Có nhiều quan điểm cho rằng việc ăn chay sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và chỉ những người theo đạo Phật thì mới ăn chay.
Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Ăn chay vẫn cung cấp đủ những dinh dưỡng cần thiết và còn giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Và hiện nay ngày càng có nhiều người trẻ ăn chay, trong đó có một số không nhỏ là sinh viên và nhân viên văn phòng.
Ăn chay là gì?
Nhiều người trong chúng ta cứ tưởng nhầm là ăn chay là chỉ ăn rau quả và đậu. Thực tế, có nhiều loại ăn chay khác nhau trên thế giới. Nói chung có năm loại ăn chay là: (1) Ăn chay thuần tuý: không ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ loài động vật, (2) Ăn chay uống sữa bò nhưng không ăn trứng, (3) Ăn chay có trứng, (4) Ăn chay có sữa bò và trứng, và (5) Ăn chay bán phần (partime vegetarians).
Không chỉ có người theo đạo mới ăn chay
Ăn chay đang trở thành một trào lưu trên thế giới, nhất là trong giới trí thức và chuyên gia. Ở các nước phương Tây, theo một thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 5% dân số Anh và Mĩ cho biết họ ăn chay trường hay ăn chay thường xuyên. Ở nước ta, tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng sự có mặt của các nhà hàng và quán ăn chay cùng lượng thực khách đông đảo cho thấy số người ăn chay đang tăng dần trong thời gian gần đây.
Chị Vân (25 tuổi) hiện đang làm tại tòa nhà Pacifjc Lý Thường Kiệt cho biết, mỗi tháng chị đều ăn chay vào các ngày tuần và thường ăn tại nhà hàng cơm chay đối diện quán Ngon ở Phan Bội Châu. Chị cho biết, ban đầu vì muốn giảm cân nên hạn chế ăn thịt và ăn nhiều thức ăn từ rau củ quả hơn. Sau đó ăn dần thành quen và chị chuyển sang ăn chay. Chị Vân cũng nói rằng, từ khi ăn chay, chị thấy cơ thể hoạt bát hơn, không trì trệ như trước.
David, một sinh viên Đức ở Việt Nam, cho biết, tại Đức đang ngày càng có nhiều người trẻ ăn chay và họ cho đấy là một cách để bảo vệ động vật. Riêng anh thì sau khi được tận mắt chứng kiến cảnh sản xuất gà công nghiệp, anh đã quyết định sẽ ăn chay hoàn toàn!
Với Mai Anh (du học sinh tại Úc) thì bạn đến với ăn chay chỉ đơn giản vì không muốn ăn thịt và thấy việc ăn chay rất tốt cho sức khỏe. Những trường hợp như bạn M.Anh không phải là hiếm. Trong xã hội hiện đại, sự đầy đỷ và thừa mứa về vật chất đã làm cho không ít người thấy “ngao ngán” trước các bữa ăn và câu hỏi “Tối nay ăn gì” trở thành nỗi ám ảnh. Thịt lúc này không làm cho bữa ăn thêm ngon và việc nhiều người chọn rau, đậu và các thực phẩm chay làm giải pháp thay thế là điều tất yếu.
Ăn chay để khỏe hơn
Theo BS Nguyễn Thị Kim Hưng, trên thế giới có hơn 17,6 triệu người chết vì bệnh tật, phải chi rất nhiều tiền cho thuốc men nhưng tỉ lệ bệnh tật ngày càng tăng cao. Vì vậy, bản thân mỗi người cần phải biết cách ăn uống, chọn những thực phẩm để có thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, phòng tránh bệnh tật
Trong thịt động vật có chứa rất nhiều chất đạm. Do đó, hàng ngày nếu ăn quá nhiều thịt, sự thặng dư chất đạm sẽ góp phần làm tăng nguy cơ bị các bệnh về tim mạch, thận, tiểu đường, béo phì, loãng xương, ung thư, rối loạn đường ruột…
Bệnh tim mạch được coi là “kẻ giết người số 1" và ung thư là “kẻ giết người số 2". Hai căn bệnh này có nguyên nhân chủ yếu từ thói quen việc ăn uống. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, phụ nữ ăn thịt thường xuyên thì nguy cơ bị ung thư vú chiếm đến 37,8%. Việc ăn chay sẽ giúp giảm đến 80% nguy cơ ung thư.
Nếu xét về đặc điểm cấu trúc cơ thể như: răng, đường tiêu hóa, hệ thống thoát mồ hôi…, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng con người là sinh vật ăn rau quả. Ruột ở người rất dài, thức ăn đi qua lâu để hấp thụ được hết các chất dinh dưỡng. Vì thế, việc tiêu hóa thịt động vật trong thời gian dài dễ gây ra men thối, sản sinh nhiều chất độc, gây nguy hiểm cho đường ruột, có khi dẫn đến ung thư ruột.
Không những thế, tất cả các vụ ngộ độc [[thực phẩm]] do thịt và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật chiếm đến 90%. Nếu ăn chay thường xuyên, ít nhất là 1 lần/tuần sẽ giảm được khả năng bị ngộ độc do thức ăn.
Trong vài năm gần đây, tỉ lệ béo phì trong dân số nước ta càng ngày càng tăng. Theo nghiên cứu dịch tễ học, tại Thành phố Hồ Chí Minh, cứ 3 người tuổi trên 40 thì có 1 người béo phì. Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ ở Mĩ và các nước Âu châu! Béo phì là một yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường và tim mạch.
