Ý – Tiramisu
Tiramisu đã có mặt ở khắp mọi ngóc ngách trên thế giới đến nỗi đôi khi người ta quên mất nơi sản sinh ra món tráng miệng trứ danh này, đó là nước Ý. Món tráng miệng thơm phức vị cà phê này vô cùng giàu năng lượng và là món tuyệt hảo để khiến tinh thần bạn phấn chấn và sảng khoái hơn bởi lớp cà phê xen kẽ giữa các lớp bánh, đúng như tên gọi của nó, tiramisu nghĩa là “Lift me up”.
Tiramisu nguyên bản gồm các lớp bánh quy Savoiardi, nhúng cà phê xen kẽ với hỗn hợp trứng, đường, phô mai mascarpone đánh bông, thêm một ít bột cacao. Nhưng ngày nay nó thường được biến tấu với các lớp bánh kem mềm mịn.
Địa chỉ thưởng thức: Bar Pompi ở Rome là hàng cà phê bánh ngọt nổi tiếng với món tráng miệng này.
Đức – Bánh black forest
Món tráng miệng “khu rừng đen” của Đức thật không may lại không được yêu thích ở bên ngoài nước Đức.
Thực chất món bánh này trong tiếng Đức có tên là Schwarzwalder kirschtorte và phải được làm với kirschwasser – tức là rượu brandy anh đào. Mỗi miếng bánh sẽ cho hương vị như một ngụm coctail bởi vị rượu đậm đà và mùi hoa quả thơm lừng.
Địa chỉ thưởng thức: Cafe Schaefer được cho là quán cà phê có hương vị bánh black forest chuẩn nhất và nguyên bản nhất, do đầu bếp Josef Keller sáng tạo năm 1915.
Mỹ – bánh phô mai
Nước Mỹ có thể khiến bạn choáng ngợp bởi hương vị đa dạng từ khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng nói đến bản sắc thật sự của ẩm thực Mỹ, thì quên bánh browni sô cô la làm mưa làm gió, quên đi red velvet rực rỡ của mùa giáng sinh.
Bánh phô mai mới chính là quốc hồn quốc túy của quốc gia đa văn hóa này.
Trước đây, bánh phô mai nguyên bản là một dạng bánh nướng. Bánh phô mai phủ kem lạnh chỉ có từ khi người ta phát minh ra kem vào đầu thế kỷ 19.
Ban đầu, đây là loại bánh nướng với khá nhiều mật và lá thơm.
Địa chỉ thưởng thức: Junior’s là quán cà phê ra đời từ những năm 50s và ngày nay có cửa hàng ở khá nhiều địa điểm, là quán nổi tiếng với bánh phô mai đặc, thơm ngon.
Malaysia/Singapore – bánh pandan (Bánh lá dứa)
Bánh cốt bông lan thông thường nhưng lại được pha màu với lá dứa – một loại lá phổ biến ở khu vực Đông Nam Á. Lá dứa dùng để tạo màu xanh cho món ăn và hương thơm dịu nhẹ được sử dụng trong rất nhiều món như xôi, gà và cà ri cho tới món bánh kueh siêu ngọt có mặt ở Malaysia, Indonesia và Singapore.
Pine Garden’s Cake là tiệm bánh có món bánh lá dứa ngon nổi tiếng.
Địa chỉ thưởng thức: Nếu dừng chân ở sân bay Changi, Singapore bạn có thể thử món này tại quầy bánh Bengawan Solo.
Pháp – Madeleines (bánh quy bơ con sò)
Ẩm thực Pháp mà đặc biệt là đồ tráng miệng thì vô cùng phong phú nhưng loại bánh đơn giản này chính là loại bánh truyền thống của nước Pháp.
Đây cũng là loại bánh được nhắc đến trong bộ truyện “Đi tìm thời gian đã mất” của tiểu thuyết gia nổi tiếng Marcel Proust gợi lại nhiều ký ức tuổi thơ.
Mềm, nhẹ, ngọt thơm và béo ngậy vị bơ, món bánh này ăn ngon nhất khi mới ra lò.
Địa chỉ thưởng thức: Tất nhiên có nhiều nơi bán loại bánh này, vì nó khá đơn giản, nhưng Ble Sucre ở quận 12 thành phố Paris là nơi được nhiều người yêu thích với vị chanh thơm nhẹ.
