tâm đến chính sách và là kiến nghị, chúng tôi chỉ quan tâm là làm sao giá nhất đất giảm để chúng tôi, con cái với mức sống và thu nhập hiện tại cố tiết kiệm thì có thể mua được nhà để ở. Nhà đất nên về với giá trị thực của nó chứ không phải là việc mua được nhà khó như lên trời đối với nhiều người như hiện nay.
Theo Batdongsan.com.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]