Nhằm giúp những người thu nhập thấp chạm tới giấc mơ "an cư", ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất, cần nghiên cứu thay đổi phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoàn toàn theo cơ chế thị trường, Nhà nước tập trung hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng.
Theo đó, đối tượng thu nhập thấp khi mua nhà trả góp nên được hưởng mức lãi suất thấp từ 0,5-1% như nhiều nước trên thế giới hiện nay đang áp dụng.
Số liệu của Bộ Xây dựng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp ở các đô thị dự báo tới năm 2020 là 1 triệu căn trong khi hiện tại mới chỉ đáp ứng hơn 10.000 căn/năm. Ở các khu công nghiệp, hiện nay mới có 20% người lao động có nơi ở ổn định.
Yêu cầu dự báo tới năm 2020, cả nước cần 33,6 triệu m2 nhà ở dành cho 4,2 triệu người. Hiện nay, chúng ta đang phát triển 59 dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng cộng 66.950 căn hộ đáp ứng khoảng từ 30-40 vạn người.
Vì khoảng cách giữa cung và cầu còn rất lớn nên ở đô thị đang có 284.000 hộ sống trong nhà ở đơn sơ và thiếu kiên cố, số nhà ở nhỏ hơn 30m2 (dưới 7m2/người) là 1.131.000 căn hộ, công nhân của các khu công nghiệp đa số đều phải thuê nhà trọ của tư nhân để ở trong điều kiện hầu hết chật hẹp, vệ sinh môi trường không bảo đảm. Điều này đã ảnh hưởng xấu tới đời sống, sức khỏe của người lao động.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, để có thể đẩy mạnh phát triển nhà ở đáp ứng được yêu cầu của hàng triệu người lao động thu nhập thấp ở đô thị và khu công nghiệp cần có những cơ chế chính sách lâu dài, ổn định, từng bước triển khai các giải pháp tổ chức thực hiện.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu thay đổi phương thức đầu tư nhà ở xã hội
Song, trong thời gian qua, quá trình xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, những thủ tục quy trình được cấp phép nhà ở xã hội vẫn còn rất phức tạp, mất nhiều thời gian, lợi nhuận mang lại không cao, nhà đầu tư mất tính tự chủ. Do đó, chưa hấp dẫn những nhà đầu tư, tỷ trọng nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đầu tư còn rất ít.
Bên cạnh đó, giá thành khi bán vốn dĩ theo quy định pháp luật phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định bởi lẽ nhà đầu tư luôn có ý muốn tăng cao giá thành xây dựng, giá phân bổ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng hạ tầng, chi phí khác… dẫn tới cơ chế “xin - cho”, thủ tục kéo dài, phức tạp. Chưa kể, nhà đầu tư luôn muốn có mức giá thành mang đến lợi nhuận cao nhất, trong khi quy định chỉ được hưởng lãi suất 10%.
Do đó, ông Hùng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước phải có các quy định chi tiết định mức kinh tế kỹ thuật để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư cũng như các đối tượng được mua nhà.
Ngoài ra, sự chênh lệnh giá với nhà ở thương mại vì được hưởng ưu đãi dẫn tới dễ nảy sinh tiêu cực trong phân phối không đúng đối tượng nên đòi hỏi sự kiểm tra giám sát nghiêm ngặt và tình trạng mua đi bán lại mặc dù có quy định sau 5 năm mới được quyền chuyển nhượng song trong thực tế họ lách luật bằng cách cho ở nhờ, bán giấy viết tay...
Trước thực trạng này, ông Trần Ngọc Hùng đề xuất, cần nghiên cứu thay đổi phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoàn toàn theo cơ chế thị trường và Nhà nước cần tập trung hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được mua nhà. Đồng thời, Nhà nước không miễn giảm bất cứ một khoản chi phí nào.
Các doanh nghiệp địa ốc hoàn toàn đầu tư dự án như nhà ở thương mại song phải dành tỷ lệ % (từ 20-50% tùy từng dự án) theo quy hoạch để xây dựng nhà ở giá rẻ với diện tích từ 25-45m2/căn, vật liệu xây dựng thông thường, chất lượng bảo đảm an toàn cho người sử dụng.
Theo đó, toàn bộ khoản thu được (mà trước đây sẽ được miễn giảm) Nhà nước đưa vào quỹ phát triển nhà ở xã hội (cùng với những khoản tài chính do ngân sách Nhà nước cấp) để trực tiếp hỗ trợ cho đối tượng thu nhập thấp (thông qua hình thức trả góp tới 20 năm lãi suất thấp do Ngân hàng chính sách hay quỹ phát triển nhà tổ chức cho vay/bù lỗ lãi suất cho Ngân hàng thương mại.) Các đối tượng thu nhập thấp khi mua nhà, trả góp được hưởng lãi suất thấp từ 0,5-1% như hiện đang được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]