Du khách tham quan Phố cổ Hội An. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Năm nay, ngành du lịch Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp có hiệu quả hơn nữa để khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, tài nguyên đa dạng, giúp cho ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Từ những con số ấn tượng
Theo Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, bốn năm sau khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển đầy ấn tượng và là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước. Năm 2013, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần, đạt hơn 7,5 triệu lượt khách, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khách du lịch nội địa cũng đạt mức xấp xỉ 35 triệu lượt khách, mang lại 195 nghìn tỷ đồng tổng thu nhập từ du lịch. Đây cũng là năm đánh dấu mốc cán đích sớm 2 năm của mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015.
Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) nhận định, năm 2013 được xem là năm gặt hái được nhiều thành công của ngành du lịch thế giới; trong đó, châu Á-Thái Bình Dương, châu Phi là khu vực dẫn đầu, tăng hơn 6%, kế đến khu vực châu Âu là 5%.
Đặc biệt, tại Hội chợ du lịch diễn ra tại thủ đô London (Anh) vào cuối năm 2013, Việt Nam được đánh giá là xếp thứ hai, sau Trung Quốc tại khu vực châu Á về tiềm năng phát triển du lịch. Đó là kết quả của cuộc khảo sát lấy ý kiến của hơn 1.200 nhà quản lý du lịch trên toàn thế giới về xu hướng du lịch toàn cầu.
Cũng theo UNWTO, năm 2013, tăng trưởng du lịch thế giới bình quân ở mức 5% thì khu vực Đông Nam Á và Nam Á có mức tăng trưởng trên 8%. Việt Nam hiện nằm trong tốp 5 điểm đến hàng đầu khu vực Đông Nam Á và top 100 điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, con số trên mới chỉ tính số tiền khách du lịch bỏ ra chứ chưa tính doanh thu từ du lịch. Nếu tính cả doanh thu từ du lịch (gồm cả doanh thu của các ngành dịch vụ phục vụ cho du lịch như vận tải, nhà hàng khách sạn, dịch vụ văn nghệ cũng như nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch) từ địa phương tới Trung ương thì con số này có thể gấp 1,65 lần.
Đạt được kết quả này là do chiến lược phát triển du lịch 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định phát triển du lịch thay vì trên diện rộng, sẽ chuyển sang chiều sâu, tập trung vào chất lượng, thương hiệu, hiệu quả. Năm 2013 là năm tạo dấu ấn mới cho việc thực hiện chiến lược này khi tỷ trọng chi tiêu của khách du lịch quốc tế bắt đầu cao hơn chi tiêu của khách du lịch nội địa, chiếm 25% tổng thu từ khách du lịch.
Ngành du lịch Việt Nam bước đầu hình thành các trung tâm động lực phát triển du lịch của địa phương với sản phẩm đa dạng hơn. Chẳng hạn, ở phía Bắc có sự hình thành rõ nét của tứ giác Hà Nội-Hạ Long-Hải Phòng-Ninh Bình. Chuỗi miền Trung với trung tâm là Đà Nẵng kết nối với Huế. Duyên hải Nam Trung Bộ có 2 tâm điểm là Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Ở phía Nam, trung tâm là Tp. Hồ Chí Minh kết nối với các tỉnh lân cận. Ở Tây Nguyên thì Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) là trung tâm của cả vùng.
Hệ thống doanh nghiệp du lịch phát triển mạnh bước đầu hình thành những tổng công ty thương hiệu mạnh. Chẳng hạn, Saigontourist, năm 2013 doanh thu đạt 14.000 tỷ đồng; Vietravel đạt doanh thu 3.000 tỷ đồng từ kinh doanh lữ hành. Các doanh nghiệp, tập đoàn như Vingroup, Mường Thanh, SunGroup (Đà Nẵng) cho ra đời các chuỗi khách sạn chất lượng cao, xu hướng nổi trội của năm 2013, mang tính chất bứt phá của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngành du lịch cũng đã tập trung thực hiện Chiến lược quy hoạch tổng thể và 3 quy hoạch vùng du lịch; xây dựng Chiến lược phát triển tổng thể du lịch và Chiến lược về phát triển thương hiệu du lịch và từ đó, các địa phương, doanh nghiệp xây dựng chiến lược, sản phẩm và thương hiệu của riêng mình cho phù hợp với chương trình tổng thể.
Ngoài ra, 4 điểm đến Hà Nội, Hạ Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được bầu chọn là những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á; 4 khách sạn (Metropole, Hayaat, Nam Hải và Residence) cũng nằm trong top 500 khách sạn tốt nhất châu Á. Đây là sự công nhận về chất lượng của quốc tế với dịch vụ và khách sạn cao cấp của Việt Nam.
