Tháng giêng vốn được gọi là tháng ăn chơi, vì thế, trên khắp cả nước, có nhiều lễ hội truyền thống ấn tượng và đặc sắc diễn ra trong tháng Giêng. Hãy cùng TTTD điểm danh những lễ hội truyền thống, thu hút đông đảo người tham gia sau đây.
Tại miền Bắc
Lễ hội chùa Hương
Hội chùa Hương khai hội từ ngày mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là lễ hội kéo dài nhất trong cả nước. Hàng năm lễ hội thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi kéo về tham gia.
Du khách trẩy hội chùa Hương.
Du khách khi đến với lễ hội còn được đắm mình trong không gian non nước mênh mông của suối Yến, hay chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ của động Hương Tích.
Khai ấn đền Trần
Lễ hội diễn ra tại đền Trần - Nam Định, là một trong những lễ hội khai xuân lớn nhất trong năm, diễn ra từ ngày 11-16 tháng giêng.
Ngoài lễ phát ấn lúc giữa đêm 14 và mở đầu ngày 15 tháng giêng, lễ hội còn tổ chức xen kẽ các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân, múa rồng, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ môn Đền Trần…
Du khách tham gia lễ hội đền Trần chủ yếu cầu thăng quan, thành đạt trong công việc bằng hình thức xin hoặc mua ấn.
Hội Lim
Lễ hội diễn ra tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Thông thường, lễ hội được chuẩn bị chu đáo từ ngày 9 và 10 và sẽ diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng giêng, chính hội là ngày 13.
Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương. Đây cũng là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh.
Hội Lim thu hút hàng vạn du khách.
Trong ngày lễ còn có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như hát quan họ, giao lưu đối đáp, đấu võ, đấu vật, đấu cờ, thi dệt cửi, nấu cơm, thi cờ người.
Lễ hội chùa Bái Đính
Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình) là lễ hội lớn, thu hút đông du khách tham gia. Lễ hội khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3.
Phần hội chùa Bái Đính gồm có nhiều trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm đất Cố đô.
Lễ hội Yên Tử
Đây là lễ hội được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch.
Núi Yên tử cao hơn 1.000 m, được coi là đất tổ Phật giáo Việt Nam. Hiện nơi đây đã có 2 hệ thống cáp treo, giúp rút ngắn thời gian hành hương tới chùa Đồng trên đỉnh núi.
Lễ hội Bà Chúa Kho
Khai hội vào ngày 14 tháng giêng, nhưng từ đầu năm, mỗi ngày, khu đền Bà Chúa Kho (tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh) luôn chật kín người.
Đa số người làm ăn đến hành lễ “vay vốn” đền Bà Chúa Kho với mong muốn cầu cho công việc trong năm mới được suôn sẻ, phát đạt.
Để lời cầu xin được đến tai bà, mỗi thân chủ phải ghi rõ trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và đặc biệt là phải nói rõ một năm, hai năm, hay năm năm sau sẽ trả, tức là tạ lễ.
Lễ hội Chùa Keo
Diễn ra vào ngày 14 tháng giêng Âm lịch tại Thái Bình. Đây là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng ở Việt Nam. Với công trình nghệ thuật Gác Chuông được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Nơi đây thờ thiền sư Không Lộ, người có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, được phong làm Quốc sư.
Hội Phết Hiền Quan
Đây là lễ hội dân gian được tổ chức ngày 12 và 13 tháng giêng tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Phú Thọ). Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa công chúa - Đức Thánh Mẫu Đại Vương, người giúp Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước.
Trong lễ hội, hàng trăm thanh niên trai tráng sẽ tham gia cướp phết gồm có 3 quả phết được đặt giữa khu đất trống tượng trưng cho mặt trời để cầu may mắn.
Lễ hội Lồng Tồng
Đây là một lễ hội truyền thống đặc trưng của dân tộc người Tày. Trong lễ hội thường diễn ra các trò chơi dân gian cổ truyền như: ném còn, bịt mắt bắt dê, hát lượn… Lễ hội này được tổ chức hàng năm vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch theo từng địa phương, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, no ấm.
Lễ hội Lồng Tồng - Ảnh: Sưu tầm
Lễ hội cầu an bản Mường
Đây là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Bắc như đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu và đồng bào dân tộc Mường . Lễ hội được tổ chức vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch hằng năm. Lễ hội này được gắn với tục giết trâu và tạ thần linh được thể hiện qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng… Nội dung của lễ hội có nhiều hoạt động liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh, mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cả cộng đồng trong năm diễn ra lễ hội. Chính vì thế mà lễ hội này được tổ chức rất trọng thể, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng.
Tại miền Trung
Lễ hội cầu Ngư
Đây là lễ hội của nhân dân làng Thái Dương hạ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng là Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành. Thường cứ ba năm một lần, làng tổ chức đại lễ rất linh đình, có tổ chức các trò mô tả những sinh hoạt của nghề đánh cá, trong đó có “bủa lưới” mang ý nghĩa trình nghề, khắc họa đậm nét ghi lễ dân gian của cư dân vùng ven biển.
Lễ hội cầu ngư - Ảnh: Sưu tầm
Tại miền Nam
Lễ hội Đền Bà Đen
Còn được gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu, được xây trên lưng chừng núi cao độ 380m. Đến nay, đền được trùng tu nhiều lần, và từ chân núi đi lên đã làm một con đường bậc thang cho người đi bộ. Lễ hội được tổ chức vào đầu mùa xuân, sau Tết nguyên đán, từ ngày 10 đến rằm tháng Giêng. Hằng năm, đến ngày lễ hội Đền Bà Đen, dân chúng các tỉnh đến rất đông để đến xin phước lành bà Linh Sơn Thánh Mẫu có đến cả trăm ngàn người.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]