Một xu hướng và cũng là một nghịch lí đáng quan tâm là ở các nước Âu Mĩ, bệnh đái tháo đường thấy ở những người lao động có thu nhập thấp, thì ở nước ta bệnh này tập trung ở những người giàu có hay với thu nhập cao. Xu hướng “Tây hóa” (như ăn uống với nhiều chất đạm động vật) có thể là một yếu tố đóng góp vào tình trạng đáng ngại này. Đã đến lúc chúng ta quay về với chế độ ăn uống truyền thống (với gạo, rau quả) hơn là nhiều chất đạm động vật.
Nếu nghĩ rằng cơm chay chỉ toàn rau với đậu, ăn vừa chán vừa ngán thì bạn nhầm to. Đúng là nguyên liệu làm cơm chay đều là rau củ quả và các loại hạt, nhưng chúng được chế biến rất công phu. Nếu bạn đã từng ăn chả chay, gà chay, mực chay.... thì bạn sẽ thấy các món đó ăn chẳng khác thì thịt thật cả. Các món chay hầu hết được chế biến rất công phu và tỉ mỉ mà thoạt nhìn qua, bạn sẽ không nghĩ đó là món chay đâu.
Bạn Trang ( học viện Ngoại giao) sau một lần nhà làm cơm cúng chay tại tổ đình Phúc Khánh đã mê mệt món chay. Trước đó Trang không hề nghĩ cơm chay lại ngon và hấp dẫn đến vậy. Sau đó, bạn cũng bắt đầu ăn chay và học làm các món chay.
Trang cũng nói thêm rằng, từ ngày ăn chay, cơ thể bạn cân đối hơn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng ăn chay thường xuyên sẽ không đủ các chất đạm. Trên thực tế, chất đạm thực vật lành mạnh hơn chất đạm thịt động vật. Vì vậy, nếu chọn cách ăn chay (ăn nhiều rau, củ, quả, đậu…) thì vẫn đáp ứng tất cả những nhu cầu về dinh dưỡng cho cả trẻ em lẫn người lớn. Vừa ngon, vừa bổ dưỡng, lại giúp bạn giữ dáng, ăn chay quả là một phương pháp ăn uống đáng cân nhắc đấy.
Ăn chay đúng cách
Cũng như mọi phương pháp ăn uống khác, ăn chay cũng cần ăn đúng cách. Ăn chay không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng béo phì và bệnh tiểu đường. Các món nhiều tinh bột như cơm chiên Dương Châu, mì xào giòn, rau cải xào nấm đông cô, phở áp chảo, chả giò, cá kho tộ, canh chua Thái Lan... được nấu với một lượng khá nhiều dầu, đường, nước cốt dừa, bột ngọt...
Các món này rất ngon miệng nên được nhiều người ưa chuộng nhưng lại là nguồn cung cấp năng lượng (calorie) lớn, dễ phát phì, không tốt cho sức khoẻ. Thêm vào đó, do thức ăn chay tiêu hóa nhanh, khiến người ăn có cảm giác mau đói, phải ăn thêm cơm, mì trong bữa chính hoặc ăn tăng cường thêm bữa phụ (như khoai lang, khoai tây chiên). Đây cũng là một nguyên nhân khiến người ăn chay béo lên.
Nhiều đối tượng nên ăn chay, nhưng chỉ nên ăn chay phù hợp với nhu cầu mỗi người. Nếu là người lớn, khỏe mạnh bình thường, nên ăn chay một vài lần trong một tháng cho bộ máy tiêu hóa được “vệ sinh sạch sẽ” và còn có nhiều cái lợi cho sức khỏe.
Những người mắc các bệnh tim mạch, gan, thận mà phải ăn chay để tránh cho bệnh nặng thêm thì cần phải thay đổi thực đơn thường xuyên để các món ăn chay bổ sung cho đủ chất và nên ăn pha thêm chút thịt, cá, trứng, sữa để bảo đảm dinh dưỡng.
Người ăn chay trường diễn như các bậc tu hành nếu là người khỏe mạnh bình thường, biết cách thay đổi món ăn cho đầy đủ chất dinh dưỡng, thì ăn chay không có vấn đề gì. Những người có nhu cầu đặc biệt, như trẻ em đang tuổi lớn, bà mẹ mang thai hay cho con bú, hoặc người bệnh mới lành, thì không nên ăn chay trường diễn vì sẽ bị thiếu dinh dưỡng.
Khi ăn chay bạn nên chú ý chọn lựa, phối hợp thực phẩm và bổ sung các vitamin, chất khoáng một cách hợp lý để không bị thiếu các acid amin thiết yếu, vitamin B12, năng lượng, kẽm, sắt, đặc biệt là ở người ăn chay tuyệt đối.
Chế độ ăn chay thường ít năng lượng do có ít chất béo và mau làm no bụng (vì nhiều chất xơ). Tình trạng này dễ xảy ra ở những người tăng nhu cầu về năng lượng như trẻ em đang lớn, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú và người bệnh đang trong giai đoạn hồi phục. Vì vậy, cần lưu ý cung cấp đủ lượng calorie cần thiết bằng cách ăn thêm bữa phụ và sử dụng những thức thực vật giàu năng lượng như các hạt có dầu, sữa đậu nành có béo...
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, không nên ăn chay trường mà chỉ nên ăn chay 2 - 5 ngày trong tuần. Người mắc các bệnh nhiễm trùng, trẻ em đang thời kỳ phát triển, phụ nữ đang có thai và trong thời kỳ cho con bú, bệnh nhân mắc các bệnh về thận là những đối tượng không nên ăn chay.
Theo Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]