Ông Nguyễn Trọng Duy - Giám đốc Trung tâm Văn hóa quận Long Biên (HN) cho biết, nghi thức kéo co ngồi trong Hội đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) đã chính thức nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ Bộ VH, TT&DL.
Theo ông Duy, kéo co ngồi là diễn xướng dân gian, mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, được mùa... Hiện Việt Nam cùng một số quốc gia trình hồ sơ lên UNESCO đề nghị công nhận kéo co ngồi là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Kéo co ngồi là nghi thức thường được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, gắn với ngày sinh tương truyền của Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Trước khi kéo co, người chơi phải thực hiện nghi lễ trình Đức Thánh, sau đó tổ chức diễn xướng ở tư thế ngồi trên nền đất hoặc nền ruộng với nhiều hoạt động độc đáo.
Trò diễn này sử dụng một cây cột gỗ lớn có đục lỗ được chôn cố định trên nền đất, cộng cùng một sợi dây song lớn dài gần 50 mét. Trước khi kéo, dây song được nêm tại lỗ cột. Người chơi được chia thành từng đội, mỗi đội 24 người và 1 tổng cờ. Khi kéo, 2 tổng cờ chạy lên chạy xuống, phất lá cờ lệnh vào mặt, vào đầu các trai kéo của đội mình để vừa chỉ huy, vừa cổ vũ.
Theo tương truyền, có 1 năm làng Ngọc Trì hạn hán, 12 cái giếng thì cạn hết 11, chỉ còn giếng ở xóm Đìa là còn nước. Trai xóm Đường và xóm Chợ xuống giếng lấy nước về dùng. Trai xóm Đìa sợ hết nước nên ngăn không cho lấy. Bên giằng, bên giữ, lại sợ đổ mất nước nên ngồi xuống đất mà ôm lấy cả thùng nước.
Hạn hán qua đi, nhớ lại tích ấy, các cụ nghĩ ra trò kéo co ngồi để cho mọi người chơi trong Hội làng với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]