Ảnh minh họa.
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tiến Đông cho biết, để cải thiện TTTD, trong những tháng còn lại của năm, NHNN triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DN phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Tính đến thời điểm này, theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh tế NHNN Nguyễn Tiến Đông, tăng trưởng tín dụng (TTTD) của toàn hệ thống ngân hàng đạt trên 5%. Tuy tín dụng đã cải thiện nhưng so với kỳ vọng thì con số trên vẫn khá khiêm tốn.
Vậy đâu là nguyên nhân tác động đến TTTD chậm, giải pháp nào để thúc đẩy tín dụng tăng nhanh hơn. Đó là nội dung trọng tâm của Hội thảo “Tăng trưởng tín dụng của các NHTM Việt Nam hiện nay – Thực trạng và giải pháp” do VNBA và Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VietinBank phối hợp tổ chức ngày 16/9/2014 tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, các diễn giả đều có chung nhận định nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ TTTD chủ yếu do nhu cầu và sức hấp thụ vốn vay tín dụng của nền kinh tế còn thấp. Một lý do nữa theo Phó tổng giám đốc VietinBank Phạm Huy Thông cho biết là sức khỏe của DN còn yếu, rào cản xử lý nợ xấu và ngay cả những gói kích cầu vẫn còn những nút thắt.
Thời gian qua, NHNN đã triển khai hàng loạt biện pháp nhằm cải thiện tín dụng, bản thân các NHTM cũng rất tích cực mở rộng tín dụng, tuy nhiên do những nút thắt trên chưa được tháo gỡ nên dòng tiền chưa chảy mạnh được vào nền kinh tế. Vì vậy, các diễn giả đưa ra quan điểm nên xác định mức TTTD phụ thuộc vào sức khỏe, sức hấp thụ vốn. Với tình hình hiện nay có thể mức TTTD ở mức 10% là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát.
Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tiến Đông cho biết, để cải thiện TTTD, trong những tháng còn lại của năm, NHNN triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DN phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; nhu cầu vốn thực hiện các công trình cấp bách, dự án trong điểm quốc gia… tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực đang cần đầu tư tín dụng để vượt qua khó khăn tạo sức lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực sản xuất khác như lĩnh vực bất động sản.
Đặc biệt, ông Đông cũng cho biết về tháo gỡ vướng mắc về điều kiện, tiêu chuẩn, phân khúc nhà đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang vấp phải theo các quy định của Bộ Xây dựng khi tham gia vào gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Có thể trong thời gian tới sẽ có một chương trình tín dụng cho vay ưu đãi hỗ trợ các đối tượng trên mua nhà. Theo quy định gói tín dụng mới này, sẽ không còn rào cản về tiêu chuẩn, diện tích, phân khúc nhà như gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Mức cho vay tối đa mỗi khách hàng là 2 tỷ đồng… “Hiện, NHNN đang trình Thủ tướng. Nếu gói tín dụng này được chấp thuận, có thể chỉ trong 1 thời gian ngắn, các ngân hàng có thể giải ngân vài chục nghìn tỷ đồng”, ông Đông cho biết thêm.
Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng, để đạt mục tiêu TTTD, bên cạnh nỗ lực của hệ thống NH triển khai tích cực các chương trình tín dụng như cho vay liên kết, cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, mở rộng chương trình kết nối NH - DN, giảm lãi suất cho vay… thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan trong việc tăng tổng cầu hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của DN, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm…
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]