Lễ hội Khuống Mùa (xuống đồng) được tổ chức vào ngày mồng Tám tháng Giêng hàng năm với mong ước cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt trong năm mới. Lễ hội thường được tổ chức ở các vùng như: Mường Động (Kim Bôi), Mường Bi (ở khu vực xóm Lũy- huyện Tân Lạc) mường Chiềng, Mường Vang (ở khu vực xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn). Phần lễ diễn ra trong không khí trang trọng và linh thiêng.
Thầy Mo làm lễ cúng (ảnh: BVP)
Mở đầu là cảnh ông Mo “khua chiêng” để đánh thức chiêng và diễn xướng (hát ngâm). Một cô gái Mường trong vai thần vía lúa gạo, một người bưng lễ mâm cúng – lay lục Đâm đuống (giã gạo). Hai nhóm trai, gái cùng cầm những chiếc chày dài, cao xấp xỉ thân người cùng vung lên rồi giã xuống cối gạo tạo ra âm thanh rộn rã trong Mường, ngoài xóm. Kết thúc màn biểu diễn là tiếng reo vui của tất cả những người tham dự.
Trình diễn một nghi thức trong Lễ hội (ảnh: BVP)
Nhưng độc đáo nhất phải là màn trình diễn của nhóm hòa tấu cồng chiêng “sắc bùa”, nhóm hòa tấu các bản nhạc “cò ke ống sáo” (nhị, sáo, đàn tam, kiêu cảnh, sênh tiền). Các cô gái Mường duyên dáng, uyển chuyển trong điệu sênh tiền với những động tác gần gũi với đời sống sinh hoạt như khi bưng mâm lễ trong ngày hội; khi gánh những bông lúa trĩu hạt trong một mùa bội thu; khi e ấp soi mình bên dòng suối.... Đây là điệu mùa được tác giả dân gian sáng tạo trên nền tiết tấu của nhạc cụ sênh tiền nên âm hưởng rất vui tai và tạo ra sự hào hứng cho những người đến với lễ hội…
Cũng giống như lễ hội xuống đồng ở các dân tộc khác, Lễ hội Khuống Mùa thể hiện lòng biết ơn của những cư dân lúa nước với trời đất và ước nguyện về sự no ấm, phồn thực. Đồng thời là minh chứng cho sự phát triển về văn hóa tinh thần của cư dân lúa nước trên mảnh đất này.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]