Úc – Bánh Lamington
Cốt bánh bông lan xốp mềm phủ bên ngoài là lớp sô cô la với dừa bào rắc. Món bánh này lấy tên vị thống đốc bang Queensland từ 1896 đến 1901 và ngày nay trở thành món tráng miệng đặc trưng của xứ chuột túi.
Bên trong bánh là lớp mứt quả mâm xôi ngọt thơm.
Địa chỉ thưởng thức: Bạn có thể thưởng thức món này tại Candied Bakery, 81A Hudson’s Rd, Spotswood.
New Zealand – bánh Pavlova
Món bánh mềm ngọt phủ đầy kem và trái mâm xôi tươi này được lấy tên từ một vũ công ba lê người Nga xinh đẹp Anna Pavlova. Trong từ điển Oxford, món bánh này được cho là ra đời năm 1927.
Làm từ lòng trắng trứng đánh bông với đường, phủ đầy hoa quả tươi, đây là món tráng miệng hoàn hảo dành cho mùa hè.
Địa chỉ thưởng thức: Floriditas là hàng bánh ở Wellington mà bạn có thể ghé qua thưởng thức hương vị thơm ngon của chiếc bánh pavlova nổi tiếng này.
Hồng Kông – Bánh Ma Lai Go
Thực chất ma lai go là một trong các loại dim sum của Hồng Kông được hấp trong lồng tre. Bánh làm từ bột, trứng, đường nâu, bánh mềm tơi vừa miệng và có vị caramel hấp dẫn.
Địa chỉ thưởng thức: Lin Heung Teahouse là quán ăn nơi phục vụ ma lai go lớn hấp trong lồng tre đặc biệt luôn luôn hấp dẫn một lượng lớn thực khách.
Mexico – Tres Leches Cake (bánh ga tô kem sữa)
Tres leches cake là một loại bánh rất phổ biến ở nhiều nước Mỹ La-tinh, tên của bánh được đặt theo đặc điểm về thành phần: bánh gồm có một phần cốt ga-tô nhúng trong hỗn hợp pha từ ba loại kem sữa khác nhau (tres leches nghĩa là 3 loại sữa). Nhờ việc nhúng sữa này mà món bánh này không hẳn là ga-tô mà hơi thiên về dạng pudding hay custard, rất mềm, rất ẩm và rất thơm mùi sữa.
Địa chỉ thưởng thức: Nếu ghé Mexico, đừng quên thưởng thức hương vị thơm ngon của món bánh này ở Macram Bakery, Miguel Hidalgo bang Distrito Federal.
Áo – Kaiserschmarrn
Giống như một loại pancake mềm mượt, nhưng món Kaiserschmarrn của Áo thì được xắt thành những miếng nhỏ phủ sốt hoa quả. Đôi khi, món bánh này còn được phục vụ như món chính trong bữa ăn của người Áo.
Kaiserschmarrn được chia thành từng miếng nhỏ và được rắc bột đường lên trên bánh. Món ăn sẽ được dọn ra khi còn nóng và được ăn kèm với nước sốt táo hoặc nước sốt mận hay là mứt hoa quả được làm từ quả mận, quả của cây ỏng ảnh, dâu hoặc táo.
Uruguay – Postre Chaja
Loại bánh này giống như một phiên bản khác của Pavlova gồm những lớp bánh mềm, kem, hoa quả (thường là đào) với lớp vỏ bánh làm từ lòng trắng trứng.
Món bánh này do chủ một tiệm trà ông Orlando Castellano sáng tạo nên vào những năm 1900s, lấy tên một loại chim ở Uruguay (chaja).
Địa chỉ thưởng thức: Gia đình Castellano vẫn giữ công thức làm bánh bí truyền qua ba thế hệ và điều hành nhà máy làm bánh Confiteria las Familias ở thành phố Paysandu với một tiệm bán lẻ ở Montevideo.
Anh – Victoria Sponge
Đây là mảnh đất của tập quán uống trà chiều, dùng bánh ngọt. Món bánh được đặt theo tên nữ hoàng Victoria là món bánh truyền thống của nước Anh thường gồm hai lớp bông lan phủ ở giữa là một lớp mứt quả mâm xôi và kem béo ngậy. Bên trên bánh rắc một lớp đường lạnh.
Địa chỉ thưởng thức: Phòng trà của Brown’s Hotel ở London chính là nơi lý tưởng để thưởng thức món bánh thơm ngon biểu tượng của nước Anh.
