Trưa 29/2, trên đường chở con đi học về, thấy đèn giao thông còn đến gần nửa phút nữa mới chuyển xanh mà trời thì nắng, chị H. vội tấp vào lề, chỗ bóng cây để tránh nắng cho cả hai mẹ con. Chẳng ngờ lúc ấy lại có xe phía sau đang đi tới, thế là va chạm, con gái chị ngã sấp xuống đường, khóc toáng lên. Chị H. vừa xót con vừa hoảng, nhưng chưa kịp lên tiếng đã bị chủ của chiếc xe kia mắng cho tới tấp. Những người gần đó chạy đến cùng dỗ dành con chị H. nhưng chẳng ai bênh hay nói lời nào theo cách chị đang trông đợi, rằng "đàn bà con gái ra đường bị người ta bắt nạt..." Rốt cuộc chị chỉ có thể tự hoàn hồn, dỗ con rồi thay vì chở bé về nhà thì chở đến bệnh viện gần đó kiểm tra.
Rất nhiều chị em đi trên đường, vì lý do bảo vệ sức khỏe và sắc đẹp của mình đã dừng xe đột ngột hoặc tấp ngay vào lề, lấn qua hoặc dừng lại trước vạch sơn quá sâu để tránh nắng như vậy. Bình thường thì chẳng ai bị làm sao, nhưng cũng dễ dàng xảy ra tình huống không may mắn bằng, như chị H., và đó là chị còn chưa bị bắt đền hay bắt phạt bởi thật ra việc chị làm hoàn toàn có thể bị khép vào lỗi “cản trở giao thông” với mức phạt 100.000-200.000 đồng hoặc “đi không đúng làn đường” với mức phạt 200.000-400.000 đồng. Với số tiền phạt này chị H. hoàn toàn có thể mua cho mình và con đủ nón mũ hoặc một tuýp kem chống nắng bảo vệ toàn diện dùng được dài lâu.
Và chị H. không phải là trường hợp cá biệt. Vì nhiều lý do, phụ nữ khá lơ mơ chuyện xe cộ, đi lại nên rất dễ bị va quẹt hoặc bị tuýt còi vì những lỗi giao thông của chính mình mà không hay. Ngoài lỗi cản trở giao thông do dừng xe không đúng vạch quy định, dừng trong bóng râm thì dưới đây là một số lỗi giao thông khác mà phụ nữ rất thường mắc phải cùng những mức phạt theo quy định của pháp luật mà bạn cần biết. Lưu ý là các mức xử phạt lỗi vi phạm giao thông này đang áp dụng theo luật Giao thông đường bộ, nghị định số 171/2013/NĐ-CP và các nghị định khác có liên quan, tuy nhiên Bộ Giao thông vận tải đã lấy ý kiến để tăng nặng thêm nên tốt hơn hết, hãy chú ý nắm chắc luật và chắc tay lái:
1. Lỗi quên gạt chống xe - Sự lơ đễnh này của bạn có thể tạo điều kiện cho những người tốt bụng trên đường nhắc “Em ơi, chống xe!” nhưng lại rất nguy hiểm cho chính bạn và những người cùng tham gia lưu thông, và có thể tạo thành lỗi với mức phạt cao hơn nhiều so với bạn nghĩ: 2-3 triệu đồng (nếu để chân chống quệt xuống đường);
2. Lỗi “điều khiển xe dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên” - Phụ nữ hay chuyện, nhưng nếu bạn ra đường vẫn mải “tám” cùng hội của mình thì có thể dễ dẫn tới lỗi bị phạt 80.000-100.000 đồng;
3. Lỗi đi ngược chiều - Dù bạn nghĩ mình chỉ đang đi tắt một chút thôi nhưng việc này thực tế gây ức chế cho những người đang giao thông đúng luật, không chỉ vậy còn khiến họ bị bối rối khi điều khiển phương tiện, có thể dẫn đến tình huống nguy hiểm. Vậy nên, việc tranh thủ một chút này của bạn sẽ bị nhận mức phạt 200.000-400.000 đồng;
4. Vượt đèn đỏ - Lỗi giao thông này rất phổ biến và không còn gì để giải thích thêm, mức phạt sẽ trong khoảng 200.000-400.000 đồng;
5. Lỗi lấn tuyến, đi xe không đúng làn đường quy định - Lỗi này có rất nhiều người mắc phải chứ không chỉ là phụ nữ. Nguyên do có thể là bạn không biết, không để ý, hoặc đường đông quá nên lấn một chút đi cho nhanh hơn… dù là gì, nếu bị tuýt còi bạn sẽ bị phạt 200.000-400.000 đồng;
6. Lỗi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai như quy định, bất kể là bản thân người điều khiển xe hay người được chở, bao gồm cả trẻ em từ 6 tuổi trở lên, thì cũng đều bị phạt với mức phạt 100.000-200.000 đồng;
(Ảnh: Internet)
7. Lỗi không bật đèn xi nhan khi chuyển hướng - Ở đây bạn lưu ý phải bật đèn trước khi bắt đầu cho xe chuyển hướng đồng thời phải quan sát trước sau xem có phương tiện khác đang lưu thông hay không, sau khi chuyển hướng xong hẳn mới tắt đèn xi nhan chứ không được tắt sớm trước khi qua hết đường. Nếu không làm đầy đủ những việc này, bạn có thể bị phạt từ 80.000-100.000 đồng;
8. Lỗi chở theo hai người, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu hoặc trẻ em dưới 14 tuổi, sẽ bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng; nếu chở theo từ ba người trở lên thì bị phạt 200.000-400.000 đồng, ngoài ra còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong vòng 1 tháng;
9. Lỗi không đem theo giấy tờ xe - Trường hợp này gặp nhiều khi các chị em đi chợ, với suy nghĩ rằng chỉ đi một tí, mua nhanh rồi về, ngại đồ đạc lỉnh kỉnh lại làm rơi nên không đem theo các loại giấy tờ "nếu mất sẽ rất phiền" như giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận bảo hiểm… Nếu bạn có thể nhờ người nhà đem giấy tờ đến ngay lúc này thì mức phạt tiền là 80.000-120.000 đồng; còn nếu không thể xuất trình để chứng minh thì lỗi của bạn trở thành “Điều khiển xe không có giấy đăng ký xe theo quy định”, mức phạt cao hơn gấp 10 lần.
Và bạn lưu ý đã bắt đầu thí điểm xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông rồi nhé, để tránh gây nguy hiểm cho mình và người khác, cũng như mất tiền một cách thật dở hơi thì nhớ tuân thủ đèn hiệu, sang đường đúng nơi quy định, đừng leo giải phân cách… Hãy chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản của mình trên đường!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]