Quyết níu chân khách Nga tại Hà Nội
Dù bị sụt giảm lượng khách mạnh trong cuối năm 2014 và năm 2015 do ảnh hưởng của nền kinh tế Nga, xứ sở Bạch dương vẫn luôn là một trong những thị trường inbound (khách quốc tế vào Việt Nam) hàng đầu của du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam đang xếp thứ 4 trong danh sách các điểm đến được khách du lịch Nga tìm kiếm nhiều nhất càng trở thành động lực để du lịch Việt Nam quyết tâm phục hồi, và đẩy mạnh thu hút thị trường khách đầy tiềm năng này. Nắm bắt cơ hội này, Hà Nội đang nỗ lực để tấn công thị trường Nga trong năm 2016, quyết tâm thay đổi thói quen chỉ thích đi du lịch biển của du khách Nga.
Ngoài việc tham gia đoàn xúc tiến quảng bá tại Nga cùng với Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam vào tháng 3, ngành du lịch Hà Nội đã và đang phối hợp cùng với các địa phương và doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch để chuẩn bị sẵn sàng đón khách từ xứ sở Bạch dương.
Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, mục tiêu của du lịch Hà Nội là đưa thủ đô trở thành điểm dừng chân quen thuộc của khách Nga. Khách Nga sẽ đến Hà Nội đầu tiên, rồi mới di chuyển đến các địa danh khác hoặc các nước khác. Với lợi thế có đường bay thẳng tới một số địa phương của Nga, Hà Nội cam kết đưa ra giá rẻ nhất cho khách Nga so với các tỉnh, thành phố khác, cũng như các nước trong khu vực.
Hà Nội đang quyết tâm níu chân khách Nga. Ảnh minh họa: Hoàng Thành.
Hà Nội “đãi” khách Nga “món” gì?
Điều mà người ta quan tâm là Hà Nội sẽ “đãi” khách Nga “món” gì, khi đa phần du khách Nga chỉ thích đi tắm biển và thường lui tới những địa danh có thế mạnh về biển ở miền Trung Việt Nam, đặc biệt là Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết, Mũi Né (Bình Thuận)…
Về vấn đề này, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, Hà Nội sẽ chủ yếu giới thiệu đến khách Nga những nét đặc trưng nhất của thủ đô. Theo đó, sản phẩm du lịch phục vụ khách Nga sẽ có tham quan, khám phá Hồ Gươm gắn với khu phố cổ, các bảo tàng, nhà hát; tham quan khu Hoàng thành Thăng Long gắn với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, Văn Miếu -Quốc Tử Giám, Thăng Long tứ trấn...
Sau đó, ngành du lịch sẽ hướng khách Nga đi Sa Pa, leo Fansipan (Lào Cai), hoặc thăm chiến trường Điện Biên Phủ (Điện Biên). Khách Nga thích biển nên Hà Nội cũng đã liên kết với Thanh Hóa, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định là những nơi giàu tiềm năng nhưng chưa được thị trường này biết đến nhiều, để xây dựng bộ sản phẩm dành riêng cho khách Nga.
Ngoài ra, sản phẩm dành cho những vị khách đến từ xứ sở Bạch dương còn có hành trình Hà Nội - Tây Nguyên và tour Hà Nội đi thủ đô các nước Đông Dương. “Tất cả các sản phẩm đã được các doanh nghiệp “chăm bẵm” kỹ lưỡng, sẵn sàng phục vụ du khách đến từ xứ sở Bạch Dương” - ông Hồng khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Đài - Giám đốc Công ty lữ hành APT Travel - thành viên Liên minh kích cầu thị trường Nga cho biết: “Khách Nga không chỉ thích biển, mà họ cũng rất thích khám phá văn hóa. Thế nên, chúng tôi đã thiết kế những tour khám phá gắn với du lịch biển. Ví dụ, miền Bắc sẽ gắn Hà Nội với Hạ Long, Cát Bà. Nếu tour nhiều ngày hơn, sau khi khách tham quan miền Bắc có thể gắn với tham quan Phú Yên, Quy Nhơn là hai khu vực có biển đẹp, hoang sơ, chuỗi nhà cung ứng rẻ”.
Ở góc độ khác, Tổng Giám đốc Công ty Haseco Travel Trần Thị Bạch Yến cho rằng, lợi thế của Hà Nội là các sản phẩm mang đậm giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, do vậy không có lẽ gì không giới thiệu những “đặc sản riêng” đó tới những vị khách Nga.
“Vừa qua, Haseco Travel dẫn đoàn khảo sát của Công ty Continetal Russia Travel (Nga) đến làng cổ Đường Lâm, làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội). Ngay khi xuống sân bay, họ yêu cầu đến thăm Lăng Bác trước. Dù trời mưa, nhưng cả đoàn vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ để được vào viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này hiếm thấy ở khách Tây Âu, châu Âu và một số thị trường khác. Đấy có lẽ là tình cảm đặc biệt mà người Nga dành cho Việt Nam” - bà Yến chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Yến cũng bày tỏ lo ngại rằng hiện nay, thời gian lưu trú tại Hà Nội của du khách quốc tế nói chung và khách Nga nói riêng thường rất ngắn, do thiếu sản phẩm du lịch giải trí hấp dẫn dành cho họ.
Làm thế nào để đa dạng hóa và chuyên nghiệp hóa sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu khách Nga cũng là thách thức của ngành du lịch thủ đô, trước cơ hội những vị khách xứ sở Bạch dương sẽ đổ bộ đến Hà Nội ngày càng đông, đặc biệt là khi Nga đã đặt Văn phòng đại diện du lịch ở khu vực Đông Nam Á tại đây.
Khách Nga đến Việt Nam được biết đến là những vị khách chi tiêu phóng khoáng và lưu trú dài ngày. Thế nhưng, làm thế nào để thu hút họ đến một điểm đến mới không có biển, và thay đổi thói quen du lịch không phải là điều dễ dàng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]