Thổ Nhĩ Kỳ – Baklava
Ngay khi bạn tưởng là không thể ăn thêm bất cứ thứ gì sau khi đã thưởng thức no nê những chiếc bánh mì kẹp thịt trứ danh hay các món rau củ nhồi ngon tuyệt của Thổ Nhĩ Kỳ, thì bạn cũng khó lòng từ chối một miếng bánh Baklava.
Bánh có lớp áo bên ngoài là bột mì ngọt cán thành những miếng mỏng, nhân bên trong là sự kết hợp khéo léo giữa quả óc chó giã nhuyễn trộn với đường, mật ong, hương quế. Bánh được cắt thành những miếng nhỏ, sau đó cho vào lò nướng. Đặc trưng của bánh Baklava là giòn, ngọt và giàu dinh dưỡng. Bánh thường được dùng với trà và hoa quả.
Indonesia – Lapis Legit – Bánh nghìn lớp
Còn được gọi với cái tên spekkoek, món bánh nhiều tầng này là một trong những món ngọt đặc trưng của người Indonesia cả về mùi vị và hình dáng. Sự độc đáo của mùi vị đến từ việc sử dụng rất nhiều nguyên liệu như hạt nhục đậu khấu, quế, thảo quả; trong khi đó hình dáng đặc trưng bắt nguồn từ việc bánh thường phải có ít nhất 10 tầng. Các tầng này thường được xếp theo chiều dọc, nhưng hiện nay người ta đã giới thiệu với thực khách nhiều mẫu bánh với thiết kế bài trí mới mẻ hơn.
Địa chỉ thưởng thức: Đến Indonesia bạn có thể thưởng thức món bánh này tại Harlie Lapis Legit là một cửa hàng bánh gia đình phục vụ từ 2005 với món bánh có hơn 20 lớp.
Thụy Điển – Prinsesstarta (bánh công chúa)
Đây là loại bánh nhiều lớp truyền thống của Thụy Điển, còn được dùng nhiều trong các đám cưới. Chiếc bánh tròn xinh xắn thường có lớp bên ngoài màu xanh bạc hà hoặc hồng phấn, phủ hạnh nhân. Bên trong cầu kỳ với cốt bông lan nhiều lớp mềm mại, mứt và kem xen kẽ.
Địa chỉ thưởng thức: Cửa hàng Vete-Katten ở Stockholm là nơi hoàn hảo để nếm thử món bánh này. Hương vị bánh gần như được giữ nguyên ở đây từ khi mở cửa vào năm 1928.
Nhật Bản – Dorayaki
Chắc hẳn bánh Dorayaki đã được biết đến ở khắp nơi như món ăn yêu thích của chú mèo máy dễ thương Doraemon. Món bánh được tạo nên bởi hai lớp bánh pancake xốp mềm ở giữa là nhân đậu đỏ. Dora trong tiếng Nhật có nghĩa là cái khiên. Truyền thuyết kể rằng vào thời kỳ Edo, một cặp vợ chồng già đã chế biến món pancake trên một chiếc khiên bỏ lại bởi võ sĩ Samurai bị thương.
Địa chỉ thưởng thức: Seijuken, nhà làm bánh 150 tuổi được cho là nơi có món bánh Dorayaki ngon nhất Tokyo.
Phần bánh thường được chế biến rất nhanh, nhưng lớp nhân đậu đỏ thì thường phải hầm từ 4-5h. Hàng bánh này cũng là nơi nổi tiếng với một món bánh truyền thống khác của Nhật Bản là bánh wagashi.
Đan Mạch / Nauy – Kransekage
Loại bánh này không phải là ngon nhất trong các loại bánh ngọt ở hai quốc gia này nhưng lại có tạo hình vô cùng ấn tượng. Đó là những chiếc bánh vòng xếp chồng lên nhau hình kim tự tháp. Và đây cũng là loại bánh truyền thống trong dịp năm mới hay trong các lễ cưới ở Đan Mạch và Nauy. Phủ lên một ít kem, cắm cờ là tạo hình truyền thống của bánh Kransekage.
Địa chỉ thưởng thức: Ở Đan Mạch, bạn có thể mua bánh của Conditoriet La Glace – cửa hàng bánh được xem là lâu đời nhất đất nước. Hầu hết mọi đồ đạc, bài trí và dụng cụ đều giữ nguyên bản như khi cửa hiệu ra đời năm 1870.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]