Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) còn lưu giữ khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung..Ngôi làng để lại ấn tượng ngay với khách tham quan bởi vẻ cổ kính, đậm chất làng quê miền Trung, với những mái nhà cổ rêu phong ẩn mình trong những tàng cây xanh mát và không khí yên bình.
Đường vào làng là con đường độc đạo, được lát gạch hoặc trải bê tông khang trang, sạch sẽ. Hai bên đường là hai hàng chè tàu xanh mướt, được cắt tỉa gọn gàng, uốn lượn theo trục đường làng, ngõ xóm và ngăn cách khuôn viên từng nhà.
Nhìn từ trên cao hoặc qua
bản đồ, dòng Ô Lâu như một dải lụa xanh bao quanh 3 mặt làng Phước Tích. Các nhà thờ họ và đình làng đều hướng mặt ra sông Ô Lâu. Ông Lương Vĩnh Viễn, 71 tuổi, hướng dẫn viên, người làng Phước Tích cho biết, từ khoảng nửa cuối thế kỷ XV, ông Hoàng Minh Hùng từ Nghệ An cùng 12 dòng họ di cư đến vùng đất này lập làng, bắt đầu làm nghề gốm. Từ trục đường chính bên dòng Ô Lâu, người xưa đã xây dựng 12 bến nước để thuận tiện cho việc đưa gốm xuống thuyền mang đi các nơi tiêu thụ.
Hiện nay làng Phước Tích có 19 dòng họ, 117 hộ với 327 nhân khẩu. Người làng Phước Tích không làm nông nghiệp. Con cháu người làng Phước Tích học hành đỗ đạt và lập nghiệp khắp nơi. Vì vậy, khách đến làng Phước Tích vào những ngày bình thường chỉ gặp
phụ nữ và người già. Điều đó cũng góp phần làm nên khung cảnh rất đỗi thanh bình, êm ả cho ngôi làng cổ này. “Mỗi dòng họ trong làng có một nhà thờ họ riêng. Khi có việc họ, con cháu lại tụ tập về đứng chật sân, tràn cả ra đường làng. Như họ tôi đây (họ Lương Vĩnh - PV) có đến gần 300 người. Việc họ xong, con cháu đi hết, làng lại trở về với nếp sống thanh bình, tĩnh lặng”, ông Lương Vĩnh Viễn nói thêm. Làng tuy vắng vẻ là thế nhưng tình hình an ninh trật tự rất tốt. “Mùa hè, người làng Phước Tích ngủ chẳng cần đóng cửa vào ban đêm. Ai có để quên xe máy ngoài đường thì sáng ra vẫn ở đó”, ông Lương Vĩnh Viễn giới thiệu đầy tự hào về làng mình.
Theo anh Nguyễn Ngọc Nam, cán bộ Ban quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, làng có hơn 30 căn nhà cổ, được xây dựng từ khoảng những năm 1850 - 1870, trong đó 24 căn còn khá nguyên vẹn. Các ngôi nhà cổ ở làng có 2 kiểu kiến trúc: 3 căn, 2 chái và 1 căn, 2 chái (nhà vuông), trên lợp ngói liệt dày, hệ thống cột kèo chắc chắn. Trước mỗi ngôi nhà cổ thường có bình phong, hồ cá cảnh mà theo quan niệm của người xưa là để chắn gió và các thứ ô tạp không vào được. “Nếu không có việc gì quan trọng, cửa chính của các ngôi nhà cổ luôn đóng, chỉ mở cửa phụ hai bên. Theo quan niệm xưa, phụ nữ sống trong các ngôi nhà này phải ở phòng dưới, lúc ăn uống ít khi được ngồi cùng mâm với nam giới và khi đi qua gian giữa thì phải cúi đầu”, ông Lương Vĩnh Viễn giải thích.
Hiện nay, hoạt động du lịch ở làng cổ Phước Tích đã được chuyên nghiệp hóa. Thế nhưng, dịch vụ du lịch của làng còn khá đơn điệu. Khách đến thăm làng chủ yếu mới được tham quan nhà cổ, lò gốm và cùng trải nghiệm làm rồi thưởng thức các loại bánh Huế như:
bánh lá, bánh nậm, bánh lá gai, bánh su sê… Nhưng có lẽ đấy là nếp sống vốn có của một ngôi làng cổ mà du khách thích khám phá.
Theo Zingnews