Khung cảnh từ trên Cột cờ Lũng Cú nhìn xuống.
Hà Giang không chỉ có hoa tam giác mạch hồng rực, mà còn có những di tích, danh thắng nổi tiếng: Cao nguyên đá Đồng Văn, Dinh thự họ Vương, Cột cờ Lũng Cú và Con đường Hạnh phúc, trong Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc Tổ quốc luôn cuốn hút khao khát chinh phục mọi công dân đất Việt, nhất là giới trẻ.
Nơi bắt đầu nét vẽ bản đồ Tổ quốc
Địa danh “Mỏm tột Bắc” hay “mỏm Lũng Cú tột Bắc”, chính là chữ của nhà văn Nguyễn Tuân để chỉ nơi ngày nay đang sừng sững Cột cờ Lũng Cú. Đây cũng chính là điểm cực Bắc, “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”.
Có hai đường để lên Cột cờ Lũng Cú. Nếu nghỉ lại thị trấn Đồng Văn, du khách chỉ cần rẽ vào con đường cách trung tâm khoảng 2 km mà không cần vòng lại Dinh thự họ Vương, do đó sẽ tiết kiệm được khoảng 15 km. Con đường gập ghềnh, nhiều khúc cua tay áo - thử thách đối với các phượt thủ - luôn chìm đắm trong làn sương mờ ảo. Tuy nhiên, dù “vướng bận” sương mù nhưng từ xa vẫn có thể nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, bởi cột cờ Tổ quốc nằm trên đỉnh núi Rồng xã Lũng Cú, cao khoảng 1.700 m so với mực nước biển.
Từ xa, nổi bật giữa vùng đất với 3/4 là đá, cột cờ Tổ quốc có hình dáng giống cột cờ Hà Nội, trông xa giống như một ngọn tháp; Xung quanh là phong cảnh núi rừng hùng vĩ, trùng điệp… Tới gần, có thể quan sát thấy dưới chân cột khắc phù điêu mang rõ nét hoa văn Trống đồng Đông Sơn, cột cờ in bóng xuống mặt hồ Lô Lô xanh biếc. Để ý hơn một chút, du khách sẽ thấy giữa lưng chừng núi Rồng có một hang khá rộng và đẹp mà người dân ở đây vẫn gọi là hang Sì Mần Khan.
Khi bước chân lên bậc đá đầu tiên, tiếng nhạc hào hùng của giai điệu Tổ quốc vang lên từ hệ thống loa đặt ngầm trong hốc đá khiến mỗi người đều dâng trào xúc cảm thiêng liêng. Theo lối chính có đến 389 bậc thang đá, bạn sẽ lên tới đỉnh núi Rồng nơi đặt cột cờ. Vượt qua hàng lan can inox chắn, là một cây thông cao lớn mọc nhô lên.
Từ đây, bạn có thể ngắm ruộng bậc thang với hai tông màu xanh và vàng trải dài trong thung lũng. Chính giữa là những hồ nước lấp loáng, cao lên phía trên là núi cao tiếp giáp mây trời. Nhưng đó chưa phải là nơi cao nhất, bởi trong lòng cột cờ còn có một cầu thang xoắn ốc 140 bậc. Men theo lối đi nhỏ hẹp hắt ánh sáng qua ô cửa nhỏ, bạn như bị hút lên cao theo cơn gió lộng từ trên đỉnh đầu.
Cột cờ Lũng Cú.
Dường như ai cũng có cảm giác xúc động khi lên tới phần cao nhất Cột cờ Lũng Cú, chân cột cờ rộng 54m2, để nhìn xuống bức tranh tươi đẹp của rừng núi, làng mạc và chắc chắn hình ảnh về cột cờ hùng vĩ giữa vùng đất địa đầu Tổ quốc vẫn sẽ là những ký ức đẹp về Hà Giang, về đất và người Tây Bắc.
Bức tranh Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng
Nằm ở đỉnh Lũng Cú có độ cao khoảng 1.700 m so với mực nước biển, từ đỉnh cột cờ nhìn xuống là cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ với Cao nguyên đá Đồng Văn trùng điệp, là những khoảnh ruộng bậc thang xen giữa các xóm bản Lô Lô Chải, Séo Lủng, Cẳn Tằng... Tất cả vẽ nên một bức tranh làng quê với vẻ đẹp hoang sơ nhưng đầy thơ mộng, thanh bình của vùng non cao.
Cũng từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống, bạn sẽ thấy hai bên đỉnh núi có hai hồ nước Lô Lô nằm gần như đối xứng nhau, quanh năm không bao giờ cạn nước và là nguồn nước cho đồng bào dân tộc trong vùng sử dụng, được người dân nơi đây ví như “mắt rồng”.
Muốn chinh phục cực Bắc ngay trong ngày, các nhóm nên di chuyển khẩn trương và chạy thẳng từ TP Hà Giang.
Nếu không sẽ phải để đến sáng hôm sau, vì đường lên xã Lũng Cú khá ngoằn ngoèo và khó đi.
Từ Hà Nội, bạn nên đi xe khách đêm Hà Nội - Hà Giang xuất phát tại Bến xe Mỹ Đình lúc 21h và tới 5h sáng sẽ đến Hà Giang của một số nhà xe như: Bằng Phấn, Hưng Thành, Hải Vân… với giá 260 - 300 nghìn đồng/người.
Lũng Cú có nhiều tên gọi khác nhau, mỗi cái tên đều mang trong đó những câu chuyện thú vị. Có giả thiết cho rằng, Lũng Cú đọc trại từ Long Cư, nghĩa là rồng trên đồng ruộng. Cũng có người cho rằng Lũng Cú vốn có tên là Lũng Ngô vì cánh đồng Thèn Pả trồng nhiều ngô, thứ lương thực chính nuôi sống đồng bào dân tộc. Cũng có truyền thuyết cho rằng, tên gọi Lũng Cú bắt đầu từ Long Cổ, có nghĩa là trống của Vua.
Xã Lũng Cú có tổng diện tích tự nhiên 3.460 ha với 9 thôn, bản (Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn) và có đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hơn 16 km. Tại đây, mùa đông thời tiết rất lạnh và thi thoảng có tuyết rơi. Trong số 9 thôn, bản của Lũng Cú thì Séo Lủng thuộc phần đất thượng cùng cực Bắc với bên trái là thung lũng Thèn Ván sâu thăm thẳm, bên phải là dòng sông Nho Quế, dòng sông bắt nguồn từ Mù Cang Chải, Vân Nam, Trung Quốc đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang.
Bên cạnh đó, Lũng Cú còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu từ thời Hùng Vương. Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt nơi biên ải này một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà Vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ…
Là vùng đất của chè Shan, rượu mật ong, rượu ngô, đào phai, hoa lê, tuyết trắng và món thắng cố trong buổi chợ phiên; Cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc như: Mông, Lô Lô, Giáy; Lũng Cú thực sự hấp dẫn bước chân du khách.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]