Tiếp nối những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2013, ngành du lịch bước vào năm mới 2014 với tin vui khi trong tháng 1 đã đón 776.000 lượt khách quốc tế, tăng 20,79% so với cùng kỳ năm trước với tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1 tỷ USD.
Tạo đà cho năm 2014
Năm nay, xu hướng du lịch ngày càng trở nên phổ biến và du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng. Dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới cho thấy, số khách du lịch quốc tế sẽ đạt lượng khách du lịch sẽ tiếp tục tăng trong năm 2014, với nhịp độ 4-4,5%.
Ở trong nước, ngành du lịch tiếp tục phát huy đà tăng trưởng của năm 2013 để thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là nền tảng cơ bản và định hướng phát triển lâu dài với những mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ đạt 11,5 đến 12% năm.
Đến năm 2020, Việt Nam đón 10-10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47-48 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỷ USD, đóng góp từ 6,5-7% GDP cả nước, tạo ra 3 triệu việc làm, trong đó có 870.000 lao động trực tiếp là du lịch. Năm 2030, tổng thu từ khách du lịch tăng gấp hai lần năm 2020.
Tổng cục Du lịch khẳng định năm nay, ngành du lịch sẽ triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra là thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, nâng tổng thu toàn ngành lên mức 220.000 tỷ đồng.
Ngành du lịch sẽ có các chiến dịch thay đổi khái niệm, nhận thức về du lịch cộng đồng trong xã hội. Đó là phát triển du lịch mang lại nguồn lợi cho cộng đồng, phát triển kinh tế địa phương với khái niệm phát triển du lịch có trách nhiệm hay du lịch bền vững, như các nước Ấn Độ, Kênia đã thực hiện rất thành công.
Trong khi người dân bản địa nước ta không làm du lịch, mà tham gia đóng góp kinh tế chính là các doanh nghiệp khai thác du lịch tại địa bàn, với việc đóng 10% doanh thu, lợi nhuận cho địa phương.
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cho rằng, tiềm năng để phát triển du lịch của Việt Nam rất lớn. Để khai thác tối đa tiềm năng cho du lịch đòi hỏi ngành du lịch phải giải quyết đồng bộ những hạn chế như hạ tầng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được mong muốn của khách du lịch. Sản phẩn của chúng ta còn nghèo nàn, đơn điệu, nhân lực của vừa thiếu, vừa yếu.
Công tác quảng bá xúc tiến phải cần đổi mới nhưng do kinh phí còn hạn chế nên còn làm manh mún dàn trải. Ngoài ra, hiện nay kinh phí đầu tư cho ngành du lịch từ nguồn ngân sách nên vấn đề quan trọng là phải huy động được những doanh nghiệp được hưởng lợi từ những chương trình quảng bá xúc tiến. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa làm được điều này.
Ngành du lịch cần phải là người nhạc trưởng để huy động vốn từ ngoài nguồn ngân sách. Để làm được điều đó, ngành du lịch phải phải có uy tín vì bây giờ bản thân các doanh nghiệp tự đi xúc tiến rất nhiều. Nếu như không có nhạc trưởng thì khó có thể có quả cao.
Trong quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030 quy định có 7 vùng, nhưng cái yếu của du lịch Việt Nam là thiếu tính liên kết vùng. Trong năm 2014, ngành du lịch sẽ triển khai quy hoạch theo từng vùng, trong đó quan trọng là việc liên kết các sản phẩm vùng. Ngay sau Tết, ngành đã thành lập các đoàn khảo sát triển khai liên kết các vùng và chú trọng vào việc phát triển sản phẩm đặc trưng của từng vùng để vừa phát huy được văn hóa và tạo ra sự khác biệt thu hút khách du lịch.
Cũng theo Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn, để thực hiện tốt những mục tiêu cụ thể trên, trước mắt cũng như lâu dài mà Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra đồng thời để du lịch thật sự đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế, ngành du lịch cần tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, nghiên cứu nhu cầu của các đối tượng khách ở các thị trường khác nhau, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, giá trị cao, phát triển thành những thương hiệu du lịch nổi tiếng, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Đặc biệt năm 2014, ngành du lịch tập trung ưu tiên phát triển các loại hình du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch MICE… Đặc biệt, phát huy thế mạnh và tăng cường liên kết giữa các vùng, miền, địa phương, hướng tới hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng theo vùng du lịch./.
Theo Đỗ Thảo Nguyên - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]