1. Di tích tháp Po Klong Garai
Tháp Poklong Garai nằm trên đường Bác Ái, thành phố Phan Rang là một quần thể bao gồm tháp chính, tháp cổng, tháp phụ và tường gạch. Tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII trong vương triều vua Simhavarman III (Chế Mân) thờ vua Po Klaong Garai (1151 – 1205).
Nét đặc trưng của Po Klong Garai là tháp còn nguyên vẹn và là cụm tháp đẹp nhất trong những tháp Chăm còn tồn tại đến nay. Đây là nơi hành hương của đồng bào Chăm vào dịp lễ hội Katê tháng 10 hàng năm.
Cách quốc lộ 27 khoảng 300 m, tháp Po Klong Garai nằm ở vị trí rất thuận tiện cho khách du lịch đến tham quan và trở thành địa điểm tham quan được biết đến nhiều nhất hiện nay ở Ninh Thuận.
Vẻ đẹp huyền bí của tháp Po Klaong Garai trên ngọn Đồi Trầu.
2. Làng nghề truyền thống gốm Bàu Trúc
Làng nghề gốm Bàu Trúc thuộc khu phố 7, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước nằm cạnh Quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang 10 km về phía Nam. Đây được xem là làng gốm lâu đời nhất Đông Nam Á và được đưa vào danh mục 12 di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Làng gốm Bàu Trúc luôn thu hút sự khám phá của du khách mỗi khi đến vùng đất Ninh Thuận.
Theo truyền thuyết Po Klaong Chanh là vị tổ sư của nghề gốm. Hàng năm sau ngày lễ hội Kate trên tháp Po Klaong Garai, người dân Bàu Trúc náo nức chuẩn bị lễ giỗ tổ nghề cho vị tổ sư Po Klaong Chanh.
Nghi thức mặc y trang cho ông tổ nghề gốm Po Klaong Chanh. Ảnh: Baoninhthuan
Với phương pháp tạo hình hoàn toàn thủ công, vật liệu chủ yếu là đất sét của con sông Quao pha cát cùng với dụng cụ là những vòng tre, vỏ sò, ốc biển… người phụ nữ Chăm tạo thành những vật dụng có hồn và đầy sức sống. Sản phẩm nung theo kiểu lò lộ thiên truyền thống, với cách nung 2 lần, tạo cho áo gốm các vân màu đen xám đặc trưng và chất màu thực vật làm từ các loại vỏ cây có nhiều ở miền núi tỉnh Ninh Thuận, tạo nên một phong cách làng nghề truyền thống đặc trưng.
Những sản phẩm gốm đậm nét văn hóa Chăm. Ảnh: Baoninhthuan.
Làng dệt Mỹ Nghiệp thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách quốc lộ 1A hơn 1 km và cách thành Phố Phan Rang 10 km về hướng Nam.
Người phụ nữ Chăm có vai trò chính trong việc sáng tạo và truyền dạy những tinh hoa quý báu của nghề dệt truyền thống này, phản ánh đậm nét chế độ mẫu hệ của người Chăm và truyền thuyết Po Ina Nagar - Nữ thần mẹ xứ sở của người Champa xưa.
Sản phẩm của làng là hàng thổ cẩm với những hoa văn độc đáo, đa dạng với nhiều mẫu mã, có giá trị sử dụng và mang bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Các sản phẩm chủ yếu gồm tấm ra, chăn, túi xách, quần áo, ba lô, cà vạt, ví nam - nữ.
Nét đặc trưng của nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống với phương pháp thủ công hoàn toàn, gắn liền với lịch sử phát triển của cộng đồng người Chăm tại Ninh Thuận.
Làng dệt truyền thống Mỹ Nghiệp với sản phẩm dệt hoa văn đặc sắc Chăm. Ảnh Putra Jatrai.
4. Vườn nho Thái An
Vườn nho ở thôn Thái An nằm tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, cách thành phố Phan Rang 30 km theo hướng Đông Bắc. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng là vùng ven biển tạo nên những trái nho Thái An đỏ chín mọng, giòn thơm, hương vị ngọt ngào.
Nho Ninh Thuận thường dùng để ăn tươi, làm rượu nho và chế biến nhiều loại sản phẩm khác. Đến với Thái An du khách có thể tìm hiểu cách trồng nho, cách chế biến các sản phẩm từ nho như rượu nho hay mứt nho.
Mùa nho chín ở Thái An. Ảnh: Teenphanrang
5. Vịnh Vĩnh Hy
Vịnh Vĩnh Hy thuộc thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Nằm cách thành phố Phan Rang 42 km theo hướng Đông Bắc. Vịnh Vĩnh Hy được đánh giá là một trong những vịnh đẹp nhất Việt Nam cùng với vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh, vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh ở Khánh Hòa.
Vịnh Vĩnh Hy là trung tâm kết nối hệ sinh thái cảnh vườn quốc gia Núi Chúa, bao gồm nhiều nhánh sông, suối đổ ra biển, những bãi cát trắng mịn, nước trong xanh, cùng với các điểm tham quan như suối Lồ Ồ, bãi Bà Điên, Cà Tiên, bãi Cốc, bãi Hời, bãi Thùng, bãi Lớn, mũi Đá Vách… rất thích hợp cho du khách nghĩ dưỡng biển.
Vẻ đẹp hoang sơ của vịnh Vĩnh Hy, một trong mười vịnh đẹp nhất cả nước. Ảnh: Dulichhe.biz
Ven biển Thái An và vịnh Vĩnh Hy có nhiều loài san hô quý hiếm và rùa biển đang được bảo tồn. Bao bọc quanh vịnh là quần thể Núi Chúa có cao độ 1.040 m so mực nước biển, là rừng độc đáo duy nhất và đặc trưng cho hệ sinh thái khô hạn ở Đông Nam Á.
Với những giá trị nổi bật về địa hình, địa thế, khí hậu và tính đa dạng sinh học cao, hệ sinh thái động thực vật hết sức phong phú…vịnh Vĩnh Hy là điểm đến lý tưởng của những du khách yêu thích khám phá dưới lòng đại dương và thiên nhiên mênh mông.
Theo Putra Jatrai - VnExpress
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]